NSƯT Quế Anh: Cải lương cần có khán giả trẻ

NSƯT Quế Anh đã lùi lại nhường bước cho lớp trẻ khi đang ở độ chín của nghề ca diễn để chuyển sang đóng vai trò tác giả và đạo diễn.

NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai đã trải lòng với phóng viên VOV về lĩnh vực mới của mình.

Cải lương cũng phải nắm bắt những vấn đề của cuộc sống

Chị vừa nhận được giải thưởng Tác giả triển vọng tại Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm - một sự kiện lớn của ngành sân khấu trong năm 2019 này. Chị có thể chia sẻ về tác phẩm Niềm khát dự thi?

       Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang có sự lan tỏa sâu rộng vào đời sống, xã hội của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Văn học nghệ thuật, đặc biệt là cải lương cũng phải nắm bắt và truyền tải được những vấn đề của cuộc sống ngày hôm nay. Khán giả bây giờ đến với sân khấu không phải để ôn lại những câu chuyện cũ, mà là cảm nhận rõ hơn về những vấn đề đang diễn ra xung quanh họ. Từ ý nghĩ đó, tôi muốn mang đến cuộc thi hình ảnh những nhà khoa học đang ngày đêm hăng say lao động, cống hiến cho nền công nghệ những sản phẩm hữu ích, tối tân. Và bên cạnh ánh hào quang của thành công cũng có những vấn nạn mà từng ngày, từng giờ họ phải đối diện.

Tôi muốn từ vở diễn, khán giả có thể cập nhật được các vấn đề mới của thời cuộc, nhận ra những gian khổ mà người trong những lĩnh vực đặc biệt đang phải đương đầu. Đó cũng chính là lý do tôi chọn những đề tài mới để xây dựng kịch bản và trong quá trình dàn dựng, chúng tôi còn làm tăng tính hiện đại cho vở diễn bằng âm nhạc, bài trí và những chuyển động trên sân khấu. Tôi muốn từng giây, từng phút trôi qua, mỗi âm thanh, nhịp điệu trên sân khấu đều phả được hơi thở đương đại vào tâm trí và tình cảm của người xem.

Tác phẩm của chị ngoài việc được Ban giám khảo ghi nhận còn được công chúng yêu mến bởi sự mới lạ, hấp dẫn?

Đúng như vậy! Thật vinh dự là trong Liên hoan vừa qua, vở diễn của chúng tôi là 1 trong 21 vở diễn được lựa chọn dự thi trong số 50 vở đã đăng ký. Và Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai cũng là đơn vị địa phương duy nhất có vở diễn đủ tiêu chuẩn tham gia trong cuộc thi này. Biểu diễn trong một sân chơi lớn khiến chúng tôi phấn chấn và tự hào. Lần đầu tiên những nghệ sĩ còn rất trẻ của chúng tôi được biểu diễn trước những nhà chuyên môn là những nghệ sĩ lớn trong nước và quốc tế. Sau khi tác phẩm được công diễn dự thi tại Hà Nội rất nhiều đồng nghiệp đã ở lại bày tỏ sự động viên, yêu mến làm tôi thấy vững tin vô cùng. Đặc biệt hơn là nhiều khán giả bày tỏ sự ngạc nhiên rằng không ngờ một vở cải lương có thể mang màu sắc hiện đại như thế.

Ngoài vở Niềm khát, chị cũng như Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai đã làm được mấy vở diễn về đề tài này?

Với nghệ thuật cải lương, ngoài khả năng ca, diễn của diễn viên và tài dàn dựng của đạo diễn, không thể phủ nhận vai trò lớn của tác giả kịch bản. Tôi rất  đồng tình với nhận định, cải lương hiện nay đang gặp khó một phần do không có kịch bản hay, phù hợp với tâm tư, cảm xúc của người xem đương thời. Cũng vì vậy, từ lâu tôi đã ấp ủ sẽ viết những kịch bản cải lương thật sự mới, đáp ứng nhu cầu của khán giả yêu thích cải lương.

Năm 2018 khi vở diễn đầu tay về hiến tạng được hoàn thành (vở có tên Hồi sinh, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu), công diễn và tham gia Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc cùng năm đã nhận được phản hồi tích cực từ Ban giám khảo và người xem, tôi đã có thêm động lực để tiếp tục những dự định. Vở diễn Hồi sinh còn được Ðài PT-TH Ðồng Nai, kênh VTV1 và kênh VTV9 Đài truyền hình Việt Nam ghi hình, thu tiếng và phát sóng trên toàn quốc. Mỗi khi nghĩ đến việc tác phẩm của mình được đến với đông đảo bà con trên mọi miền Tổ quốc, tôi lại thấy ấm lòng. Hiện nay, vở diễn vẫn tiếp tục được các nghệ sĩ nhà hát chúng tôi biểu diễn phục.

Mới đây, tôi vừa chuyển thể tác phẩm Nhân danh công lý từ kịch bản văn học của nhà văn Võ Khắc Nghiêm do đạo diễn Phan Quốc Kiệt dàn dựng cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Đây là một kịch bản có đề tài chống tiêu cực nhưng ra đời cách nay cũng đã hơn 30 năm nên nhiều yếu tố không còn nóng bỏng với thời cuộc. Khi chuyển thể sang cải lương và đặt lời ca, tôi có những cải biên để tác phẩm mang sức sống và hơi thở của cuộc sống ngày nay.

Chúng tôi không ngại thử thể hiện nhiều cách khác

Chị có cảm thấy khó khăn khi nghệ thuật truyền thống thường được thể hiện qua hình thức ước lệ, trong khi các câu chuyện hiện đại cần sự trực diện và những cách biểu đạt đa dạng hơn. Chị và đồng nghiệp đã kết hợp như thế nào để tạo ra sự hài hòa?

  Đây thực sự là một bài toán khó. 2 vở diễn Hồi sinhMiền khát, trong vai trò biên kịch và đạo diễn, tôi rất băn khoăn trong việc phải chọn góc nhìn nghệ thuật thế nào để đứa con tinh thần của mình sống động nhất. Tôi và ê-kíp đã phải đi tìm chìa khóa cho tác phẩm của mình. Chúng tôi không ngại thử thể hiện nhiều cách, bởi bản thân ai cũng ý thức làm cải lương hiện đại không hề dễ chút nào. Vậy là ngay từ khi vở diễn bắt đầu lên sàn, chúng tôi miệt mài vừa làm vừa chiêm nghiệm tính toán rồi cuối cùng là chọn một hướng đi chuẩn sát nhất. Nhiều lần chúng tôi đã dựng nhưng sau đó lại bỏ đi, rồi lại bắt đầu. Rất may là ai cũng muốn tác phẩm xuất sắc nên không có kêu than. Và cũng trong những lần phải giằng co giữa việc bỏ hay giữ mà tôi nghiệm ra rằng: Nghệ thuật cải lương có nhiều chỗ chúng ta phải sử dụng sự ước lệ, nhưng cũng không ít những cảnh, phân đoạn cần tả thực, thực đến từng cảm xúc của diễn viên, cảnh trí, mỹ thuật âm nhạc.

Có ý kiến cho rằng, các vở cải lương hiện đại thường quá ít lời ca, trong khi đó xung đột kịch lại quá gay gắt khiến nhiều người có cảm giác như đang xem kịch cắm ca. Ý kiến của chị như thế nào nếu như có ai đó đưa ra nhận xét như vậy về Niềm khát hay Hồi sinh?

      Tôi chưa bao giờ nghĩ vở diễn của mình là một vở kịch cắm ca nên thật khó có ai có thể đưa ra nhận xét đó. Ngay từ khi viết kịch bản, tôi đã phải chú ý đến cấu trúc của một vở cải lương, thay vì kịch nói thông thường. Các nhân vật được tôi xây dựng cũng dựa trên những nguyên mẫu trong ca kịch nên sẽ mềm mại và mang cốt cách của cải lương hơn. Đặc biệt khi dàn dựng dù có phải giữ các yêu cầu của vở diễn hiện đại, chúng tôi không bao giờ dám coi nhẹ vai trò của âm nhạc, trình bày sân khấu sao cho người xem cảm nhận rằng đó là cách tiếp cận của cải lương chứ không phải kịch nói. Dù có sự kết hợp giữa dàn nhạc truyền thống và nhạc giao hưởng để tạo tính sang trọng, hiện đại cho vở diễn, tôi luôn ý thức về việc phải giữ nhịp điệu trong từng ca từ và lời thoại của nghệ sĩ. Những người tinh ý sẽ nhận ra đó là các yếu tố của nghệ thuật truyền thống, chứ hoàn toàn không phải kịch cắm ca.

Cảm ơn chị và chúc chị có nhiều thành công trong những tác phẩm mới!

Vũ Nga thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận