Chứng chỉ nghề nghiệp giáo viên: Nâng cao chuyên môn hay chỉ học cho đầy đủ hồ sơ?

Theo quy định mới, giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Nhiều giáo viên nháo nhào đi học và cuộc đua văn bằng, chứng chỉ không biết bao giờ dừng?

 

Không còn phù hợp với thực tiễn thì cần sửa

Khi nhận được quy định này, điều giáo viên quan tâm nhất là việc học để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (CDNN) có giúp ích cho công việc chuyên môn, hay chỉ có cho đầy đủ hồ sơ. Bởi việc tham gia các lớp học chứng chỉ CDNN phải thực sự mang đến hiệu quả, nếu không chỉ giúp các trung tâm đào tạo CDNN trục lợi, gây lãng phí không đáng có cho giáo viên.

Quy định về chứng chỉ CDNN giáo viên đã có từ năm 2015 với các thông tư liên tịch số 20, 21, 22 của Bộ (GD-ĐT) và Bộ Nội vụ, nhưng khi đó chỉ cần thiết đối với những giáo viên có nhu cầu thăng hạng cao hơn.Còn mới đây, Bộ GD-ĐT ra thông tư số 01, 02, 03 năm 2021 thì lại khác. Cụ thể, giáo viên ở hạng nào phải có chứng chỉ CDNN của hạng đó, nếu không muốn bị tụt hạng hoặc giữ mã ngạch cũ và hệ số lương cũ thấp hơn so với hệ số lương mới. Ví dụ, để nâng từ hạng III lên hạng II, thầy cô phải có chứng chỉ CDNN hạng III và hạng II. Như vậy thầy cô phải mất 2 lần học với số tiền học phí tương đương khoảng 5 triệu đồng. Trong khi đó nếu thăng hạng, lương cũng chỉ tăng thêm được 30.000 đồng/ tháng, không hấp dẫn đối với giáo viên.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho rằng, yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ CDNN là một trong những bất cập của lộ trình trả lương theo vị trí việc làm, bởi cơ quan quản lý đã áp dụng chung công thức cho tất cả ngành nghề.

Khi triển khai luật viên chức phải phù hợp với thực tiễn, không thể bắt một giáo viên công tác 10, 20 năm, chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm tham gia các lớp bồi dưỡng chứng chỉ CDNN chỉ để chuẩn hồ sơ, hợp quy định. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều bất cập. Một số nội dung được thiết kế để bồi dưỡng nhà quản lý chứ không phải dành cho giáo viên. Về học phí đào tạo, giáo viên cũng phải bỏ tiền túi để đi học trong khi lương của thầy cô không cao.

Khó hiểu nữa, theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, đạo đức nghề nghiệp là quy định chung trong Luật rồi nhưng soi chiếu vào chuẩn giáo viên hạng 1, 2, 3 tại sao lại chia đạo đức nhà giáo làm 3 hạng 1, 2, 3? Đạo đức nhà giáo chia được sao? Đã là giáo viên thì phải làm gương cho học sinh. Vì thế, không dễ đánh giá, không phải giáo viên hạng 2 gương mẫu hơn giáo viên hạng 3. Trước đánh giá này, nhiều giáo viên bức xúc cho rằng, việc xếp đạo đức nhà giáo thành ba hạng 1, 2, 3 gây tổn thương với họ.

 GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, giáo viên vốn đã nghèo nay phải bỏ ra số tiền 2-3 triệu đồng để đi học một loại chứng chỉ nghề nghiệp (CCNN) mà không giúp nâng cao chuyên môn là điều bất cập. Thực tế, giáo viên muốn đứng lớp phải trải qua 4 năm học đại học. Hằng năm họ được tập huấn, bồi dưỡng theo chương trình của Sở, Bộ thì không có lý do gì không đủ điều kiện để đi dạy học. “Tại sao lại bắt giáo viên phải đi học loại CCNN trong khi họ đang là giáo viên?Bỏ 3-4 triệu đồng và học vài ba buổi để lấy CCNN liệu có thể cải thiện năng lực giáo viên, chất lượng hệ thống giáo dục có tăng theo?”, GS Dong băn khoăn.

Hiện nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ chứng chỉ CDNN, không chỉ với ngành giáo dục

Lãng phí lớn nếu không phục vụ nâng cao chuyên môn

Học hay không học chứng chỉ cCCNN là nỗi băn khoăn của hầu hết giáo viên lúc này. Bởi hơn ai hết, họ hiểu được giá trị thực của những chứng chỉ đó. Tuy nhiên, nếu không học thì liệu sẽ đi về đâu?

Thầy N.Q, giáo viên tại Đà Nẵng cho biết: “Tôi hiện là giáo viên hạng II. Theo quy định mới ban hành của Bộ, nếu muốn giữ hạng và hưởng bậc lương mới có hiệu lực từ ngày 20/3, tôi phải có chứng chỉ bồi dưỡng. Không phải "thăng hạng", mà chỉ đơn thuần là "giữ hạng". Gần đây, đồng nghiệp của tôi rủ nhau đăng ký một lớp bồi dưỡng chứng chỉ cCDNN tại một trường đại học, gồm 5 buổi học với giá 2,5 triệu đồng. Thậm chí cần có mặt điểm danh 1-2 buổi là chứng chỉ về tay”.

Một giáo viên Trường THCS có bằng đại học ở ngạch giáo viên THCS hạng II tại Đồng Nai cho biết là, cô chưa đi học và cũng không có ý định đi học lớp bồi dưỡng để lấy chứng chỉ CDNN hạng II, mặc dù có thể hệ số lương mới của cô sẽ thấp hơn do chưa có “giấy phép con” này. “Do sợ bị ảnh hưởng đến công việc nên nhiều đồng nghiệp của tôi đã rủ nhau đi học các lớp bồi dưỡng để lấy chứng chỉ CDNN ở một số trường trên địa bàn tỉnh. Họ có phản ánh lại rằng, nếu đi học để bồi dưỡng về chuyên môn thì còn được, đằng này, kiến thức không liên quan gì đến chuyên môn, mà học chỉ để cập nhật cho đủ chứng chỉ theo thông tư. Việc bỏ ra hơn 2 triệu để đi học một vài buổi, tiếp thu những kiến thức không liên quan đến chuyên môn, mà học chỉ để cập nhật cho đủ chứng chỉ theo thông tư như vậy theo tôi là quá lãng phí”, giáo viên này nêu quan điểm.

Nhiều giáo viên cho rằng, luật lệ đặt ra cũng phải dựa vào từ thực tiễn cuộc sống và phù hợp với từng chuyên ngành. Với những bất cập trên, bên cạnh Luật Viên chức, Bộ GD-ĐT nên có một luật riêng cho giáo viên giống như với công an và bộ đội. Bộ GD-ĐT nên bỏ hẳn quy định về chứng chỉ CDNN vì nó gây tốn kém công sức và tiền bạc của giáo viên.

Bộ GD-ĐT khẳng định, việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, không riêng gì ngành giáo dục. Do đó, muốn bỏ được quy định về chứng chỉ kể trên thì cần phải sửa các quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP./.

 
“Bộ GD-ĐT nên lắng nghe ý kiến của người dân, đặc biệt là đội ngũ giáo viên - đối tượng chịu tác động trực tiếp của các thông tư này. Là cơ quan ban hành thông tư thì Bộ phải chủ động rà soát, nghiên cứu, xem xét lại để đưa ra hướng điều chỉnh, tháo gỡ hợp lý; tránh gây áp lực cho giáo viên để họ yên tâm giảng dạy, đạt hiệu quả cao nhất…”, GS Phạm Tất Dong

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận