Thích ứng tình hình mới
Năm học mới này bắt đầu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nơi, nhiều địa phương phải quyết định lùi thời gian tựu trường, khai giảng.
Tại TP Hồ Chí Minh, Sở GD-ĐT đề xuất không tổ chức tựu trường, khai giảng, các trường sẽ bắt đầu tổ chức dạy học trên môi trường internet. UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch năm học 2021 - 2022. Theo đó, HS bắt đầu năm học mới từ ngày 1/9, riêng tiểu học từ ngày 8/9. Cụ thể, giáo dục tiểu học, từ ngày 8 - 19/9: Tổ chức lớp hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trên internet và củng cố kiến thức. Từ ngày 20/9 bắt đầu giảng dạy chương trình năm học mới.
Tại Hà Nội, lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 được tổ chức chung toàn thành phố vào ngày 5/9. Từ ngày 6/9, HS học trực tuyến bình thường theo kế hoạch.
Mới đây, một loạt địa phương như Ninh Bình, Đồng Tháp, Quảng Bình, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Sơn La, Đắk Lắk,... đã lùi lịch tựu trường vì dịch Covid-19. Sở GD-ĐT Ninh Bình thông báo điều chỉnh kế hoạch tổ chức khai giảng và thời gian tựu trường năm học 2021 - 2022. Theo đó toàn tỉnh tựu trường, đồng thời học chính khóa từ ngày 6/9, riêng huyện Kim Sơn lùi đến ngày 13/9.UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định các trường khai giảng năm học mới vào ngày 20/9.Mọi hoạt động tựu trường chỉ được phép bắt đầu từ ngày 15/9.Phụ thuộc tình hình dịch bệnh tại từng địa phương, ban chỉ đạo các huyện sẽ quyết định hình thức khai giảng.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm học 2020 - 2021 diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến nhiều thời điểm HS không thể học trực tiếp tại trường. Giáo dục Việt Nam đã linh hoạt, chủ động chuyển trạng thái để thích ứng tình hình mới và thực hiện mục tiêu kép là: Bảo đảm an toàn phòng dịch và hoàn thành các nhiệm vụ năm học đảm bảo chất lượng.
Trước mắt, ngành giáo dục tập trung thực hiện triển khai các biện pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch, hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh đến giáo dục, kiên trì mục tiêu chất lượng, phấn đấu hoàn thành kế hoạch và mục tiêu năm học. Trong đó, ưu tiên triển khai việc dạy và học linh hoạt, thích nghi với các điều kiện và tình hình khác nhau ở các vùng miền, các địa phương; đồng thời tổ chức dạy và học trực tuyến cho hiệu quả.Đặc biệt, lưu ý các giải pháp hỗ trợ đối với HS lớp 1 và lớp 2.Phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai việc hỗ trợ các đối tượng giáo viên và HS gặp hoàn cảnh khó khăn.Triển khai tiêm vaccine cho giáo viên và HS để đảm bảo cho trường học mở cửa trở lại sớm nhất có thể.“Ngành giáo dục sẽ triển khai các biện pháp hữu hiệu để từng bước khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, tăng cường yếu tố thực nghiệp, thực chất, thực học trong giáo dục. Hạn chế tối đa việc dạy thêm và học thêm, đặc biệt là vấn đề lạm thu đầu năm”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.
Nhiều gia đình, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, cần triển khai chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo không cháu nào bị thất học sau dịch hoặc vì nghèo mà không thể đến trường. Những giáo viên bị ảnh hưởng do trường đóng cửa, nhất là giáo viên mầm non thuộc các trường tư thục cũng cần được quan tâm hơn. Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu có chính sách hỗ trợ thêm cho giáo viên và HS trong các trường hợp đặc thù một cách phù hợp.
Triển khai kế hoạch linh hoạt, phù hợp với địa phương
Bộ GD-ĐT có công điện khẩn về tổ chức khai giảng, vùng dịch có thể lùi năm học
Trong công điện, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo Sở GD-ĐT sẵn sàng các phương án tổ chức dạy học, tăng cường các biện pháp chống dịch trong trường học. Các địa phương tổ chức khai giảng năm học mới linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương, bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, giáo viên vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.
Đối với địa phương có dịch Coid-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định lùi thời điểm bắt đầu năm học mới cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát...
|
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, ngành giáo dục xác định nhiều phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021 - 2022.Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT, ngành đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT theo hướng tăng phân cấp, phân quyền, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục; tập trung xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai các nhiệm vụ, đề án, chương trình theo từng năm và cho cả giai đoạn, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi để thực hiện các chỉ tiêu được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao.
Ngành giáo dục chuyển đổi trạng thái hoạt động thích ứng với tình hình mới, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến; chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với thực tế địa phương; phối hợp với ngành y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp cho tình huống dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp.
Ngành tiếp tục triển khai chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 trong năm học mới; tổ chức triển khai hiệu quả Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định số 1373 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”.
Ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu; nâng cao năng lực quản trị nhà trường và phát huy dân chủ cơ sở; làm rõ và thực hiện tốt hơn cơ chế giải trình của cơ sở giáo dục đại học; hoàn thành Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học và Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm; tập trung phát triển các cơ sở đào tạo giáo viên, các cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao và một số ngành ưu tiên, từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho đất nước phát triển bền vững; tăng cường hội nhập quốc tế, tích cực tham gia các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế đối với giáo dục phổ thông và các bảng xếp hạng đại học có uy tín quốc tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo; khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực…
Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trên, Bộ GD-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành y tế có giải pháp để sớm thực hiện việc tiêm vaccine cho học sinh, trước mắt là HS trung học phổ thông. Chính phủ xem xét, bố trí kinh phí để ngành giáo dục thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái hoạt động thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học; trước mắt tập trung xây dựng hệ thống bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử, kho học liệu số dùng chung cho HS phổ thông cả nước; tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy và quản lý lớp học trực tuyến; đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học./.
Các tỉnh xém xét, quyết định không thu học phí
Nghị định số 81/2021/NĐ-CP nêu rõ: Khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố; tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và HS phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.
|