Thu phí học online: Nhà trường loay hoay, phụ huynh thắc mắc

Nhiều bậc phụ huynh bất bình vì mức thu học phí trong thời gian học online vẫn giữ nguyên hoặc giảm không đáng kể mà hiệu quả không cao.

 

Việc tính học phí như thế nào là phù hơp? Hiện nay đang có những quy định, hướng dẫn nào về cách tính học phí online?

Mỗi tháng, tiền học phí cho một học sinh lớp 5 tuổi đang học một trường mẫu giáo quốc tế trên phố Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy khoảng 11 triệu đồng. Tuy nhiên, khi xảy ra dịch COVID-19 phải giãn cách xã hội, trường buộc phải đóng cửa, học sinh ở nhà, không học online nhưng mỗi tháng, các gia đình vẫn bị trừ 100% học phí.

Đó là lí do khiến nhiều phụ huynh của trường bức xúc, nhất là trong đợt dịch này, học sinh học online từ đầu tháng 5, nhưng các gia đình chưa nhận được bất kỳ thông báo về phương án hoàn trả học phí của tháng 5 của trường mà đã nhận được thông báo thu học phí của kỳ tiếp theo. Một phụ huynh phản ánh:

"Hội phụ huynh chúng tôi cũng bức xúc. Thứ nhất là không hỏi ý kiến trước, thứ hai là không trưng cầu dân ý về chuyện thu học phí đủ hay hoàn lại thì lại tiếp tục gửi thư để thu học phí của đợt sau. Tôi thấy rằng gây cho hội phụ huynh bức xúc, sau đấy hội phụ huynh có lên tiếng nhưng nhà trường không giải quyết hợp tình hợp lý, tức là không họp phụ huynh và mời nhóm phụ huynh có ý kiến phản đối lên làm việc mà chỉ mời kiểu nhỏ lẻ thôi, như kiểu thương lượng với từng gia đình".

Đây chỉ là một trong hàng trăm trường hợp phụ huynh có con đang học mầm non, mẫu giáo tại các trường tư thục cảm thấy không “thỏa đáng” khi vẫn phải nộp đầy đủ học phí trong thời gian học sinh nghỉ học do ảnh hưởng của dịch covid. Bởi với các bạn ở độ tuổi này, việc triển khai cho các con học online không khả thi và không hiệu quả.

Mặt khác, con nhỏ ở nhà đồng nghĩa gia đình phải cắt cử bố hoặc mẹ nghỉ làm ở nhà để trông, hoặc nếu không buộc phải thuê giáo viên, thuê người trông con để đi làm, phát sinh thêm những chi phí không mong muốn và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất cao, đó là chưa kể thu nhập của bố mẹ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, sau một năm làm quen và chuẩn bị, các nhà trường chủ động hơn trong việc lên kế hoạch, chương trình học online nhanh chóng, bài bản và học sinh cũng đã quen dần với hình thức học mới này. Bởi vậy, việc thu100% học phí nếu tương xứng với chất lượng các chương trình giảng dạy online vẫn nhận được sự đồng tình của không ít phụ huynh:

"Học online vẫn phải dậy nên quan điểm của mình vẫn phải đóng tiền, đồng thời chia sẻ khó khăn của nhà trường nhưng cũng mong nhà trường có thể xem xét và hỗ trợ một phần nào đấy, chứ không thể không thu được".

"Trong thời gian nghỉ học ở trường, nhà trường vẫn thu học phí như bình thường, có tiền ăn là nhà trường trả lại thôi. Bởi vì hàng ngày các cô vẫn giảng dạy và các con vẫn lên lớp bình thường".

Đại diện một số cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập cho biết, trong thời gian do bị ảnh hưởng của covid, các trường cũng gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do không có nguồn thu, nhưng vẫn phải chi trả lương cho bộ máy vận hành và cả chi phí thuê trụ sở nếu có.

Theo Khoản 2 Điều 420 Bộ Luật dân sự 2015 phụ huynh hoàn toàn có quyền được thỏa thuận với nhà trường về mức học phí (Ảnh: Báo Nhân dân)

Đó là chưa kể, khi chuyển đổi hình thức học online, nhà trường cũng phải đầu tư kinh phí cho hoạt động này. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi vẫn phục vụ đầy đủ các giờ học, có một số giờ thể dục có giảm đi chút ít thôi, nhưng mà chúng tôi là trường tư, vẫn thuê phòng học, vẫn chi trả các chi phí khác... Nhà trường đã đầu tư vào hệ thống đường truyền, nâng cấp đảm bảo sự ổn định trong quá trình học online và yêu cầu các giáo viên vẫn đến trường, trực tiếp giảng dạy tại trường".

Trong khi đó, hệ thống giáo dục Lomonoxop cũng gặp không ít khó khăn khi hiện tại số tiền học sinh nợ học phí lên tới 2,5 tỷ đồng do kinh tế của nhiều gia đình bị ảnh hưởng của dịch Covid. Mặt khác, hoạt động bán trú, xe tuyến không hoạt động nên không có nguồn thu, nhà trường hiện vẫn đang hỗ trợ lương, đóng bảo hiểm cho đội ngũ nhân viên hành chính, giáo viên bán trú, lái xe….

Liên quan đến việc tính học phí trong thời gian học sinh học online do ảnh hưởng của dịch covid đối với các trường ngoài công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 1620.

Theo đó, mức thu học phí là sự thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh và nhà trường nhưng mức thu phải căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, các khoản chi phí phát sinh cần thiết để triển khai các hoạt động tổ chức dạy, thời gian thực tế học trực tuyến, các nội dung truyền tải qua dạy học trực tuyến, tỷ lệ hoàn thành chương trình học… nhưng không được vượt quá mức thu, tổng thu cả năm học đã được cam kết, công khai từ đầu năm học.

Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh cho biết, theo Khoản 2 Điều 420 Bộ Luật dân sự 2015 phụ huynh hoàn toàn có quyền được thỏa thuận với nhà trường về mức học phí: "Phụ huynh hoàn toàn có quyền được thỏa thuận, bàn bạc với trường để thống nhất phương pháp tính học phí cho học sinh trong thời điểm dịch covid đang diễn biến hết sức phức tạp. Bởi đây là vấn đề được phát sinh trên cơ sở hợp đồng dân sự giữa phụ huynh và nhà trường".

Ngoài ra, tại mục 6 Công văn số số 809 năm 2020 của Sở Giáo dục đào tạo thành phố Hà Nội cũng quy định: “Đối với các trường ngoài công lập, cần thỏa thuận với phụ huynh học sinh các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lomonoxop cho rằng, những quy định hướng dẫn về phương án tính học phí trong giai đoạn học sinh học online hiện có là phù hợp. Tuy nhiên, trong điều kiện nhiều phụ huynh bị ảnh hưởng thu nhập bởi dịch covid, nhà trường đã có những chính sách hỗ trợ học phí và chia sẻ khó khăn với phụ huynh. Mặt khác, nhà trường đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian học trực tuyến: "Đầu năm vừa rồi thì nhà trường giảm 10 % học phí cho cả năm học và tiếp tục giảm 10 % trong tháng 5 năm 2021 này. Đó là một trong những chia sẻ của nhà trường với cha mẹ học sinh, được cha mẹ học sinh rất đồng tình và ủng hộ. Họ cũng hiểu rằng, nhà trường đã có một góc nhìn cảm thông và sẻ chia với cha mẹ học sinh".

Dịch COVID-19 ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội và cả đối với lĩnh vực giáo dục. Để vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này, đảm bảo chất lượng dạy và học thì các nhà trường và gia đình cần cùng nhau chung tay, chia sẻ khó khăn./.

Muốn đồng hành, nên nhìn chung một hướng

Không dạy trực tuyến sẽ không được thu học phí. Những tưởng chỉ đạo này của Bộ GD-ĐT đưa ra đầu tháng 5/2020 khi tranh cãi giữa phụ huynh học sinh và các trường (đặc biệt khối dân lập) nổ ra vào những tháng đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát.

Nhưng sang năm 2021, cụ thể ngay khi kết thúc đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, hầu hết các trường đều chuyển sang hình thức học trực tuyến để đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Riêng khối mầm non, hầu hết đều nghỉ học.

Không có gì đáng kể đối với giáo dục phổ thông và đại học khối công lập, bởi các bậc học này vẫn duy trì học trực tuyến, đảm bảo chương trình giảng dạy.

Bức xúc chủ yếu nảy sinh với các trường ngoài công lập, các trường có hệ đào tạo chất lượng cao và một số trung tâm ngoại ngữ và giáo dục mầm non ngoài công lập… khi chuyển sang học online hoặc nghỉ hẳn, nhưng vẫn thu đủ học phí.

Những bức xúc của phụ huynh học sinh, nhất là khối ngoài công lập là hoàn toàn có cơ sở bởi mức học phí của những khối đào tạo này khá cao. Mặc dù một số trường lý giải trong thời gian học online, nhà trường phải đầu tư một khoản tiền lớn cho dạy online, trang bị thêm cơ sở vật chất, thiết kế bài giảng…, song việc thu đủ học phí khi chưa có sự thỏa thuận với phụ huynh chưa đủ sức thuyết phục.

Riêng với khối học mầm non ngoài công lập, từ năm 2020, Bộ GD – ĐT đã quy định, trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch, nếu không tổ chức học trực tuyến thì không được thu học phí và các khoản thu hộ, chi hộ. Do vậy, việc thu đủ học phí đối với bậc học mầm non khi học sinh không đến lớp là trái với chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.

Rõ ràng phụ huynh và nhà trường đều có đánh giá riêng của mình về học phí: thế nào là đúng và đủ. Chuyện học lúc này như một món hàng đang được định giá khác nhau dẫn tới tranh chấp: người bán có lý khi nói đã bỏ nhiều công sức thi công, chế tác; người mua cũng không sai khi đánh giá chất lượng sản phẩm không như mong muốn...

Dẫu vậy, hàng hóa ở đây lại là giáo dục, nên cả phụ huynh và nhà trường cần có thiện chí nhìn về cái “đúng và đủ” của hai bên để cùng tìm cách gỡ nút thắt này. Vì không chỉ phụ huynh hay nhà trường, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là học sinh của nhà trường, con em của phụ huynh.

Do vậy, với cấp học phổ thông, dù các trường đã chuyển sang hình thức học trực tuyến và hoàn thành chương trình đào tạo, song có thể thỏa thuận với phụ huynh để tổ chức các dịch vụ hỗ trợ học online để học sinh nắm chắc kiến thức. Khi đó, bức xúc của phụ huynh phần nào được tháo gỡ.

Với bậc học mầm non, để giảm bớt khó khăn trước mắt, cần thỏa thuận với phụ huynh cùng chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn. Rất nhiều phụ huynh sẵn sàng đồng ý hỗ trợ, nhưng nhà trường phải hỗ trợ lại phụ huynh giảm học phí nếu vào học lại, chứ không phải thu đủ học phì dù học sinh không đến lớp, bởi điều này vừa trái với chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, vừa gây bức xúc cho phụ huynh.

Không chỉ giáo dục, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng sâu, rộng đến toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội. Do vậy, việc tìm được tiếng nói chung để vượt qua giai đoạn khó khăn mới là giải pháp lâu dài, hơn là việc áp dụng một cách cứng nhắc, để lại bức xúc cho cả 2 bên.

Kiều Tuyết - Quách Đồng - Hải Hà/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận