Năm 1999, đô thị cổ Hội An được UNSECO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Một góc

Không vì bảo tồn mà ngăn cản việc kinh doanh du lịch, nhưng đừng lấy lợi nhuận đó mà quên đi hoạt động bảo tồn, GS.Trương Quốc Bình chia sẻ.

 

Việt Nam sở hữu một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, trải dài trên cả nước. Hệ thống di sản của Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, là điểm đến của đông đảo khách du lịch. Song việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản đang đứng trước thách thức lớn.

Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL về vấn đề này.

Hạn chế trong việc quản lý khiến cho nhiều di sản bị xâm hại

PV: Là người gắn bó với văn hóa, với di sản cả một quá trình rất dài, vậy ông có thể phác thảo đôi nét về bức tranh văn hóa Việt Nam hiện nay như thế nào?

GS. Trương Quốc Bình: Tôi với tư cách là người hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa tính đến năm nay là 46 năm. Tôi thấy Việt Nam có lịch sử lâu đời và sở hữu một kho tàng di sản văn hóa hết sức phong phú và đa dạng. Bao gồm văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, là nét đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Theo số lượng tổng kiểm kê trong toàn quốc, về di tích hiện nay Việt Nam có 4 vạn, trong đó có 3464 di tích đã được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia, 105 di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Đối với Di sản văn hóa phi vật thể, cũng đã tiến hành kiểm kê có hàng ngàn di tích, trong đó cũng đã đưa nhiều di sản và danh mục Di sản cấp Quốc gia hơn 300 di sản.

Trong hoạt động hợp tác với UNESCO, Việt Nam đã lựa chọn ra trong số các Di tích Quốc gia đặc biệt, hiện nay có 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận và 12 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Bên cạnh đó còn nhiều danh hiệu khác của UNESCO như công viên địa chất toàn cầu, Di sản tư liệu thế giới, các Khu dự trữ sinh quyển thế giới…gần đây nhất, trong tổng số 39 danh hiệu của UNESCO đã có 1 danh hiệu cho Hà Nội là thành phố sáng tạo.

Nhìn chung, chúng ta thấy kho tàng di sản văn hóa này hết sức phong phú và đa dạng, bao gồm các di tích từ thời kỳ Tiền sử cho đến thời kỳ hiện đại. Không chỉ là của người Kinh mà còn của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh các di sản văn hóa thì chúng ta có những tài sản về thiên nhiên hết sức nổi trội như Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong nha Kẻ bàng và một số di sản thiên nhiên khác. Xét trên bình diện quốc gia thì có ngần ấy di sản đã được công nhận. Trong tương lai số lượng các di sản văn hóa thiên nhiên và di sản văn hóa phi vật thể sẽ tiếp tục được nâng lên do những việc nghiên cứu phát hiện nội dung giá trị.

Năm 1999, đô thị cổ Hội An được UNSECO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Một góc Hội An nhìn từ trên cao (Thanh Chương).

PV: Vậy với số lượng di sản hiện có, Việt Nam là Quốc gia của di sản?

GS. Trương Quốc Bình: Chúng tôi vẫn nói với nhau một cách mang tính chất động viên là Việt Nam là một trong những cường quốc về di sản ở khu vực Đông Nam Á. Còn ở Thế giới thì có Trung Quốc với gần 60 Di sản thế giới, còn Việt Nam chỉ có 8 Di sản thế giới.

PV: Xét về các danh hiệu di sản được UNESCO công nhận, theo ông Việt Nam đã làm tốt công tác bảo vệ các danh hiệu Di sản của mình chưa?

GS. Trương Quốc Bình: Việc lập hồ sơ và để UNESCO công nhận danh hiệu, ở đây là công nhận danh hiệu của UNESCO chứ không phải là công nhận danh hiệu về di sản. Cũng nhờ những danh hiệu đó, trong nhiều năm qua, Đảng, nhân dân Việt Nam có nhiều nỗ lực để bảo vệ và khai thác giá trị của những di sản này. Một số di sản sau khi được xếp hạng đã được bảo vệ tốt hơn và khai thác cũng bài bản hơn. Rõ nhất như Huế, hay Mỹ Sơn, Hội An (Quảng Nam), Hạ Long (Quảng Ninh) và Tràng An (Ninh Bình).

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu cũng còn có hạn chế trong việc bảo vệ và phát huy những giá trị di sản.

Thứ nhất là vấn đề hệ thống quản lý chưa thống nhất, chưa phù hợp. Hiện nay có những Khu di sản Thế giới trực thuộc UBND tỉnh nhưng cũng có Khu di sản thuộc UBND huyện như Mỹ Sơn, Hội An, khu Tràng An trước đây trực thuộc UBND tỉnh nhưng từ tháng 9/2017 lại thuộc sự quản lý của Ban quản lý, trực thuộc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình.

Thứ hai trong những năm qua, do hạn chết trong vấn đề về quản lý nên nhiều di tích bị xâm hại đáng báo động như lấn biển ở Hạ Long, xây dựng cầu ở núi Cái Hạ ở Tràng An…và đến giờ tình trạng xâm phạm di tích vẫn đang diễn ra.

PV: Với di sản thì vấn đề phát triển và bảo tồn luôn luôn mâu thuẫn nhau khiến cho nhiều di sản bị xâm hại một cách nghiêm trọng, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

GS. Trương Quốc Bình: Rõ ràng do việc quản lý chưa đầy đủ nên chúng ta còn đẻ ra những tình trạng lách luật như việc xây dựng phá vỡ cảnh quan ở Mã Pì Lèng ở Hà Giang, khu ruộng bậc thang ở Yên Bái….

Chuyện xây dựng các bến tàu du lịch ở Quảng Ninh bị bê tông hóa rất nhiều, phía UNESCO cũng có ý kiến rằng nếu không ngăn chặn tình trạng lấn biển, tùy tiện mở rộng thành phố, thì phía UNESCO sẽ rút danh hiệu Di sản thế giới.

Rõ ràng bên cạnh việc bảo tồn, chúng ta không hạn chế việc phát triển du lịch hoặc khai thác từ di sản nhưng làm sao để hai yêu cầu này thật hài hòa, cân đối. Không vì bảo tồn mà ngăn cản việc kinh doanh du lịch, nhưng đừng lấy mục tiêu từ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh du lịch mà quên đi hoạt động bảo tồn.

Công trình tổ hợp khách sạn, nhà hàng, quán cà phê 7 tầng Mã Pì Lèng Panorama nằm giữa lưng đèo, gần với khu vực bảo vệ 2 của di tích Danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng.

Vai trò quan trọng của cộng động trong công tác bảo tồn di sản

PV: Trong việc bảo tồn và phát huy di sản thì ông đánh giá như thế nào về vai trò của cộng đồng?

GS. Trương Quốc Bình: Di sản văn hóa là kết quả của sự sáng tạo của cộng đồng mà không phải của một cá nhân nào cả. Cộng đồng có trách nhiệm phát huy và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì vậy, vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát huy di sản là hết sức quan trọng.

Thời gian vừa qua một số di sản đã có phát huy năng lực của cộng đồng nhưng mà ở nhiều nơi, vai trò của cộng đồng chưa được phát huy một cách mạnh mẽ. Chúng ta phải làm sao giữ được sự cân đối giữa quản lý nhà nước và vai trò của cộng đồng. Tuy nhiên, để cộng đồng lấn án vai trò của quản lý nhà nước cũng không được. Câu chuyện bê tông hóa đình Lương Xá ở Ứng Hòa, Hà Nội là bài học cho thấy cộng đồng tùy tiện lấn án vai trò quản lý nhà nước.

PV: Câu chuyện nào về cộng đồng trong việc bảo tồn di sản khiến ông ghi nhận, đánh giá cao?

GS. Trương Quốc Bình: Như tôi đã nói cộng đồng là những người sáng tạo của các di sản Văn hóa. Cho nên cộng đồng có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ và lưu truyền những giá trị từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước rất chú trọng đến vai trò của cộng đồng bằng hình thức đẩy mạnh vấn đề xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ di sản văn hóa, tôn trọng và khai thác vai trò của cộng đồng.

Tuy nhiên, cộng đồng phải nhận được sự hướng dẫn mới đảm bảo được vai trò của mình trong việc bảo tồn di sản. Chính điều đó dẫn việc việc ở Ứng Hòa, cộng đồng tùy tiện tháo dỡ ngôi đình Lương Xá 350 tuổi để xây dựng bê tông hóa. Sau này các cơ quan thông tin vào cuộc thì cơ quan nhà nước mới có những động thái để thay đổi phương cách quản lý.

Bên cạnh những tấm gương, kinh nghiệm bổ ích như ở thành phố Hội An. Khu đô thị cổ Hội An, các gia đình, tổ chức được giáo dục ý thức rất chuẩn về vấn đề bảo tồn di sản, bảo vệ di sản với khai thác kinh doanh du lịch. Vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, rất nhiều nhà tháo dỡ nhà cổ, xong làm mái bằng bê tông. Đến khi có những quy định về khai thác và bảo vệ phố cổ, có nhiều gia đình phá nhà bê tông để làm lại nhà lợp ngói theo phương thức cũ. Đó chính là sự kết hợp hài hòa giữa bảo vệ di sản và kinh doanh du lịch. Đấy cũng là một bài học cần phải phát huy của cộng đồng nhưng đảm bảo có sự quản lý của Nhà nước.

Như ở Huế trước có vạn đò làm cho cảnh quan di tích Huế bị ảnh hưởng nhưng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải quyết thấu đáo là di dời những hộ dân vạn đò đi chỗ khác. Gần đây nhất là Huế đang triển khai một dự án lớn là di chuyển các hộ dân ở khu vực mặt thành của Kinh thành Huế ra khỏi khu vực này. Đây là một dự án lớn trong việc bảo tồn Khu di sản văn hóa Huế. Bà con phải nhận thức và tự nguyện di chuyển thì dự án đó mới triển khai có hiệu quả. Đó là một trong những nơi mà vai trò của cộng đồng đã phát huy đúng mực.

Hay như khu Tràng An, người dân địa phương cho biết, trước khi tổ chức hoạt động khai thác di sản thì người ta có các hoạt động khác như làm các sản phẩm lưu niệm, chèo đò, tự nhiên thu nhập cao lên và người dân tự giác làm những việc theo sự quản lý của cơ quan nhà nước. Tôi đừng đóng vai khách du lịch đi đò của người dân ở đây và thấy sự quản lý ở đây phù hợp.

Quần thể Tràng An ở Ninh Bình không chỉ là danh thắng quan trọng và nổi bật bậc nhất phía bắc Việt Nam, mà còn được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hàng năm, nơi đây thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan thưởng ngoạn.

PV: Ông đánh giá như nào về công tác bảo tồn di sản trong năm 2019 của Việt Nam

GS. Trương Quốc Bình: Trong năm 2019, chúng tôi thấy với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Hội nghị toàn quốc về vấn đề bảo vệ và khai thác các di sản văn hóa ở Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại đây ông đã phát biểu những bài quan trọng, khẳng định vai trò của di sản văn hóa. Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng có những nhắc nhở tỉnh, thành phố quan tâm hơn đến công việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản.

Trong năm vừa qua các hoạt động bảo tổn các di sản văn hóa có bước phát triển mới, tốt hơn. Như ở Huế dự án di chuyển dân sống ở mặt thành ra khỏi Kinh Thành Huế bước đầu đã được triển khai. Hội An và Mỹ Sơn cũng có nhiều khởi sắc trong việc bảo vệ di sản đó.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lan Anh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận