Sân khấu phía Nam gặp khó khăn
Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, sân khấu xã hội hóa tại TP. HCM hiện gặp nhiều khó khăn khi đòi hỏi của khán giả ngày một cao, trong khi để dựng được một vở diễn tốt lại không hề đơn giản.
Trong khi những ý kiến tranh luận, lý giải cho việc xuống dốc của sân khấu xã hội hóa ở phía Nam vẫn chưa ngã ngũ thì nhiều sàn kịch đã phải đóng cửa vì không thể bù lỗ thêm nữa. Những người quan tâm và ủng hộ sân khấu xã hội hóa không khỏi tiếc nuối cho các nghệ sĩ của mình. Nhà viết kịch Chu Thơm cho rằng, một trong những nguyên nhân làm cho các sàn diễn phía Nam vắng khách chính là việc phát sóng thiếu chọn lọc các chương trình giải trí của một số đài truyền hình.
Nếu như trước đây muốn xem kịch hoặc cải lương, họ phải đến sân khấu mua vé thì nay họ chỉ cần ngồi nhà xem qua tivi. Bài toán cạnh tranh này không phải bây giờ mới xuất hiện nhưng càng ngày nó càng khốc liệt hơn.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, sân khấu xã hội hóa hình thành và phát triển dựa trên nhu cầu tự thân của nghệ sĩ nên khó tránh khỏi việc nương theo thị hiếu của khán giả để có doanh thu. Khi không cập nhật cái mới, cứ mãi những chủ đề về đồng tính, kinh dị hay ngôn tình thì dù có yêu sân khấu đến mấy khán giả cũng thấy nhàm chán. Mặt khác, với trình độ thưởng thức ngày một cao của khán giả thì việc xây dựng câu chuyện, nhân vật hay tình huống phải có sự đáp ứng tương đối. Một trong những điểm yếu của các sàn diễn hiện nay chính là sự cũ kỹ, dễ bằng lòng, đem tiêu chuẩn từ 10, 20 năm trước làm thước đo cho tác phẩm ngày nay.
Giữa những khó khăn chưa thể gọi tên, thời gian qua sân khấu xã hội hóa cũng có những tín hiệu vui, như việc các nghệ sĩ phía Bắc là Triệu Trung Kiên và Quang Khải vào Nam làm sân khấu cải lương Đại Việt; hay việc các nghệ sĩ phía Nam, là kịch Hồng Vân ra Bắc tham gia một dự án kịch truyền thông cho kiệt tác Truyện Kiều. Điều đó cho thấy các nghệ sĩ sân khấu ngày càng hiểu được vai trò cũng như trách nhiệm của mình. Việc tạo ra những tác phẩm chất lượng là trách nhiệm chung của nghệ sĩ.
Biết được những khó khăn của sân khấu xã hội hóa, sân khấu cải lương Đại Việt đã kỹ lưỡng cho từng đường đi nước bước của mình. NSND Triệu Trung Kiên cho biết, lý do chọn Chuyện tình khau vai là vở diễn ra mắt bởi vì vở diễn hội tụ được các tiêu chuẩn của một tác phẩm. Đã từng được dàn dựng tại Nhà hát Cải lương Việt Nam, vở diễn được khán giả miền Bắc yêu mến. Vì thế, Đại Việt tự tin tạo ra một phiên bản mới, được đầu tư lớn với sự xuất hiện của nhiều ngôi sao.
Sân khấu phía Bắc có bước đi chắc chắn
Khác với phía Nam, sân khấu xã hội hóa ở phía Bắc đến muộn nhưng lại có những bước đi chắc chắn. Không chỉ đều đặn ra vở mới, cả sân khấu Luc Team và sân khấu Lệ Ngọc đều khai thác khá hiệu quả thế mạnh của mình. Họ không ngại thay đổi phong cách để tìm những lớp khán giả mới như Luc Team, nỗ lực kết nối, trao đổi với các doanh nghiệp, tổ chức để tìm tài trợ, còn Lệ Ngọc nỗ lực giới thiệu tác phẩm ra nước ngoài. Giữa nỗi lo về việc thiếu kinh phí, khó tìm đầu ra cho tác phẩm của các sàn diễn công lập, ông Nguyễn Thế Vinh phụ trách công tác đối ngoại của sân khấu tư nhân Lệ Ngọc thấy rằng, tính chủ động là một trong những ưu thế của sân khấu tư nhân hiện nay. Nếu như các đơn vị công lập dựng vở phải theo tiêu chuẩn hằng năm của nhà nước, muốn đi lưu diễn nước ngoài cũng phải chờ đợi sự phân công thì sân khấu tư nhân hoàn toàn có thể tự chủ nếu có nguồn đầu tư và sự kết nối đúng hướng.
Đánh giá đúng thành quả của thế hệ đi trước và không ngừng tìm tòi những hình thức thể hiện mới để thu hút khán giả, sân khấu Luc Team đang dần có được những lớp khán giả trẻ đầy tiềm năng. Sân khấu Luc Team đã hoàn thiện được 5 vở diễn chất lượng và phát triển nguồn diễn viên từ chính các học trò của mình. Đạo diễn, NSƯT Trần Lực cho rằng, sân khấu dù muốn theo cách thức nào, trường phái nào điều tiên quyết vẫn là phải hấp dẫn khán giả.
Tiềm năng và thành công bước đầu của của các sân khấu xã hội hóa phía Bắc làm chúng ta vui nhưng họ mới hoạt động được 4-5 năm. So với quãng thời gian trên dưới 20 năm của các nghệ sĩ xã hội hóa phía Nam thì đây mới chỉ là chặng đường đầu đầy mới mẻ. Vậy nên vẫn rất cần sự nỗ lực, sự ủng hộ từ khán giả và cần hơn nữa chính là những cơ chế kịp thời từ phía nhà nước để những thế mạnh đang có sẽ được phát huy.
Như vậy, có thể thấy sân khấu xã hội hóa đến nay dù chưa hết khó khăn nhưng đã thấp thoáng những tín hiệu vui. Việc đến với sàn diễn mới đầu là đam mê và mục đích kiếm sống của nghệ sĩ nay mang nhiều dáng nét hơn bởi những mục tiêu và nhiệm vụ mới. Và những cuộc thi, những dự án truyền thông lớn sẽ không chỉ là cuộc chơi riêng sân khấu công lập mà sẽ có sự góp mặt đầy hào hứng của sân khấu xã hội hóa./.
“Một trong những đòi hỏi cấp bách của sân khấu xã hội hóa hiện nay là cơ chế dành cho nghệ sĩ. Nên chăng cần có sự rạch ròi để đánh giá công tâm về từng khu vực sân khấu, cần có sự quan tâm, đãi ngộ đúng mức để người nghệ sĩ dù là xã hội hóa hay công lập cũng sẽ có thể yên tâm với nghề” - nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái.
|