VES 2021: Đưa giáo dục đại học thành một nhân tố của quyền lực tri thức

Nhiều nhận định và phán đoán quan trọng của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đã được đưa ra tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam lần thứ 2 (VES 2021).

 

Diễn đàn Giáo dục Việt Nam VES 2021 trực tuyến diễn ra trong hai ngày với 5 phiên họp toàn thể và 3 phiên song song, thu hút hơn 530 lượt tham dự của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và những người quan tâm từ Việt Nam và 11 nước trên thế giới.

Nhiều nhận định và phán đoán quan trọng của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đã được đưa ra tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam lần thứ 2 (VES 2021) với chủ đề “Giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng” diễn ra cuối tuần qua.

Không chỉ nói đến xếp hạng, cạnh tranh, quốc tế hóa... giáo dục đại học, các diễn giả và người tham dự cùng trao đổi về sức khỏe tinh thần của sinh viên và giới trẻ trong giai đoạn đại dịch; cũng như thảo luận về các nền giáo dục đại học và vị trí tương quan của Việt Nam ở bình diện chính trị học và địa chính trị, đưa đại học vượt khỏi khuôn khổ một bậc học trong hệ thống giáo dục mà trở thành một nhân tố của quyền lực tri thức trong một trật tự thế giới mới đa cực.

Diễn đàn trực tuyến Giáo dục Việt Nam lần thứ 2 (VES 2021) với chủ đề “Giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng” diễn ra cuối tuần qua.

Diễn đàn do Mạng lưới giáo dục EduNet thuộc Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM và Tạp chí giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tổ chức.

Diễn đàn Giáo dục Việt Nam VES 2021 trực tuyến diễn ra trong hai ngày với 5 phiên họp toàn thể và 3 phiên song song, thu hút hơn 530 lượt tham dự của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và những người quan tâm từ Việt Nam và 11 quốc gia trên thế giới.

Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Phương, Giám đốc Diễn đàn Giáo dục Việt Nam VES 2021 đánh giá diễn đàn đã đạt kết quả khả quan cả về chất và lượng: “Diễn đàn là nơi các giáo sư đầu ngành truyền đạt các kết quả nghiên cứu, phát biểu các quan điểm học thuật và nhất là dự đoán các xu hướng vận hành của các nền giáo dục đại học trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Diễn đàn cũng là nơi trao đổi học thuật của các nhà nghiên cứu; giảng viên đại học và các nghiên cứu sinh của Việt Nam và ngoại quốc. Điều mới mẻ của diễn đàn là chúng tôi mời Đại học KHXH&NV TP.HCM và Tạp chí Giáo dục (Bộ GD-ĐT) - ba cơ quan 3 chức năng khác nhau cùng chung tay thực hiện sự kiện này. Sau diễn đàn, sẽ tiếp tục ấn bản các bài nghiên cứu chất lượng ở một số tạp chí uy tín trên thế giới và mạng lưới giáo dục sẽ có ý định xuất bản cuốn sách thứ 2 về Giáo dục đại học tiếp nối cuốn sách thứ 1 về bậc phổ thông đã được ấn hành vào năm 2020”.

Đưa giáo dục đại học thành một nhân tố của quyền lực tri thức

TS Nguyễn Thụy Phương đánh giá cao những nhận định và phán đoán của các diễn giả về các nền giáo dục đại học và vị trí tương quan của Việt Nam ở bình diện chính trị học và địa chính trị, đưa đại học vượt khỏi khuôn khổ một bậc học trong hệ thống giáo dục mà trở thành một nhân tố của quyền lực tri thức trong một trật tự thế giới mới đa cực. Không chỉ nói đến xếp hạng, cạnh tranh, quốc tế hóa... của các nền đại học, các diễn giả và người tham dự cùng trao đổi về sức khỏe tinh thần của sinh viên và giới trẻ trong giai đoạn đại dịch.

Tại diễn đàn, ông Simon Marginson thuộc Đại học Oxford, Vương quốc Anh có tham luận với chủ đề “Liệu đã kết thúc thống trị Anh và châu Âu trong giáo dục đại học? Giáo dục Đại học ở Việt Nam trong một thế giới đa cực”, nhận định rằng để phát triển hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam một cách tốt nhất thì nên có một chiến lược phát triển các trường đại học, sử dụng các tiêu chuẩn so sánh rộng hơn, theo hệ thống quốc tế - các hệ thống được sử dụng để đánh giá và xếp hạng các trường đại học.

Với tham luận “Các vấn đề địa chính trị đối với giáo dục quốc tế và du học sinh: Tác động đối với việc quốc tế hóa các trường đại học ở Việt Nam”, bà Trần Ly, Giảng viên Đại học Deakin của Australia so sánh các số liệu thống kê cho thấy nếu như năm 2016, Việt Nam xếp thứ 8 trong số các lựa chọn đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài của các sinh viên Australia thì trong bối cảnh đại dịch COIVD-19, nay Việt Nam đang được đẩy lên xếp hạng thứ tư.

Chuyên gia Trần Ly nói: “Rõ ràng là nhiều trường đại học của Việt Nam đã rất tích cực trong việc đổi mới các khóa học online cho sinh viên trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vấn đề thu hút sinh viên nước ngoài phụ thuộc không chỉ riêng vào các nỗ lực cải cách tại một trường đại học hay quan hệ hợp tác quốc tế của ngôi trường đó; mà vào nhiều yếu tố ở tầm vĩ mô hơn. Đó là chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế của đất nước; vị trí địa chính trị và tầm quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; cũng như một loạt các lĩnh vực đi kèm theo từ kinh tế, xã hội, du lịch, giao thông… để cùng hỗ trợ chính sách quốc tế hóa đại học. Hơn nữa, giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu đào tạo cũng phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn, bổ trợ cho nhau chứ không nên hoạt động rời rạc và riêng rẽ. Các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc những điều đó để có cái nhìn tổng thể khi đưa ra các giải pháp, kế hoạch cải cách giáo dục đại học”.

Cần nắm bắt bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch để đổi mới mạnh mẽ

Bà Phan Lê Hà đến từ Đại học Brunei Darussalam phân tích các vấn đề của giáo dục đại học tại châu Á trong thời kỳ đại dịch và cho rằng đại dịch đã mang lại những thách thức, triển vọng, buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về giáo dục đại học trong khu vực.

Là người sáng lập Mạng lưới giáo dục Edunet- đơn vị khởi xướng và tổ chức Diễn đàn Giáo dục Việt Nam hàng năm, có kinh nghiệm tổ chức nhiều cuộc hội thảo về đổi mới giáo dục đại học, tự chủ đại học…, TS Nguyễn Thụy Phương nhấn mạnh: “Các khuyến nghị của các nhà nghiên cứu để cải cách nền ĐH Việt Nam không còn là điều quá mới mẻ ngay chính với người Việt. Điều quan trọng là chúng ta nắm bắt bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch ra sao để tạo nên những cải biến tích cực trong tương lai gần”./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận