Còn gần 3 tháng nữa, năm học mới sẽ chính thức bắt đầu, học sinh lớp 2, lớp 6 trên cả nước sẽ học theo Chương trình GDPT mới. Thời điểm này, hàng chục ngàn giáo viên trên cả nước vẫn tiếp tục chạy đua, tham gia bồi dưỡng, tự bồi dưỡng theo chương trình ETEP của Bộ GD-ĐT để chuẩn bị cho việc giảng dạy sắp tới.
“Công việc có vất vả hơn khi vừa phải hoàn thành nhiệm vụ ở trường, vừa hỗ trợ hàng chục đồng nghiệp ở các cơ sở giáo dục khác tự bồi dưỡng theo chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, tôi thấy vui vì học nhiều điều từ những thắc mắc, trao đổi của đồng nghiệp liên quan đến nội dung bồi dưỡng và việc áp dụng kiến thức ấy vào thực tế quản lý, giảng dạy ở trường”. Đó là tâm sự của cô Đào Thị Tâm - Hiệu trưởng trường Tiểu học Dân Tiến (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) - một trong hơn 30.000 giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán trên cả nước đang tham gia hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý đại trà tự bồi dưỡng các modul thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong Chương trình ETEP.
Theo mô hình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, lần này, đội ngũ cốt cán sau khi được bồi dưỡng trực tuyến và trực tiếp với sự hướng dẫn của giảng viên sư phạm chủ chốt, thay vì “dạy lại” cho hàng trăm giáo viên, cán bộ quản lý đại trà của địa phương học tập trung, thì mỗi cốt cán sẽ hỗ trợ khoảng 10-30 đồng nghiệp tự bồi dưỡng các modul trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS).
Cụ thể, giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán sẽ giải đáp các thắc mắc liên quan đến nội dung bồi dưỡng, hoàn thành các bài tập của khóa học hay việc áp dụng kiến thức được bồi dưỡng ấy vào thực tế quản lý, giảng dạy ở trường.
Nắm chắc hơn kiến thức, tích luỹ thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp
Việc hỗ trợ cán bộ quản lý đại trà tự bồi dưỡng của cô Đào Thị Tâm bắt đầu từ cuối tháng 4/2021, cô chịu trách nhiệm hỗ trợ 12 cán bộ quản lý huyện Khoái Châu.
“Riêng sáng nay, tôi nhận được 4-5 cuộc điện thoại hỏi về việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, điều chỉnh kế hoạch giáo dục như thế nào. Các thầy cô rất hay hỏi, nếu có thắc mắc gì không tự giải đáp được, họ thì sẽ vào hệ thống học tập trực tuyến (LMS) để đặt câu hỏi hoặc gọi điện trực tiếp nhờ cán bộ cốt cán trả lời, hay nhắn tin thảo luận trên nhóm chat zalo. Các thầy cô có thể liên lạc vào bất cứ thời gian nào. Những nội dung có thể giải đáp luôn, tôi sẽ trao đổi lại lúc đó. Những vấn đề chuyên sâu cần nhiều thì giờ để giải đáp kỹ lưỡng, thì buổi tối sau khi hoàn tất công việc gia đình, tôi sẽ hướng dẫn cho các thầy cô”, cô Tâm nói.
Cũng theo cô Tâm, mô hình hỗ trợ đồng nghiệp tự bồi dưỡng trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) có nhiều lợi ích cho cả giáo viên, cán bộ cốt cán và đại trà, nhất là việc không bị hạn chế bởi thời gian, không gian, nhất là trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hoạt động ngày diễn ra thường xuyên, liên tục, ngay trong quá trình làm việc nên các nội dung chia sẻ luôn được gắn với thực tế triển khai ở mỗi nhà trường, từ đó có hướng giải quyết thiết thực, hợp lý.
Do đều là cán bộ quản lý, trong cùng địa bàn huyện, nhiều năm sinh hoạt chuyên môn, quen biết lẫn nhau nên cán bộ quản lý đại trà dễ dàng chia sẻ những thắc mắc, khó khăn trong quá trình tự bồi dưỡng với cán bộ quản lý cốt cán. Đặc biệt, với sự hiểu biết phần nào tình hình hoạt động của trường bạn, nên những giải đáp, hỗ trợ của cốt cán với đại trà đối với các tình huống cụ thể, sẽ hiệu quả, phù hợp hơn.
Mất thêm thời gian và vất vả hơn khi vừa phải thực hiện công việc chuyên môn ở trường, vừa hỗ trợ đồng nghiệp tự bồi dưỡng, nhưng cán bộ quản lý cốt cán Đào Thị Tâm cho rằng mình “được nhiều hơn mất”.
“Cái được lớn nhất là vỡ vạc thêm được nhiều vấn đề từ thực tế áp dụng kiến thức được bồi dưỡng vào hoạt động của nhà trường mà đồng nghiệp phụ trách. Lúc tôi học hoặc thực tế áp dụng của trường mình không phát sinh vấn đề như trường bạn. Quá trình cùng nhau tìm giải pháp có thể nảy ra hướng giải quyết mới, thú vị, hiệu quả hơn. Bài toán của trường bạn nhưng cũng là kinh nghiệm cho chính trường mình”, nữ hiệu trưởng nói.
Ngoài ra, việc giải đáp các thắc mắc về nội dung bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý đại trà cũng là cách để cốt cán “ôn lại”, nắm chắc hơn kiến thức trong các modul đó và từ đấy vận dụng hiệu quả vào hoạt động của trường mình.
Cũng tham gia hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng các modul của chương trình ETEP để thực hiện Chương trình GDPT 2018, cô Trần Thị Phương Nhung - giáo viên trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) đồng quan điểm rằng tuy việc tập huấn rất vất song giáo viên cốt cán được nhiều điều, nhất là việc nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Việc giải đáp các thắc mắc cho đại trà, giúp cốt cán nắm sâu sắc, tường minh, vững vàng kiến thức được bồi dưỡng. Giáo viên cốt cán đồng thời có thêm nhiều trải nghiệm với các tình huống khác nhau phát sinh trong thực tế triển khai của giáo viên đại trà. Năng lực giao tiếp, giải quyết vấn đề, sáng tạo của cốt cán, qua đó cũng tiến bộ.
Giảng viên sư phạm được “cọ sát” hơn với thực tế dạy học
Hoạt động hỗ trợ giáo viên và cán bộ quản lý đại trà tự bồi dưỡng qua mạng bắt đầu từ năm 2020, cũng từ đó, tiến sĩ Lê Thị Lan Anh - giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã đồng hành cùng hàng trăm giáo viên cốt cán của 8 tỉnh miền núi phía Bắc tham gia hỗ trợ đồng nghiệp. Quá trình này, nữ tiến sĩ được cọ sát với nhiều vấn đề trong thực tế dạy học của thầy cô trường phổ thông, từ đó học hỏi và rút được ra những bài học quý báu để làm tốt hơn nữa công việc chuyên môn là đào tạo giáo viên.
“Khi đào tạo trong trường sư phạm, tôi hướng dẫn sinh viên theo cách này nhưng khi họ áp dụng vào thực tế giảng dạy có thể phát sinh vấn đề khác. Ngoài ra, giáo viên luôn sáng tạo cách dạy sao cho phù hợp nhất với học sinh. Họ làm kiến thức ở trường sư phạm được “sống theo một cách khác”. Những thực tế phong phú đó, khi trực tiếp tập huấn cho giáo viên cốt cán và đồng hành cùng cốt cán hỗ trợ giáo viên đại trà, tôi có nhiều cơ hội cọ sát và hiểu kỹ lưỡng hơn”, cô Lan Anh nói.
Giảng viên này cho biết, quá trình bồi dưỡng giáo viên cốt cán và đại trà thực hiện Chương trình GDPT mới như một cách để cô “bảo dưỡng” lại sản phẩm mà mình và các đồng nghiệp đã tạo ra. Quá trình này tác động lại hoạt động đào tạo của trường sư phạm, đặc biệt là với cá nhân cô. Khi biết vấn đề nào sinh viên ra trường hay nhầm lẫn, nội dung nào giáo viên đã làm tốt, cái gì cần tập huấn thêm, cô Lan Anh có thể điều chỉnh lại hoạt động giảng dạy ở trường sư phạm sao cho khắc phục được những nhầm lẫn, thiếu sót đó.
“Tôi nhận ra, quan trọng nhất là mình cần đào tạo sinh viên phát triển được phẩm chất, năng lực, để họ biết vận dụng đúng và linh hoạt kiến thức được học vào xử lý các tình huống phong phú trong đời sống giảng dạy, từ đó mới có thể làm tốt công việc chuyên môn là dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh”, TS Lê Thị Lan Anh nói./.
Nguyễn Trang/VOV.VN