COVID-19 khiến con đường du học của nhiều du học sinh Việt Nam dang dở

Hiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến con đường trở lại trường của các du học sinh càng trở nên mờ mịt.

 

Theo số liệu thống kê của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD-ĐT, hiện đang có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, rất nhiều học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh đã phải về nước và chuyển sang học online. Vì vậy, mục đích đi du học để thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, cơ hội thực tập, việc làm hấp dẫn, trải nghiệm văn hóa, ngôn ngữ… của các du học sinh không thể thực hiện được.

Hiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến con đường trở lại trường của các du học sinh càng trở nên mờ mịt, con đường du học dang dở trong khi vẫn phải trả chi phí học tập như khi học trực tiếp tại trường.

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, Hoàng Thị Bình Giang, sinh viên khoa Tâm lý, Trường Đại học Erasmus Rotterdam, Hà Lan đã phải trở về nước vào cuối tháng 5 năm 2020. Từ đó đến nay, toàn bộ chương trình học của Bình Giang chuyển sang hình thức học online qua các ứng dụng trên mạng internet hoặc qua video bài giảng. Chênh lệch múi giờ giữa Việt Nam và Hà Lan nên các giờ học trực tuyến của Bình Giang thường diễn ra vào buổi chiều muộn và buổi tối ở Việt Nam khiến sinh hoạt bị đảo lộn. Chương trình học chủ yếu là lý thuyết, không có sự giao lưu với bạn học, giảng viên, không có thực hành hay hoạt động ngoại khóa, nên mục tiêu du học để được sống trong môi trường quốc tế, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, trải nghiệm văn hóa làm việc quốc tế… của Bình Giang cũng vì thế mà trở nên dang dở.

"Chênh lệch 6 tiếng so với giờ ở nước ngoài ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt cũng như về sức khỏe. Về khối lượng học cũng nhiều hơn, khó tổ chức hơn. Mình phải tự sắp xếp lại tất cả mọi thứ cũng là một khó khăn khi mà du học tại nước mình. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa không được tham gia trực tiếp cũng mất đi động lực và tính tương tác, kể cả đồng nghiệp bạn bè là người bản địa. Đây cũng là một thiệt thòi lớn, bởi vì bỏ ra một số tiền lớn trong khi môi trường mình đạt được không không như kỳ vọng", Bình Giang cho biết.

Du học để tiếp cận với môi trường giáo dục tiên tiến, chương trình đào tạo hiện đại, phù hợp với xu thế, tìm kiếm cơ hội thực tập, việc làm tốt ở nước ngoài, đồng thời được trải nghiệm và khám phá những điều mới mẻ về văn hóa, đất nước và con người của nước sở tại… là mục tiêu mà hầu hết du học sinh đặt ra khi lựa chọn con đường học tập ở nước ngoài. Thế nhưng, COVID-19 đã khiến con đường du học của nhiều du học sinh bị đảo lộn. Không có môi trường học tập phù hợp nên việc tiếp thu kiến thức cũng như các kỹ năng cần có đối với ngành học của các du học sinh không đạt được như kỳ vọng ban đầu. Với những du học sinh đã học năm thứ 3, thứ 4, cơ hội thực tập, tìm kiếm việc làm tại quốc gia mình theo học cũng đang dần đóng lại.

Nguyễn Thảo Ngân, sinh viên năm thứ 2 ngành Truyền thông, Trường Đại học Erasmus Rotterdam, Hà Lan chia sẻ: "Ngành của em là một ngành rất năng động. Bên cạnh việc học các bạn luôn luôn tham gia hoạt động ngoại khóa, tham gia vào câu lạc bộ hay đi thực tập, có rất nhiều bạn thực tập từ năm nhất, năm hai. Bản thân em phải về Việt Nam, bây giờ em đã mất hoàn toàn quyền để có thể thực tập bên đấy để phát triển cơ hội việc làm sau này của mình so với các bạn mà không về Việt Nam. Kỹ năng mềm sẽ không học được nhiều hơn so với dự kiến".

Nguyễn Đình Phú, sinh viên năm thứ 3, chuyên ngành Du lịch, Trường Đại học Calabria, Italy cho biết: "Học online dẫn đến thiếu thực hành, nặng hơn về lý thuyết và thiếu sự trải nghiệm. Ví dụ như trường hợp của em học chuyên ngành du lịch sẽ bị thiếu các buổi ngoại khóa đôi khi tại các địa điểm du lịch bên ngoài. Đa số mục tiêu của các bạn học sinh khi đi du học là sẽ kiếm được cơ hội và kiếm việc làm ngay tại các nước nơi các bạn học. Tuy nhiên, so với hiện tại sẽ khó hơn rất là nhiều".

COVID-19 khiến con đường du học của nhiều du học sinh Việt Nam dang dở.

Mặc dù sinh sống tại Việt Nam và học theo hình thức online, nhưng các du học sinh vẫn phải trả học phí như khi học trực tiếp tại trường trong khi môi trường học tập, rèn luyện của du học sinh đã thay đổi hoàn toàn, chất lượng dạy và học đạt được không như học trực tiếp. Bên cạnh đó, các du học sinh còn phải chi trả nhiều khoản chi phí khác ở quốc gia đang theo học, thậm chí nhiều em đã về Việt Nam nhưng vẫn trả tiền thuê nhà để giữ chỗ ở.

Lê Vũ Anh Thư, sinh viên năm thứ hai khoa Quản trị du lịch- khách sạn, Trường Đại học La Trobe, Australia nêu thực tế: "Em học môn về Du lịch- khách sạn, rất quan trọng về kỹ năng. Em chi tiền như thế để được học bởi những giáo sư hàng đầu hướng dẫn cho những cách phục vụ, cách quản lý trực tiếp. Nhưng bây giờ lại học những cách cầm dao, cầm dĩa từ Youtube. Từ khi về Việt Nam em cũng đã quên ngôn ngữ rất nhiều, khiến việc học khó khăn hơn. Học phí năm nay còn tăng. Nếu như những năm trước của em chỉ phải chi tầm 400 triệu đồng đến 450 triệu đồng 1 năm, năm nay khoảng 500 triệu đồng một năm. Em còn phải chi tiền bảo hiểm khi chính mình đang ở Việt Nam, còn bảo hiểm thì ở bên Australia, cả khoản giữ số điện thoại, rồi giữ những gói học tập ở bên đấy, có những thứ mình không dùng nhưng mình phải chi ra rất là xót".

Tiến Anh bập bõm, thực hành không có, không trao đổi trực tiếp với giáo viên... là tình cảnh chung của rất nhiều sinh viên. Với diễn biến phức tạp của dịch COVID hiện nay, các du học sinh đành “du học tại chỗ”, không biết đến bao giờ mới có thể tiếp tục thực hiện việc học tập theo đúng nghĩa du học. Nhiều du học sinh năm thứ nhất đã chọn giải pháp an toàn là quay về Việt Nam để học các trường quốc tế, từ bỏ hoàn toàn ước mơ du học của mình./.

Minh Hường/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận