Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng năm đầu tiên áp dụng chương trình GDPT mới, nhiều giáo viên vẫn quen với nếp dạy cũ, chưa thoát khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào SGK. Để chương trình GDPT mới thành công, cần sự thay đổi từ chính đội ngũ giáo viên.
GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội đã có trao đổi với VOV.VN về vấn đề này.
PV: Thưa GS, trong chương trình GDPT mới, SGK không còn là pháp lệnh duy nhất, giáo viên được trao nhiều quyền tự chủ hơn trong quá trình dạy học. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng áp dụng chương trình mới, nhiều giáo viên vẫn chưa hoàn toàn quen với việc thoát ly SGK. Để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, đội ngũ giáo viên cần có những thay đổi ra sao, thưa ông?
GS Đinh Quang Báo: Trong quá trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, những người đi học là giáo viên, khi tôi ra bài tập em hãy phân tích chương trình SGK để thấy mối liên hệ giữa chương trình với SGK được thể hiện thế nào, thì họ chỉ nói được về SGK, còn chương trình thể hiện ra sao thì ít ai để ý. Nghĩa là họ cứ cầm SGK lên là dạy, giống như khi lên sân khấu diễn kịch nhưng lại không đọc trước kịch bản. Chương trình chính là kịch bản để khi lên diễn, anh diễn cho chân thực. Đây cũng là điều cần đổi mới đầu tiên khi áp dụng Chương trình GDPT mới. Ngay từ khi còn ngồi trong nhà trường, các trường sư phạm cần tạo cho sinh viên một năng lực phát triển chương trình, đây là năng lực ở mức cao. Nhưng ít nhất, cũng cần đào tạo cho sinh viên sư phạm biết đọc chương trình. Giáo viên hiện nay chưa được đào tạo kỹ năng này tốt, nên không có phản xạ đọc chương trình trước khi dạy mà chỉ cầm SGK lên để dạy.
Trước khi dạy một bài trong SGK phải hiểu chương trình yêu cầu thế nào, thì lúc đó mới dạy được. Khi đã nắm được chương trình, thì việc lấy “nguyên liệu” ở sách này sách kia là việc của giáo viên, miễn là những nội dung đó dạy cho học sinh đáp ứng được chương trình. Đây là cách làm rất mở.
Còn giải thích, vì sao hiện nay giáo viên vẫn bám vào nội dung SGK, bởi SGK có giá trị riêng của nó. Những người biên soạn sách đều là các chuyên gia rất giỏi trong lĩnh vực đó. Trước khi biên soạn chính những người viết sách đã phải rất hiểu về chương trình. SGK là công cụ để hiện thực hóa chương trình. Tuy nhiên để hiện thực hóa chương trình thì không chỉ có SGK, nhưng dù sao SGK cũng là yếu tố quan trọng.
SGK có mấy chức năng, đó là nguồn thông tin trình bày bài bản, được gia công gọt dũa tinh chế, mặc dù chưa phải thật sự hoàn hảo, giáo viên ứng dụng SGK là đương nhiên nhưng không có nghĩa giáo viên không biết để lựa chọn tư liệu trong nhiều sách, vì mỗi tác giả SGK có một cái hay khác nhau, phù hợp với từng đối tượng.
PV: Việc giáo viên phụ thuộc vào SGK có đi ngược lại với tinh thần đổi mới không, thưa ông?
GS Đinh Quang Báo: Không hẳn là ngược, SGK là công cụ, tuy nhiên phải rèn luyện cho giáo viên biết tham khảo nhiều nguồn tư liệu để dạy, biết được cái hay của nhiều sách khác nhau, đó là năng lực cần phải đào tạo. Nếu giáo viên chỉ xem 1 quyền SGK rồi dạy mà không biết chọn lọc những cái hay của sách khác để kết hợp thì rất hạn chế. Đây cũng là điều các trường sư phạm cần chú ý bồi dưỡng cho sinh viên biết cách sử dụng nhiều nguồn học hiệu dạy học khác nhau.
PV: Vậy theo ông, cần những giải pháp nào để giáo viên đáp ứng được những yêu cầu mới trong chương trình GDPT mới?
GS Đinh Quang Báo: Phần lớn giáo viên hiện nay đã tiếp cận được chương trình. Bộ GD-ĐT cũng đã có chương trình để bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình mới do World Bank tài trợ. Đây là chương trình bồi dưỡng trước mắt. Nhà nước cũng đã có nhiều hoạt động bồi dưỡng giáo viên, chứ không chỉ tập trung vào việc bồi dưỡng trong các trường sư phạm. Tuy nhiên, đổi mới cần cả một quá trình, để thay đổi một thói quen cần có thời gian, sự công phu, không thể nói là thay đổi. Nhiều khi việc phụ thuộc vào SGK là một thói quen chứ không phải vấn đề năng lực giáo viên. Việc thay đổi tư duy của đội ngũ giáo viên có thể làm được, nhưng cần có thời gian để họ có sự nhạy cảm, phản xạ trước những tình huống thực tiễn, điều này rất quan trọng.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
N.T/VOV.VN