Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT quyết định sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt. Những thí sinh ở khu vực không chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ thi vào 2 ngày 7-8/7. Những thí sinh vùng dịch, thuộc "diện F" sẽ thi đợt 2. Lịch thi đợt 2 do Bộ GD-ĐT căn cứ vào diễn biến thực tế của dịch bệnh để quyết định.
Dù đây là năm thứ 2 kỳ tốt nghiệp THPT phải chia thành 2 đợt, nhưng nhiều thí sinh vẫn không khỏi lo lắng.
Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 12 tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết, do ảnh hưởng của dịch, nhiều tháng nay, mọi hoạt động học tập đều diễn ra online: “Em rất lo lắng vì học online sẽ không hiệu quả bằng việc học trên lớp. Hơn nữa, chỉ còn gần 2 tuần nữa, các bạn trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp, trong khi đó chúng em vẫn thấp thỏm đợi chờ. Bên cạnh đó, em cũng lo lắng khi hầu hết các nguyện vọng xét tuyển đại học của em đều dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, vậy chỉ tiêu dành cho những thí sinh thi sau sẽ ra sao, có ảnh hưởng đến cơ hội trúng tuyển hay không”.
Có cùng lo lắng, Phan Minh Hải (Bắc Ninh) có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng băn khoăn: “Nếu các bạn đã thi xong đợt 1 và các trường đại học đã tuyển đủ chỉ tiêu thì những thí sinh thi đợt 2 có còn cơ hội hay không”?
Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, trường đã tính toán và sẽ dành riêng một số lượng chỉ tiêu phù hợp cho những thí sinh thuộc vùng dịch phải thi trong đợt 2.
“Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều thí sinh cũng phải thi đợt 2 và vẫn được đảm bảo quyền lợi như đợt 1. Các thí sinh chưa thể thi tốt nghiệp trong đợt 1 hoàn toàn có thể yên tâm về quyền lợi và cơ hội khi xét tuyển đại học”, thầy Điền cho biết.
PGS.TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Thủy Lợi cho biết, năm 2021, ĐH Thủy Lợi tuyển 4.000 chỉ tiêu theo 3 phương thức gồm xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào học bạ, xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm 70% chỉ tiêu đối với trụ sở ở Hà Nội và 50% chỉ tiêu đối với phân hiệu tại miền Nam.
Theo PGS.TS Trần Khắc Thạc, hiện tại các trường đều đã nắm được thông tin thí sinh đăng ký xét tuyển đại học và những vùng nào có khả năng sẽ phải thi tốt nghiệp THPT đợt 2, từ đó nhà trường sẽ khoanh vùng thí sinh, tính toán để dành một số lượng chỉ tiêu nhất định cho những em thi trong đợt 2.
“Các thí sinh thi đợt 2 không nên quá lo lắng về việc mất quyền lợi khi đăng ký xét tuyển vào các trường. Các em yên tâm thi tốt, đạt kết quả cao, chắc chắn các trường vẫn sẽ tạo điều kiện, đảm bảo công bằng cho thí sinh”, PGS.TS Trần Khắc Thạc cho biết.
PGS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại nhà trường chưa điều chỉnh phương án tuyển sinh năm 2021 bởi hiện tại chưa có thống kê cụ thể về số lượng thí sinh thi đợt 2. Đại diện trường ĐH Y Hà Nội khẳng định sẽ căn cứ vào số lượng thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2 để điều chỉnh phương án tuyển sinh phù hợp và dành một số chỉ tiêu cho những em thi sau.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc phải thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt đã nằm trong kịch bản tính toán của Bộ GD-ĐT và kế thừa kinh nghiệm của năm 2020, nên kỳ thi sẽ được đảm bảo thực hiện tốt, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Đặc biệt, để đảm bảo quyền lợi cho những thí sinh dự thi các đợt thi tốt nghiệp THPT khác nhau, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học điều chỉnh phương thức, thời gian và chỉ tiêu tuyển sinh để thí sinh thi đợt 2 vẫn được dự tuyển theo đúng nguyện vọng đã đăng ký.
Bộ GD-ĐT cũng sẽ xây dựng đề thi giữa các đợt tương đồng về độ khó để đảm bảo sự công bằng giữa các đợt thi khác nhau./.
Nguyễn Trang/VOV.VN