Kỳ 3: Kỳ vọng từ mạng lưới không gian sáng tạo nghệ thuật

Mặc dù chưa có chính sách hỗ trợ hay ưu đãi cụ thể dành cho các không gian sáng tạo nghệ thuật tại nước ta, nhưng các không gian sáng tạo vẫn tăng qua từng năm.

 

Điều này cho thấy sự năng động của cộng đồng sáng tạo cũng như nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức nghệ thuật của người dân ngày càng đa dạng, phong phú. Thế nhưng nếu cứ phát triển nhỏ lẻ, manh mún sẽ không thể bền vững. Trong bối cảnh này, làm thế nào để các không gian kết nối với nhau, hỗ trợ nhau cùng tạo nên sức mạnh và phát triển lâu dài?

 Từ nhỏ lẻ, thiếu liên kết…

Nhắc đến không gian sáng tạo nghệ thuật ở Hà Nội, nhiều người sẽ nghĩ đến Heritage Space. Ra đời từ năm 2014, khi đó, Heritage Space toạ lạc trên diện tích gần 1.000m2 trong lòng tòa nhà Dolphin Plaza. Vì thế Heritage Space có đầy đủ phòng triển lãm, thư viện, tổ chức các sự kiện nghệ thuật lớn...

Đến đây, khán giả có thể thưởng thức âm nhạc, triển lãm đa phương tiện với các tác phẩm sáng tạo nhất của nghệ thuật đương đại nước ta và thế giới. Tuy nhiên, sau 6 năm hoạt động sôi nổi, giờ đây Heritage Space thu hẹp không gian hoạt động, với một diện tích nhỏ hơn, chỉ khoảng 70m2 trong lòng của Trung tâm Hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại thuộc Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.

Lý giải cho sự thay đổi này, anh Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Nghệ thuật của Heritage space cho biết, 5 năm đầu tiên Heritage space được bảo trợ bởi Dolphin Plaza và tập đoàn TID, có cơ sở vật chất rất tốt để làm các sự kiện âm nhạc, chiếu phim, trò chuyện với nghệ sĩ, triển lãm quy mô lớn.

Sau 5 năm thì thấy rằng bảo trợ cho nghệ thuật khá là thách thức. Họ bảo trợ nhưng không nhận được ưu đãi nào, chẳng hạn như về thuế. Nghệ thuật đương đại giống như đầu tư rủi ro vậy. Mà Heritage Space rất khó sinh ra lợi nhuận. Khi Heritage Space chuyển đến Vicas, chúng tôi chỉ có một văn phòng nhỏ và một thư viện nhỏ. Chúng tôi vận hành bằng cách là khi có sự kiện, triển lãm cần không gian lớn, chúng tôi sẽ liên kết với các không gian khác trong mạng lưới sáng tạo ở Hà Nội,” anh Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.

Câu chuyện của Heritage Space cũng là câu chuyện của nhiều không gian sáng tạo nghệ thuật ở nước ta. Khi được cá nhân với tiềm lực tài chính mạnh hoặc tổ chức văn hóa như L’Espace, Viện Gớt (Goethe), Hội đồng Anh, hay Quỹ Ford tài trợ, các không gian phát triển mạnh mẽ. Song, hiện nay, số lượng do cá nhân, tập đoàn lớn tài trợ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết không gian sáng tạo nghệ thuật hiện nay có quy mô nhỏ lẻ, tự phát, thiếu nguồn lực phát triển, thiếu khả năng thiết lập quản lý và kinh doanh…

Thậm chí, những không gian theo đuổi loại hình nghệ thuật đương đại mới lạ, kén khán giả, diện tiếp cận công chúng lại càng bị thu hẹp hơn. Theo chị Trâm Vũ, người sáng lập Không gian nghệ thuật Manzi, Hà Nội, các không gian nhỏ lẻ lại thiếu tính liên kết, hỗ trợ nhau thì sẽ càng khó khăn hơn: “Cộng đồng sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam vẫn còn nhỏ và tồn tại khá manh mún. Chúng tôi phải tồn tại độc lập và không có sự hỗ trợ nào từ pháp lý và tài chính của nhà nước. Các không gian sáng tạo nghệ thuật thường do những người yêu nghệ thuật tạo nên hoặc do các nghệ sĩ tạo nên, chứ chưa có hệ thống nào, vẫn mang tính tự phát” - chị Trâm Vũ lo ngại.

Một buổi trình diễn âm nhạc tại Heritage space (Nguồn Heritage space ).

“Mạng lưới mở ra nhiều cơ hội cho các không gian như Zó có thể kết nối những người có cùng đam mê sáng tạo. Từ mạng lưới này, chúng tôi có thể hợp tác cùng nhau phát triển, chị Lê Hồng Kỳ - thành viên của Dự án Zó Project bảo tồn phát triển nghề giấy dó thủ công.

…Đến mạng lưới sáng tạo nhân lên sức mạnh

Trên thế giới có rất nhiều không gian sáng tạo hợp tác với nhau để cung cấp một chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh cũng như đủ sức thực hiện những dự án lớn. Tuy nhiên ở nước ta, nhiều năm qua sự liên kết này còn bị bỏ ngỏ, dẫn đến hạn chế sức mạnh hoạt động của không gian sáng tạo. Đã đến lúc cần có sự kết nối giữa các không gian sáng tạo với nhau.

Đó cũng chính là lý do Mạng lưới Không gian sáng tạo Việt Nam (Vichi) ra đời cuối năm ngoái. Chia sẻ về mạng lưới này, chị Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng ban Quản trị VICAS Arts studio - một trong những thành viên sáng lập mạng lưới Không gian sáng tạo Việt Nam cho biết, mạng lưới gồm 6 không gian sáng tạo chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM, kết hợp lên ý tưởng và thành lập xuất phát từ thực tế cần có một mạng lưới hỗ trợ kết nối các đơn vị hoạt động nghệ thuật với nhau. Vì đã đến lúc các không gian sáng tạo cần đi cùng nhau thay vì hoạt động riêng rẽ như trước.

“Chúng tôi cũng sẽ làm việc với các cơ quan Nhà nước. Mạng lưới sẽ tham vấn và tư vấn về chính sách cho các cơ quan chức năng. Hy vọng mạng lưới này hỗ trợ những không gian trẻ kết nối họ với đối tác hoặc các nghệ sĩ sáng tạo - anh Nguyễn Anh Tuấn, thành viên sáng lập Mạng lưới Vichi - những người sáng lập, quản lý không gian sáng tạo nghệ thuật.

Mạng lưới này là nơi các không gian bắt tay nhau khai thác thế mạnh và bổ sung những thiếu hụt của nhau, trở thành tiếng nói chính thống cho các không gian sáng tạo tại nước ta. Đây sẽ là cầu nối mang những nghệ sĩ độc lập gần hơn với các cơ quan quản lý để họ hiểu hơn những thành tựu và thách thức mà các không gian và nghệ sĩ độc lập đối mặt. Từ đó, các cơ quan quản lý Nhà nước đổi mới hỗ trợ pháp lý, cơ chế tài chính, tạo điều kiện cho các biểu đạt văn hóa thuận lợi hơn. “Chúng tôi đặt ra kế hoạch trong 2 năm tới làm các nhiệm vụ sau. Thứ nhất, tập trung cập nhật lại bản đồ không gian văn hóa sáng tạo tại Việt Nam, thành tựu, khó khăn, nguồn lực như thế nào. Thứ hai là xây dựng trang web trở thành nền tảng để các không gian sáng tạo có thể kết nối trên nền tảng trực tuyến, tìm kiếm nhà đầu tư, nguồn lực, tìm kiếm cơ hội cộng tác và phát triển”- chị Nguyễn Thị Thu Hà kỳ vọng.

Sự lớn mạnh của các không gian sáng tạo nói chung và không gian sáng tạo nghệ thuật nói riêng là tất yếu trong xu hướng hội nhập hiện nay. Là ngành nghề mới mẻ, “sân chơi” không gian sáng tạo nghệ thuật hầu như chỉ thu hút được sự tham gia của các nghệ sĩ, các cá nhân yêu nghệ thuật. Nên sự tồn tại, phát triển của các không gian này phụ thuộc rất nhiều vào tình hình tài chính, khả năng quản lý cũng như đam mê, tâm huyết của người sáng lập, điều hành.

Bởi vậy, để khuyến khích những cái mới, có giá trị với cộng đồng được xuất hiện, cần thiết phải có một cái nhìn cởi mở, đúng đắn về vị trí và tầm quan trọng của các không gian sáng tạo nghệ thuật. Mong rằng thời gian tới cơ quan hoạch định chính sách cũng như chính quyền địa phương sẽ có những cơ chế, chính sách riêng và phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của không gian sáng tạo nghệ thuật, góp phần làm đa dạng bức tranh sáng tạo của nước nhà./.

“Đây là thời điểm quá phù hợp để thành lập mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo. Chúng ta có mô hình sáng tạo ở khắp nơi, tuy nhiên để tạo nên sự liên kết chặt chẽ, chúng ta cần một tổ chức điều phối và tạo nên tiếng nói chung - KTS Nguyễn Tuấn Anh sáng lập AgoHub.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận