Xẩm hội ngộ
Sự kiện trên được nhóm Đình làng Việt phối hợp với Ban quản lý di tích Phố cổ Hà Nội và chiếu xẩm Hải Phòng tổ chức nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).
Chương trình biểu diễn dẫn công chúng đi theo từng chặng đường phát triển của xẩm từ một hình thức đàn hát dân gian để mưu sinh nơi đầu đường góc chợ, bến nước, mom sông… cho đến hiện nay trở thành một loại hình nghệ thuật được biểu diễn trên sân khấu. Hát xẩm là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, hội tụ đầy đủ các yếu tố dân gian, gần gũi và được rất nhiều người yêu thích. Đặc biệt, thông qua chương trình biểu diễn, lịch sử hát xẩm được tái hiện qua từng thời kỳ: hát xẩm trước Cách mạng tháng 8; hát xẩm từ Cách mạng tháng 8 đến khi thống nhất đất nước và hát xẩm đương đại từ 1975 đến nay. Điều đặc biệt, người xem được chứng kiến cuộc hội ngộ giữa nhiều thế hệ nghệ nhân hát xẩm, nhiều giai đoạn phát triển của xẩm và sự trở lại mạnh mẽ của môn nghệ thuật dân dã này sau một thời gian dài vắng bóng.
“Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu” có sự tham gia của những nghệ sĩ có nhiều năm nghiên cứu, kế thừa và phát triển tinh hoa hát xẩm như NSND Xuân Hoạch, người được xem là “trưởng lão” của làng xẩm Việt Nam đương đại, còn được biết đến là người có công phục chế các nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn nhị, đàn đáy, đàn nguyệt... sử dụng dây tơ theo lối cổ, thay vì dùng dây kim loại như hiện nay. Hay nghệ nhân dân gian được xem là “cây đa, cây đề” trong làng xẩm Lê Minh Sen (Thanh Hóa), người đã từng ôm cây đàn nhị cùng với giọng hát xẩm của mình ra mặt trận, mang những lời ca hóm hỉnh, mang lại tiếng cười sảng khoái động viên tinh thần các chiến sĩ, thôi thúc ý chí quyết tâm chiến đấu của quân và dân Thanh Hóa… Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia của các nghệ nhân “ẩn mình” ở các làng quê, chưa được phong tặng danh hiệu như bà Nguyễn Thị Mận (con gái của Nghệ nhân hát xẩm huyền thoại Hà Thị Cầu), ông Lê Văn Vượng cùng đến từ chiếu xẩm mang tên cố nghệ nhân Hà Thị Cầu tại Yên Mô, Ninh Bình và một số nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ triển vọng đến từ nhiều nhóm, hội, địa phương khác nhau.
Nhìn lại hành trình phát triển của nghệ thuật hát xẩm từ hè đường đến sân khấu, nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh (Linh Xẩm) cho biết: “Bên cạnh những giá trị đặc biệt trong quá khứ, ở giai đoạn hiện nay, môi trường trình diễn xưa đã không còn, thay vào đó là những môi trường trình diễn mới, sân khấu hóa, chuyên nghiệp hóa”.
Chuyển mình để tự bảo tồn
Việc phục dựng các làn điệu cổ, nghệ thuật hát xẩm trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi còn quá ít nghệ nhân hành nghề hát xẩm. Những nghệ nhân hiện còn đang hành nghề chủ yếu là do đam mê và phải làm thêm nghề khác để kiếm sống. Hát Xẩm đang dần bị mai một, trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa có những hành động mạnh mẽ để vực dậy bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
“Muốn bảo tồn đúng truyền thống thì cần không gian diễn xướng truyền thống. Tuy nhiên, hiện điều này là không thể. Bản thân xẩm là loại hình nghệ thuật đàn hát, không có vũ đạo, nội dung các bài hát mang tính chất châm biếm, đả kích, nói chuyện nhân tình thế thái... và thời kỳ cách mạng là cổ vũ động viên, tuyên truyền. Trong quá trình phát triển của xã hội, việc xẩm lên sân khấu là điều tất yếu để có “đất” tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, khi chuyển mình lên sân khấu đòi hỏi kỹ thuật cao hơn và rất nhiều đòi hỏi mới như dựng bối cảnh, kỹ thuật âm thanh, kịch bản… và nghệ sĩ khi biểu diễn phải biểu lộ cảm xúc tốt trong không gian diễn xướng mới để cuốn hút người nghe, xem. Khi nghe xẩm có thể không cần nghe hết bài, vì bài xẩm thường rất dài, chỉ cần nghe văng vẳng thoảng vài câu hát nhưng nó lại thấm vào lòng người”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, đại diện nhóm Đình làng Việt chia sẻ./.
BOX: “Để phát triển nghệ thuật hát Xẩm hơn nữa, không chỉ bản thân chúng tôi phải nỗ lực mà còn cần các cơ quan chức năng hỗ trợ chúng tôi biểu diễn, giao lưu, đồng thời có sự đầu tư thật xứng đáng”, nghệ nhân Linh Xẩm.
Chú thích ảnh: Hát Xẩm trong không gian diễn xướng sân khấu mang nhiều nét mới lạ, hấp dẫn khán giả. Ảnh: Đình làng Việt