Tuyển sinh nhiều ngành nghề mới dễ xin việc

Năm 2019, nhiều trường đại học mở thêm một số ngành nghề mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội và tăng cơ hội lựa chọn cho học sinh.

 

Mở ngành gắn với nhu cầu của doanh nghiệp

Theo thống kê được thực hiện trong quý I/2017 của Tổng cục Thống kê phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Trong đó, số người có trình độ đại học trở lên chiếm nhiều nhất là 215 nghìn người. Vì vậy, với mỗi học sinh lớp 12, việc xác định được nghề nghiệp tương lai vừa phù hợp với bản thân vừa có cơ hội việc làm tốt là rất quan trọng.

Để tránh tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, năm 2019 nhiều trường đã cho ra mắt nhiều ngành học mới nhằm đáp ứng xu hướng cung - cầu lao động. Đây là thời điểm quan trọng để học sinh lớp 12 lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Thông tin từ lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho biết, tổng chỉ tiêu năm 2019 tăng hơn so với năm 2018 là 2,7% với 5.650 chỉ tiêu. Dự kiến năm 2019 trường có 7 chương trình mới (học bằng tiếng Anh) được xây dựng theo hướng liên thông quốc tế, tích hợp liên ngành và phù hợp với thời đại công nghệ số. Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM dự kiến mở 3 ngành mới: Khoa học thủy sản, Du lịch và Kinh doanh quốc tế. Mỗi ngành dự kiến 70 chỉ tiêu.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM cho biết, nhu cầu nhân lực của 3 ngành mới nêu trên là rất lớn và có nhiều doanh nghiệp đang đặt hàng. Chỉ tiêu cho khóa đầu tiên được xác định dựa trên nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Chẳng hạn, ngành du lịch thì có nhiều doanh nghiệp như Vinpearl đang đặt hàng; Ngành kinh doanh quốc tế đào tạo theo hướng quản trị logistics nên nhu cầu doanh nghiệp là khá lớn.

Năm 2019, Trường Đại học Nha Trang cũng dự kiến mở thêm 4 ngành mới: Luật, Kỹ thuật cơ khí động lực, Khoa học thủy sản, Quản trị khách sạn. TS Tô Văn Phương, phụ trách phòng đào tạo đại học của Trường Đại học Nha Trang cho biết, sau khi khảo sát và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực khu vực Trung bộ và Tây Nguyên thấy rằng các ngành dự kiến mở mới có nhiều cơ hội về việc làm. Ngành Khoa học Thủy sản thì chưa trường nào đào tạo, ngành học này sẽ đáp ứng nhu cầu nhân lực của kinh tế biển, cho các địa phương ven biển. Với ngành Quản trị khách sạn thì đang thực sự khát nhân lực, đặc biệt nhân lực trình độ cao như ĐH và CĐ, tập trung phát triển du lịch ở Nha Trang và các vùng phụ cận như Phú Yên, Bình Định, Đà Lạt, Tây Nguyên... Mỗi năm khu vực này cần 4.000 nhân lực quản trị khách sạn.

Đào tạo của các trường đang gắn với nhu cầu doanh nghiệp. Ảnh: Trube

Những ngành học xã hội cần trong 5 - 10 năm tới

Trên thị trường quốc tế, trong những năm gần đây, độ hot của ngành Công nghệ thông tin (CNTT) không còn như trước, nhưng không có nghĩa là ngành CNTT không còn sức hấp dẫn. Lập trình phần mềm còn được đánh giá là một trong số ít ngành nghề có khả năng “miễn dịch” với khủng hoảng kinh tế hiện nay. Còn ở Việt Nam, theo thống kê của VietnamWorks, trong 3 năm vừa qua, số lượng công việc ngành CNTT - Phần mềm đã tăng trung bình 47%/năm. Tuy nhiên, số lượng nhân sự ngành này chỉ tăng ở mức trung bình 8%, trong khi thị trường luôn rất cần nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng. Chính vì thế, từ 5 - 20 năm nữa, CNTT sẽ vẫn là ngành hot cần nhiều nhân lực.

Với ngành dịch vụ kỹ thuật, sinh viên ra trường tại Việt Nam có việc làm với mức lương nhiều người mơ ước (trung bình 15 - 20 triệu đồng/tháng). Với những đồ công nghệ thiết yếu trong cuộc sống quanh ta như tủ lạnh, xe máy, điện thoại,... mọi thứ đều cần đến dịch vụ kỹ thuật.

Những năm gần đây, du lịch, nhà hàng, quản trị khách sạn nằm trong top 3 những ngành khao khát nhân sự nhất. Ngành du lịch phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản trở thành mũi nhọn. Hiện mức thu nhập cho vị trí quản lý khách sạn quy mô vừa đạt 10 - 15 triệu đồng/tháng và 45 triệu đồng/tháng trở lên ở các khách sạn đạt chuẩn 5 sao.

Trong buổi tọa đàm “Cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh đại học năm 2019” do Bộ GD-ĐT tổ chức, ông Nguyễn Thế Hà, Phó Giám đốc, Trung tâm Quốc gia dịch vụ việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân tích: Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến số lượng, chất lượng việc làm thông qua sự thay thế sức lao động bằng máy móc, rô-bốt, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng công nghệ thông tin đối với một số ngành, nghề, và đang nhanh chóng thâm nhập thị trường lao động Việt Nam.

 
 Các em học sinh khi chọn nghề, trước hết phải hiểu thế mạnh của mình. Sau đó, đến các yếu tố như yêu cầu điểm thi, năng lực trí tuệ người lao động mà nghề đó yêu cầu, tính cách, sức khỏe và sự đam mê… Có 3 yếu tố quan trọng đối với một nghề chuyên nghiệp, đó là: phát huy tối đa năng lực cá nhân; đáp ứng nhu cầu của thị trường và phải công nghệ hóa... (Tiến sĩ Trần Văn Tính, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.)

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận