Nhà văn Di Li ra mắt bộ đôi tùy bút ẩm thực

'Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa' và 'Nửa vòng trái đất uống một ly trà' là bộ đôi tùy bút ẩm thực của nhà văn Di Li vừa được ra mắt bạn đọc.

 

'Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa' và 'Nửa vòng trái đất uống một ly trà' là bộ đôi tùy bút ẩm thực của nhà văn Di Li vừa được ra mắt bạn đọc nhân ngày Văn hóa ẩm thực Palestine tổ chức ngày 12/11 tại Hà Nội.

Lễ ra mắt sách có các diễn giả: Ngài Saadi Salama - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thaihabooks, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.

Bộ đôi tùy bút ẩm thực gồm 107 câu chuyện về ẩm thực với 650 trang sách. Là một người đam mê văn hóa ẩm thực, Di Li cho rằng, ẩm thực không chỉ là ăn uống mà còn là hồn cốt, là văn hóa của mỗi dân tộc. Phong cách ẩm thực luôn gắn liền với thổ nhưỡng, địa lý, tôn giáo và tính cách dân tộc nên thông qua ẩm thực, người ta có thể đọc ra nhiều mã số văn hóa và lịch sử của dân tộc ấy.

Vẫn với phong cách hài hước quen thuộc, đôi khi chứa đựng cả sự da diết và nâng niu đối với hồi ức qua từng món ăn, “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” là 53 câu chuyện về những món ăn khắp vùng miền: Huế, TP.HCM, Hội An, Quy Nhơn, Ban Mê Thuộc, Pleiku, Châu Đốc, Phú Quốc, Đồng Tháp, Hải Phòng, Hà Nội…

Giới thiệu về món ăn nổi tiếng ở Pleiku, DiLi viết: “Ở Hà Nội, đường Phùng Hưng nổi tiếng với… nhà tang lễ và đường tàu. Còn đây, phố Phùng Hưng của Pleiku lừng danh vì bún mắm cua. “Bất đáo trường thành phi hảo hán”, đấy là đến Bắc Kinh, còn tới Pleiku mà “bất thực” bún cua thì coi như bị dân sành nhìn khinh khỉnh. Khắp Pleiku người ta bán thứ đồ ăn kỳ lạ này, nhưng Phùng Hưng là lẫy lừng nhất vì người đầu tiên mang bún mắm cua đến Pleiku giờ vẫn đang ngồi ở đấy”. Rồi còn ví von: “Bún mắm cua kiêu hãnh y như A capella, hát chay không cần nhạc đệm, ca sĩ sẽ hòa thanh, phối bè bằng chính giọng của mình mà vứt hết cả nhạc cụ đi. Món này không có thịt cá chi hết, cũng chẳng cần gạch cua nữa”…

Còn giới thiệu về hải sản Phú Quốc, Di Li cũng làm cho những người chưa đến háo hức bởi “một trong những linh thực mỹ lệ nhất trên đời mà tôi từng được nếm trải hẳn phải là gỏi cá trích Phú Quốc. Nếu còn những lần sau quay lại, chắc cũng chỉ vì lý do duy nhất là để được ăn cá trích”.

“Nửa vòng trái đất uống môt ly trà” là 54 câu chuyện ẩm thực đa dạng sắc màu văn hóa đưa độc giả tham dự những bữa tiệc kỳ lạ vòng quanh thế giới từ Á sang Âu, Phi. Bạn đọc sẽ dược gặp những sinh vật kỳ dị trong khay hải sản ở Busan, biết được lịch sử 1.200 năm không ăn thịt của người Nhật, những người cuồng ớt ở Tứ Xuyên, sở thích ăn côn trùng của người Campuchia, nhà ảo thuật kem ở Thổ Nhĩ Kỳ…Đặc biệt, lần đầu tiên có một cuốn sách giới thiệu tương đối đầy đủ về văn hóa trà thế giới: Trà Ô Long Trung Hoa, trà đỏ Thổ Nhĩ Kỳ, trà sữa đất nung Ấn Độ, trà bạc hà Maroc, trà đen Sri Lanka, trà nhuộm màu Thái Lan, trà đạo Nhật Bản, trà bơ Tây Tạng...

Ngài Saadi Salama - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhà nước Palestine tại Việt Nam chia sẻ: “Tôi rất trân trọng câu chuyện về ẩm thực Palestine đã xuất hiện trong cuốn “Nửa vòng trái đất uống một ly trà” của Di Li". Trong ngày giao lưu văn hóa, ngài Saadi Salama đã giới thiệu những món ăn Palestine được Di Li nhắc đến trong cuốn sách.

Nhà văn DiLi tại buổi ra mắt bộ đôi tùy bút về ẩm thực.

Nhà thơ Đỗ Trung Lai nhận xét: “Chỉ cần dăm trang sách, Di Li đưa người ta từ Việt sang Nhật, từ Psaka tới Kobe, từ ngoài mưa vào trong bếp, cho người ta biết lịch sử ăn thịt của người Nhật và khoa học hóa tuổi thọ của họ… Đọc về ẩm thực  kiểu này còn thấy “ngon” hơn đi ăn thật”.

Nhà thơ Văn Công Hùng đánh giá: “Di Li viết tinh tế, bài bản, sâu sắc và hài hước nữa. Kể chuyện cứ như chơi. Cái món du ký ẩm thực ấy, nếu không hiểu biết sâu và rộng dể mà liên tưởng, mà so sánh món này món kia, xứ này xứ kia, người này người kia… như kiểu vừa nêm gia vị cho hợp khẩu lại vừa trình bày món ăn cho bắt thị giác ấy thì chỉ là tả lại món ăn theo một cách rất thô lỗ. Nhưng Di Li đã biến nó thành bữa tiệc tràn đầy ánh sáng và biểu cảm văn hóa, để trở thành một thiên đường lộng lẫy”.

Nhà báo Huy Minh, chủ biên Lao động cuối tuần nhận xét hài hước: “Dường như có bao nhiêu của ngon vật lạ trên thế gian này cô ấy cũng nếm cho bằng được. Trong đầu cô ấy hình như chỉ nghĩ đến ăn ngon và nghĩ cách làm sao tả lại được cái ngon lành ấy cho bạn đọc”...

Nhà văn Di Li hiện là giảng viên PR, tiếng Anh tại các trường đại học, là dịch giả, nhà báo, chuyên gia PR và người dẫn chương trình… Là hội viên Hội Nhà văn & Dịch giả Châu Á - Thái Bình Dương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chị đã có hơn 20 đầu sách được phát
hành ở nhiều thể loại.

PV

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận