Làm sao để học đúng ngành, làm đúng nghề?

Từ ngày 27/4, thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng. Chọn ngành ra sao để tránh học nhầm ngành là vấn đề khiến nhiều học sinh "đau đầu".

 

Đuổi theo ngành hot, chọn nhầm nghề

Theo kết quả khảo sát gần đây của Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn tâm lý (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội), có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học (ĐH) chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng họ. Khi được hỏi về mức độ thỏa mãn với nghề đã chọn, có đến 75,6% sinh viên cho biết họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của mình, "vào học rồi mới biết mình không hợp"; 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau... Kết quả này cho thấy có nhiều bạn trẻ không chọn đúng nghề như mong muốn.

TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, mỗi năm, Trường ĐH Bách Khoa buộc phải cho thôi học khoảng 700-800 sinh viên. Trong số đó, một bộ phận không nhỏ các bạn sinh viên có tư tưởng chán nản, không còn hứng thú với ngành học và dẫn đến kết quả học tập yếu kém, thậm chí đã học vượt quá thời hạn học tập tối đa theo quy chế đào tạo nhưng không thể tốt nghiệp. Thực tế, một số sinh viên có năng lực học tập tốt ở bậc phổ thông và thi đỗ vào ngành học mà nhiều sinh viên khác mơ ước. Tuy nhiên sau một thời gian, các em đó cảm thấy không còn hứng thú với học tập, xuất phát từ việc cho rằng bản thân không phù hợp với ngành học. Điều này dẫn đến việc sa sút trong kết quả học tập, thậm chí là bỏ bê việc học giữa chừng.

Trong các buổi tư vấn tuyển sinh gần đây, có một thực tế là vẫn có rất nhiều em học sinh đang băn khoăn trước việc phải đưa ra quyết định chọn ngành nhưng vẫn phân vân không biết lựa chọn theo sở thích bản thân hay theo ý muốn của gia đình hoặc chọn nghề theo độ "hot", có mức thu nhập "khủng" sau khi ra trường. Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trước khi đăng ký chọn ngành hay chọn trường thí sinh cần sáng suốt, tự đặt câu hỏi xem ngành đó có hợp với năng lực, sở trường của mình hay không? Chứ không nên “chạy” theo chỉ vì nó là ngành hot, rồi đến lúc vào trường học lại thấy không phù hợp. Khi chọn ngành, chọn trường thí sinh có thể tuân thủ theo nguyên tắc ba bậc: Cao hơn - ngang bằng - thấp hơn so với học lực, sở thích của mình để có thể đạt được nguyện vọng như mong muốn", PGS.TS Bùi Đức Triệu.

Một chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cũng lưu ý, mục tiêu chính của các trường vẫn là tư vấn để tuyển sinh, nên các trường sẽ tập trung vào tư vấn để học sinh thấy được cái hay, hấp dẫn, cơ hội… của ngành học mà trường đào tạo. Họ không thể hiểu được bạn qua vài phút gặp gỡ, giới thiệu, qua bảng vàng thành tích của bạn… Và dù họ làm cho bạn nhìn thấy bạn rất phù hợp với ngành nghề mà họ đào tạo, nhưng thực ra chỉ có bạn mới  hiểu rõ là mình có phù hợp hay không. Mà điều này, rất tiếc là đôi khi lại xảy ra quá muộn, khi mà bạn đã vào trường và theo học được một chặng đường. Dừng lại và chuyển đi học ngành khác? Bạn có dám không, khi rất nhiều áp lực từ cha mẹ, người thân, từ bạn bè thầy cô, áp lực về thời gian, về kinh tế, vì dường như nếu chuyển ngành học thì tất cả những gì bạn đã học qua là bỏ phí, là sai lầm.

Chính vì thế không nên đợi lớp 12 mới nhờ tư vấn hướng nghiệp mà học sinh cần tìm hiểu về ngành nghề sớm hơn, càng sớm càng tốt. Nói chuyện với những người trong nghề, quan sát họ, nếu có thể thì hãy tìm các cơ hội được trải nghiệm. Quan sát, trải nghiệm, soi chiếu với bản thân, và lắng nghe bên trong mình xem điều gì là phù hợp với bạn?

Thí sinh nên cân nhắc thật kỹ để có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân, tránh chạy theo ngành hot.

Hiểu chính mình để có lựa chọn phù hợp

TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng nêu thực trạng:  Đến giai đoạn xét tuyển này, nhiều em tính bằng mọi giá vào được trường Bách khoa mà không tìm hiểu năng lực của mình có phù hợp với ngành đó hay không. Trong các buổi tư vấn cho học sinh, tôi vẫn khuyên các em nên chọn ngành đầu tiên xong mới đến chọn trường. Bởi vì có nhiều ngành các trường khác đào tạo rất tốt vì đó là thế mạnh của họ. Đặc biệt là những ngành nghề truyền thống mà hiện nay rất cần nhân lực nhưng các em không chịu vào. Thí sinh lựa chọn những ngành có thể nghe không ”kêu” lắm nhưng thực ra nó rất hữu ích cho xã hội, cơ hội việc làm cao. Chứ cứ lao vào những ngành hot như: Công nghệ thông tin, quản trị kinh tế… có khi ra trường ngành đó lại bão hòa, khó tìm việc, trong khi các ngành khác thì cần nhân lực mà không có”.

Các chuyên gia đều cho rằng, thị trường lao động hiện nay biến đổi quá nhanh, sinh viên mới vào trường ngành A có thể "hot", nhưng đến khi sinh viên ra trường ngành đó có thể thoái trào rồi. Nên để kiếm được việc tốt trong thị trường lao động thì sinh viên cần học tập chăm chỉ trong trường ĐH, nắm chắc kiến thức nền tảng và rèn luyện kỹ năng thích nghi, chuyển đổi linh hoạt. Theo các chuyên gia tuyển sinh, mỗi ngành nghề đòi hỏi những tố chất nhất định phù hợp với đặc thù công việc. Như vậy, bên cạnh năng lực học tập của mình, thí sinh phải hiểu được chính mình và biết cách khám phá bản thân xem phù hợp với những nghề nào, từ đó có sự chọn lựa phù hợp. Nếu cảm thấy nghi ngờ khả năng lựa chọn ngành học, việc làm của bản thân, các em học sinh nên tìm đến các nhà tư vấn tại các trường đào tạo nghề, các tổ chức hỗ trợ học sinh, sinh viên, tổ chức tư vấn đào tạo - giới thiệu việc làm.

Có thể nói, sẽ không có ngành nghề nào được xem là "hot" trong những năm tới vì khi nền kinh tế phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp sẽ phải chuyển sang giai đoạn hoạt động mới và buộc phải tái cấu trúc, trong đó có tái cấu trúc nhân sự, kéo theo tăng nhu cầu tuyển dụng lao động ở mọi cấp độ, vị trí, lĩnh vực./.

 

“Thí sinh không nên chạy theo những "ngành hot, nghề mốt" vì năm nay những ngành đó "hot" nhưng đến vài năm sau, có thể ngành đó sẽ bão hòa do có nhiều trường đào tạo và nhiều người theo học. Đó là chưa tính đến việc ngành đó không phù hợp với năng lực bản thân, quá sức hoặc không yêu thích. Khi đó cơ hội việc làm sẽ hạn chế, thậm chí các em khó có thể xin được việc làm tốt”. PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Khoa Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội)

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận