Là một xu hướng mới trong thưởng thức và “đọc” sách nên vài năm trở lại đây, sách tranh (picture book) đang được bạn đọc Việt quan tâm hơn so với những dòng sách khác.
Rất ít chữ, và thể hiện nội dung bằng tranh vẽ trực quan, sinh động nhưng vẫn toát lên được câu chuyện muốn kể, có nhiều ý nghĩa..., sách tranh hiện đang là một trong những ấn phẩm được các nhà xuất bản Việt Nam chú trọng phát triển như một sản phẩm để cạnh tranh.
Sách tranh không phải là truyện tranh
Hiện nay, sách tranh thường bị lẫn lộn với hai thể loại khác là truyện tranh (comic) và sách có minh họa (illustrated book hoặc story book). Truyện tranh (comic), hiểu đơn giản là hình thức kể chuyện bằng hình ảnh có hình vẽ và lời thoại xuất hiện cùng lúc. Một trang truyện thường được chia làm nhiều khung nhỏ.
Sách có minh họa (illustrated book), thường là những câu chuyện có đoạn văn dài và xen lẫn một số trang tranh đóng vai trò minh họa lại những nội dung trong lời văn.
Còn sách tranh (picture book) là loại sách có nội dung văn học và được minh họa bằng những tranh vẽ có nội dung, thậm chí là những tác phẩm hội họa thực thụ. Sách tranh trên thế giới đa dạng về hình thức thể hiện, chất liệu (màu chì, sáp, sơn dầu, màu nước, cắt giấy, ghép vải...) cho đến tác động tương tác (lật, xoay, chạm, kéo, tranh nổi...).
Thậm chí nhiều sách in hình ảnh trái ngược hẳn với nội dung hoặc cố tình chừa ra những khoảng trống để có thể tự đặt vào đó suy nghĩ của mình. Khác với truyện có tranh minh họa, câu chữ trong sách tranh luôn phải đi cùng hình ảnh và rất cô đọng, thậm chí có thể trở thành những câu châm ngôn.
Trong ngành xuất bản, sách tranh đang được quan tâm phát triển với đề tài đa dạng dành cho các đối tượng độc giả ở nhiều lứa tuổi. Tại Việt Nam, quyển sách tranh đầu tiên được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành vào năm 1973 là truyện cổ tích “Tấm Cám” với phần hình minh họa đều được vẽ bằng tay rất cầu kỳ.
Nhưng rồi bẵng đi một thời gian, mãi cho đến vài năm gần đây, nhiều nhà xuất bản quan tâm đến thể loại sách tranh, bởi xu hướng thế giới trong văn hóa đọc rất chú trọng thể loại này. Nhiều cuốn sách tranh nước ngoài được nhập khẩu, chuyển ngữ và giới thiệu tới độc giả trong nước. Bên cạnh đó, một số tranh sách được tác giả Việt cho ra mắt độc giả.
Không chỉ có sách tranh dành cho trẻ em, sách cho người lớn cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng như: “Thương nhớ thời bao cấp” (Thành Phong và Hữu Khoa); “Một ngày của bố” (Thụ Nho - Thái Mỹ Phương); “Hành trình đầu tiên” (Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên), “Đời về cơ bản là buồn cười” (Lê Bích). Và các đầu sách này đều bán khá chạy, chứng tỏ lượng cung đã bắt đầu lạc quan cho dòng sách này phát triển ở Việt Nam.
Có một dòng sách tranh đang phát triển
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sách tranh với đa dạng thể loại, độc giả có thể lựa chọn theo sở thích, lứa tuổi. Gần đây, nhiều độc giả trẻ đã tìm bộ sách tranh “Miền Trung” với 3 cuốn: “Thực” - về ẩm thực, “Kiến” - về kiến trúc, “Tích” - về tích cổ của nhà xuất bản Kim Đồng. Bộ sách nằm trong dự án sách minh họa nhằm lưu giữ các nét văn hóa đặc trưng của đất nước với sự tham gia của gần 90 họa sĩ trẻ.
Đây gần như là bộ sách cẩm nang dành cho những người thích du lịch, khám phá vẻ đẹp đất nước, nhất là dải đất miền Trung nắng gió, có nhiều công trình kiến trúc lâu đời, các món ăn đặc sắc, những chuyện xưa, tích cũ thú vị. Đặc biệt, chúng được thể hiện bằng những nét vẽ đơn giản mà tài hoa khiến việc trải nghiệm sách không còn đơn điệu.
Bộ sách tranh “Câu chuyện dòng sông” gồm 3 tập: “Người mẹ sông Hồng”, “Em gái sông Hương”, “Chàng trai Cửu Long” của tác giả Thủy Nguyên vừa ra mắt độc giả cũng được đánh giá cao. Bộ sách là một kiểu du lịch, trải nghiệm, đưa bạn đọc tham gia một chuyến du ngoạn về với các dòng sông ở ba miền, tìm hiểu và chứng kiến những sản phẩm văn hóa sinh ra từ cư dân của các vùng châu thổ của từng lưu vực các con sông đó.
Mỗi dòng sông, bạn đọc nhận được những thông tin cơ bản làm giàu thêm lượng kiến thức cho mình, đồng thời bị chinh phục bởi các bức tranh gánh hàng rong của những người phụ nữ đôn hậu ở Đồng bằng sông Hồng; kiến trúc lăng tẩm ở Thừa Thiên Huế hoặc mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ...hiện lên đầy sinh động.
Hay sách tranh “Thiện và ác và cổ tích” kể lại 16 câu chuyện rất quen thuộc với người Việt như: Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, Sự tích quả dưa hấu, Sự tích trầu cau, Trương Chi, Tấm Cám, Thạch Sanh... Mỗi truyện có một họa sĩ vẽ khác nhau tạo nên sự đa dạng và đầy cá tính cho cuốn sách.
Bằng cái nhìn nhân văn, các câu chuyện cổ tích được giữ nguyên cốt truyện gốc nhưng gia giảm tình tiết, sao cho độc giả, đặc biệt lứa tuổi thiếu nhi có thể phân biệt thiện - ác, đúng - sai nhưng không trở nên tàn nhẫn, độc ác, hay có tâm lý hận thù...
Ngoài ra, các sách tranh được đón đọc và mua nhiều thời gian qua còn có “Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức”, “Ai ở sau lưng bạn thế”, “Mười chú ếch”, “Các bệnh thường gặp”, “Pao và những người bạn”, “Tòa nhà 100 tầng”, “Truyện Kiều”, “Lĩnh Nam chích quái”, “Nàng Lọ Lem”, “Hành trình đầu tiên”...
Các sách tranh Việt thời gian qua đã phần nào tạo nên ảnh hưởng tích cực, thể hiện sự quan tâm lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc, truyền thống khi lấy cảm hứng từ lịch sử, phong cảnh, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực... của các vùng miền Việt Nam.
Và chính điều này làm phong phú cho thể loại sách tranh Việt, mang đến cho bạn đọc hình thức tiếp cận mới lạ, cuốn hút để có thể tích hợp nhiều kiến thức nhất trong thời gian ngắn nhất./.
Hoài Hương/VOV.VN