Trải qua 2 đợt dạy học trực tuyến trong vòng một năm qua, thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã đưa ra nhận định, chất lượng dạy học trực tuyến không hiệu quả bằng dạy trực tiếp.
Kết quả, chất lượng học tập có sự khác nhau giữa các trường, các lớp hoặc giữa các em học sinh với nhau. Ví dụ, khi dạy học trên lớp học sinh không đáp ứng được yêu cầu bài học giáo viên dễ dàng phát hiện và có ngay biện pháp để khắc phục. Tuy nhiên khi dạy trực tuyến giáo viên khó lòng phát hiện một em học sinh nào đó không học bài và khi phát hiện thì việc hỗ trợ cũng không thực sự thuận tiện bằng dạy trực tiếp.
Một trong những trở ngại, khó khăn khi dạy học trực tuyến theo thầy Trần Mạnh Tùng chính là sự tương tác. Tính tương tác giữa giáo viên và học sinh khi dạy online thua kém hơn rất nhiều so với việc dạy học trực tiếp. Thứ hai là sự không ổn định của đường truyền, ứng dụng và công nghệ. Khó khăn thứ 3 là kỹ năng xử lý kỹ thuật của giáo viên, học sinh còn hạn chế. Và cuối cùng là việc thiết kế giáo án theo hình thức dạy trực tuyến với đa phần giáo viên chưa thực sự thành thạo.
Những khó khăn, trở ngại này khiến cho việc dạy và học online trong thời gian qua trở nên nặng nề. Thầy Tùng cho hay, không ít đồng nghiệp thừa nhận, để chuẩn bị được một bài dạy trực tuyến vất vả hơn rất nhiều so với dạy trực tiếp. Thậm chí, khi dạy giáo viên phải nói nhiều hơn khi giảng dạy trên lớp.
Người học cũng chưa thực sự sẵn sàng tư thế học online nên nhiều khi cả người dạy, người học như đang ngồi xem một bộ phim không yêu thích trong khoảng thời gian dài 45 -90 phút gây ra sự mệt mỏi. Không những vậy, phụ huynh cũng tỏ ra mệt mỏi khi phải đôn đáo, nghỉ làm, mua sắm thêm thiết bị để hỗ trợ con em mình học trực tuyến. Vất vả mà nhiều khi hiệu quả không như mong muốn nên dễ nảy sinh ra những lo lắng, chán nản.
Mặc dù tồn tại nhiều bất cập, hạn chế song thầy Trần Mạnh Tùng khẳng định, việc tổ chức dạy học trực tuyến là điều cần thiết. Trước mắt khắc phục việc học sinh không được đến trường. Nếu các em không đến trường mà không phải học thì hậu quả để lại là vô cùng tệ hại. Nó không chỉ không hoàn thành được năm học mà còn tạo ra sức ỳ, thậm chí dẫn đến việc “nhàn cư vi bất thiện”.
Để việc dạy học trực tuyến đạt được hiệu quả như mong muốn, thầy Tùng nêu quan điểm, không nên coi dạy học online là một giải pháp tình thế mà phải coi đây là một giải pháp thực sự, một kênh dạy và học trong tương lai. Nhiều nước đã triển khai việc dạy học trực tuyến từ rất sớm và đã đi được một chặng đường dài. Và ngay như ở Việt Nam có những trung tâm ngoại ngữ đã tiến hành dạy trực tuyến hàng chục năm nay ngay cả khi không có dịch bệnh.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng, cụ thể, minh bạch để hỗ trợ việc dạy học trực tuyến được thuận lợi. Ví dụ, có những quy định rõ ràng về số tiết dạy, thời gian dạy, cách đánh giá, sổ điểm như thế nào, thậm chí có những gợi ý về việc thu học phí (đối với những trường tư) để không có sự tranh cãi như trong thời gian vừa qua.
Thứ ba, các Sở GD&ĐT cần chuẩn bị và hỗ trợ các cơ sở giáo dục cơ sở vật chất, phần mềm, phương pháp, nội dung dạy học trực tuyến… để tạo ra được sự đồng đều trong chất lượng dạy học giữa các trường.
Và điều quan trọng, theo thầy Trần Mạnh Tùng, mỗi một giáo viên cần phát huy tinh thần tự học, tận dụng những ưu điểm của Internet để tự trau rồi, tự khắc phục điểm yếu. Còn người học cần có sự thay đổi về nhận thức, có thái độ học tập nghiêm túc, tự giác và phát huy được tính chủ động, tích cực khi học tập trực tuyến./.
Khôi Nguyên/VOV2