Phải đầu tư ra sao?
Nói đến đầu tư cho sân khấu, người ta thường nghĩ ngay đến vấn đề tiền bạc. Tất nhiên kinh phí càng vững thì các khâu còn lại càng được đảm bảo. Trong bối cảnh hiện nay, việc có được một số tiền nhất định để dựng vở đã khó chứ chưa nói đến việc dôi dư để thoải mái thực hiện bất kỳ ý tưởng bay bổng nào. Tuy nhiên, ngoài kinh phí thì việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút khán giả cũng là những vấn đề cần chú trọng đầu tư để sân khấu có thể đứng vững.
Những cái tên như Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Sân khấu 5B Võ Văn Tần, sân khấu Hồng Vân, sân khấu Hoàng Thái Thanh… được biết đến với vị thế riêng cùng với bề dày hoạt động. Thế nhưng, để khiến khán giả muốn xem mà phải đặt vé trước như sân khấu Idecaf thì những sân khấu này chưa làm được. Có được những “ngôi sao” cùng phong cách khác lạ, hấp dẫn, sân khấu Idecaf đã giữ được sức hút lâu bền với nhiều thế hệ khán giả TP.HCM. NSƯT Thành Lộc chia sẻ: “Có được các nghệ sĩ giỏi yêu nghề đã đành, chúng tôi còn phải dựng được những chương trình đặc sắc, tạo thương hiệu riêng cho mình. Sân khấu của chúng tôi có chuỗi chương trình Ngày xửa ngày xưa vô cùng hấp dẫn”.
Bài toán xây dựng thương hiệu của mỗi sân khấu chưa bao giờ tách rời yêu cầu phải có nguồn nhân lực giỏi, các ngôi sao tài năng. NSƯT Hữu Châu cho rằng, sân khấu không có nghệ sĩ giỏi sẽ không bao giờ có vở diễn tốt.
Sự đòi hỏi ngày càng khắt khe của khán giả cũng đã mở ra nhiều hướng tiếp cận mới giúp sân khấu khai thác được những tiềm năng chưa được biết đến. Gần đây đã có một số chương trình nghệ thuật được dựng trên sân khấu thực cảnh. Trong tương lai rất có thể sẽ có nhiều vở diễn được thực hiện trên bối cảnh thật, với sân khấu ngoài trời hay trong những khoảng không gian rộng lớn. Điều này không quá khó nếu các sân khấu đủ tâm huyết và chuẩn bị những đề án, kế hoạch thật chi tiết khi các ý tưởng được đưa ra.
Truyền thông hiệu quả!
Một tác phẩm sân khấu, một trào lưu hay xu hướng nghệ thuật muốn có đời sống lâu dài luôn cần đến vai trò của truyền thông. Thời gian gần đây, truyền thông có độ phủ sóng rộng với nhiều loại hình và phương tiện đưa tin khác nhau. Mỗi khi có tác phẩm nghệ thuật ra mắt hay một cuộc thi tài năng, công chúng có thể tìm thấy nhiều bài báo với đủ các thể loại khai thác, phản ánh. Ở góc độ nghệ sĩ, báo chí vẫn luôn là một cánh cửa lớn để giúp họ bước vào lãnh địa của khán giả. Nghệ sĩ tin rằng, môn nghệ thuật họ theo đuổi sẽ không thể nào bị lãng quên nếu như có sự đóng góp tích cực của truyền thông. Nghệ sĩ trẻ San San, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai bày tỏ, truyền thông cho tác phẩm, quảng bá cho nghệ sĩ là cách tốt giúp sân khấu vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, khi truyền thông không đúng với chất lượng vở diễn đôi khi lại gây tác hại. Với khán giả không có gì buồn hơn cảm giác bị nghệ sĩ họ yêu mến lừa dối. Vì vậy, nâng cao tính nghệ thuật, chỉn chu về diễn xuất và chọn cách truyền thông phù hợp, ít phô trương, là cách làm mà nhiều sân khấu uy tín hiện nay lựa chọn.
Nói đến truyền thông cho vở diễn, nhiều người chỉ nghĩ đến vai trò của báo chí, trong khi sự quảng bá, giới thiệu của nghệ sĩ còn có hiệu quả hơn nhiều. Khán giả có khi chẳng ấn tượng gì khi đọc một bài phê bình sân khấu trên báo, nhưng họ lại có thể yêu thích hay tò mò qua sự giới thiệu của nghệ sĩ hay diễn giả trong nghề. Hiệu ứng cảm xúc trong nghệ thuật vô cùng quan trọng nếu như biết tận dụng nó.
Dự án 48 giờ chèo là một ví dụ về cách truyền thông trực tiếp của nghệ sĩ cho sinh viên và học sinh phổ thông. Nhiều khán giả trẻ sau khi đồng hành với dự án này thừa nhận, đây là một cách truyền thông rất hiệu quả./.
Vũ Nga