Đây là một trong hai tác phẩm đăng ký dự thi tại Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân vào tháng 7 tới.
Với thế mạnh của một kịch bản tốt, đậm chất nhân văn, các nghệ sĩ của sân khấu Lệ Ngọc đã khắc họa được chân dung và niềm trăn trở của những chiến sĩ cảnh sát trong công việc và cuộc sống đời thường. Bên cạnh việc thực thi nhiệm vụ, gánh vác trọng trách, họ cũng là những con người bình thường với bao mong ước riêng tư. Cũng từng trải qua những mất mát, chịu đựng đớn đau bên những niềm hạnh phúc chưa thật tròn đầy nhưng trên tất cả họ luôn dành cho công việc sự tận tâm và trách nhiệm cao nhất.
Chuyện kịch Hoa sen lửa bắt đầu khi ông Thức, một người tốt rơi vào vòng lao lý được trở về từ trại giam. Khác với mong đợi của mọi người, ông từ chối tình cảm của đại tá Liên - giám đốc Công an tỉnh dù hai người đã hẹn ước, chờ đợi nhau suốt mấy chục năm. Lánh đi nơi khác, mở quán chữa xe miễn phí cho người nghèo, ông Thức vô tình trở thành nhân chứng của một vụ án mạng liên quan đến một cô gái. Những khúc mắc về cái chết chưa rõ nguyên nhân của nạn nhân bà Liên quyết chỉ đạo điều tra tới cùng dù gặp phải rất nhiều áp lực và trở ngại từ các thế lực đen tối, thậm chí có cả yếu tố chạy án, tham nhũng... Và cũng trong hành trình phá án ấy bà Liên đã gặp lại ông Thức, sau biết bao day dứt và mặc cảm họ đã có thể dựa vào nhau.
Nói đến hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân là nói đến sự việc thể hiện như thế nào để toát lên những khó khăn, ngặt nghèo trong công việc của họ. Càng mô tả rõ nét, chi tiết và sắc xảo bao nhiêu sẽ càng khắc họa được vai trò, trách nhiệm của họ bấy nhiêu.
Xem vở diễn Hoa sen lửa người xem dễ dàng nhận thấy những mẫu hình nhân vật được xây dựng một cách uyển chuyển, làm nhẹ đi định kiến xưa nay về người từng lĩnh án. Điều đó đưa ra chủ ý rằng không phải ai trở về từ trại giam cũng đều gian ngoan, độc ác mà ngược lại những nhân vật như ông Thức, cô Thúy lại dễ nhận được sự đồng cảm từ sự chân chất và cách sống xởi lởi, giàu tình cảm của họ. Đặc biệt tạo hình nhân vật ông Thức trong vở kịch cũng là một điểm cộng đáng kể cho vở diễn. Đối lập với vẻ xù xì thô kệch bên ngoài là một tâm hồn cao thượng, một trái tim ấm áp yêu thương của ông dành cho những người nghèo.
Hình tượng người chiến sĩ mặc sắc phục mà tiêu biểu là đại tá Liên qua phong cách thể hiện này cũng đã trở nên gần gũi, mang nhiều nét đời thường hơn. Ngoài những lúc phải căng ra để giải quyết công việc, chị cũng có những phút giây yếu đuối, những mong muốn, khát khao rất đỗi con người. Và chính sự mong manh đó đã làm cho câu chuyện giàu sức lay động hơn.
Với những nỗ lực của các nghệ sĩ của sân khấu Lệ Ngọc, hy vọng vở diễn sẽ mang đến Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân một tiếng nói có sức nặng, giúp cho các nghệ sỹ những trải nghiệm thú vị về nghề và cao hơn nữa là đạt được thành tích xứng đáng khi các thứ hạng được nêu tên./.
Vũ Nga