Chiều 30/11, hàng trăm hội viên các Hội khuyến học tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tham gia Hội nghị Tổng kết Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” (Đề án 281) do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Sau 7 năm triển khai Đề án 281, với 2 giai đoạn từ năm 2014-2015 và giai đoạn hai từ 2016-2020, các tổ chức khuyến học, khuyến tài ở tất cả các địa phương đều thực hiện tốt nhiệm vụ, xây dựng xã hội học tập, xây dựng nhà trường thành “Đơn vị học tập”.
Các phong trào thi đua thực hiện mô hình học tập được nâng lên rõ rệt được thể hiện qua tiêu chí thi đua như Gia đình học tập; Dòng họ học tập; Cộng đồng học tập…được lồng ghép với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa… Tổ chức hội và hội viên cả nước tăng dần qua các năm. Đến nay, cả nước có trên 21 triệu hội viên.
Nhằm khuyến khích người dân học tập, hội khuyến học các địa phương trao hàng nghìn suất học bổng cho người lớn và học sinh các cấp học có thành tích học tập, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh. Một điểm nổi bật trong quá trình thực hiện Đề án 281, Trung ương Hội khuyến học đã tổ chức 7 cuộc hội thảo cả 2 miền Nam, Bắc thảo luận vai trò của các trường đại học với việc học tập suốt đời của người lớn. Các trường đại học hướng tới phục vụ toàn thể nhân dân theo hướng “cần gì học nấy”, học không cần chứng chỉ, bằng cấp.
Tuy đã đạt và vượt mục tiêu đề án, song chất lượng của các mô hình học tập còn hạn chế so với yêu cầu, trong đó tiêu chí phấn đấu về gia đình học tập trong toàn quốc thì đạt song một số địa phương chưa đạt chỉ tiêu đề ra, trình độ nhận thức của người dân chưa đồng đều hay thiếu nguồn kinh phí cho các Hội khuyến học hoạt động…Để triển khai đề án 281 và khắc phục những hạn chế, ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam đề xuất: “Trong giai đoạn 2021-2025, Đề án 281 “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng” tiếp tục triển khai theo hướng nâng cao chất lượng các mô hình học tập. Bộ tiêu chí đánh giá các mô hình sẽ được bổ sung, hoàn thiện hơn cho phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế tri thức dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tận dụng lợi thế của khoa học công nghệ”.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà Hội khuyến học các địa phương đạt được khi thực hiện Đề án 281. Không chỉ số lượng gia đình, trung tâm học tập cộng đồng, xã hội cộng đồng tăng vượt chỉ tiêu mà còn quan trọng hơn là khi thăm dò ý kiến của nhân dân đều đánh giá đề án nên tiếp tục thực hiện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, Hội khuyến học tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền xây dựng xã hội học tập và việc học tập suốt đời của người lớn cũng như lợi ích tác dụng các mô hình học tập trong các tầng lớp nhân dân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ý thức trách nhiệm về phát triển bền vững của đất nước sẽ bị hạn chế nếu giáo dục, văn hóa không được coi trọng và đầu tư nguồn lực. Không chỉ tại các vùng khó khăn, khuyến học cũng cần được chú trọng tại các vùng đô thị lớn.
“Chúng ta nhất định phải tiếp tục và tiếp tục mạnh hơn phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội nói chung và làm sao thúc đẩy gia đình, dòng họ, cộng đồng và thúc đẩy quy mô từ xã đến huyện, đến tỉnh và cả nước. Tôi rất mừng khi tại Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Ban Tuyên giáo. Theo đó, đây không phải là vấn đề của riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Hội khuyến học mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta thấy chữ “khuyến tài”, chúng ta cứ đào tạo người tài, song tôi cũng nhói lòng khi đại biểu tại Hà Giang nói đó là khi đào tạo người tài thì cũng phải đánh giá và sử dụng… Thực sự, Hội nghị cho thấy phong trào khuyến học, khuyến tài là một hoạt động và là một lĩnh vực quan trọng của công tác dân vận”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh./.
Thiên Bình/VOV.VN