Dịch vụ trông trẻ mùa dịch, nhiều mối lo!

Các lớp trông giữ trẻ tự phát "mọc" lên xuất phát từ nhu cầu của cả phụ huynh và phía giáo viên khi mà nhiều trường mầm non vẫn đóng cửa do dịch Covid-19.

 

Lo nhưng nếu không gửi thì biết làm sao?

Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã nới lỏng giãn cách nên nhiều cha mẹ có con ở độ tuổi mầm non buộc phải gửi con ở các nhóm trông trẻ tự phát để đi làm, dù điều kiện lớp học không tốt, học phí cao. Lướt qua các nhóm trên mạng xã hội như “Hội giáo viên nhận trông trẻ”, “Người trông trẻ tại nhà”, ngày nào cũng vài chục phụ huynh đăng thông tin tìm người giữ trẻ và thông tin các cô giáo mầm non nhận trông trẻ cũng nhiều không kém.

Phí trông trẻ cũng có nhiều mức khác nhau. Nếu giáo viên đến tận nhà để trông 1 cô, 1 trò thì tiền công thường vào khoảng 400 - 500.000 đồng/ngày, còn phụ huynh đưa con đến nhà cô trông nhóm thì khoảng 150 - 200.000 đồng/ngày. Chị Nguyễn Nga (ở Chung cư Đại Mỗ, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), có một bé trai 38 tháng và một bé gái 19 tháng cho biết: “Hai vợ chồng tôi đều ở tỉnh lên Hà Nội thuê nhà nên không ở gần ông bà hay người quen để gửi con. Thời gian đầu mới đi làm hai vợ chồng còn thay phiên nhau trông 2 bé, nhưng sau thấy ảnh hưởng đến công việc nhiều quá nên đành phải tìm chỗ gửi con. May mắn, có một cô giáo mầm non ở cùng tòa nhà nhận trông 2 bé từ thứ 2 đến thứ 6. Học phí mỗi bé là 150.000 đồng/ngày, tiền gửi 2 bé một tháng cũng mất tầm 7 triệu đồng, hơn cả tiền lương  của mình nhưng lúc đó vẫn phải chấp nhận vì nghỉ làm thì mất việc. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì không ổn nên tôi đang tìm một nhóm tầm 5-6 trẻ để giảm bớt chi phí dù chấp nhận phải đưa con đi gửi xa hơn”.

Anh Nguyễn Quang Huy (Quận 1, TP.HCM) cũng chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều làm ngành ngân hàng, sáng đi chiều về, trong khi trường tạm đóng cửa vì dịch. Do không gửi con cho ông bà hay thuê người chăm con tại nhà nên mấy hôm đầu tôi đành tha con lên cơ quan. Trẻ con rất hiếu động chạy nhảy khắp nơi, mình cũng phải luôn tay, luôn mắt trông nên không có tâm trí làm việc. Có hôm bận quá đành cho con chơi điện thoại hoặc máy tính để con ngồi yên, chưa kể giờ giấc ăn, ngủ của con cũng bị xáo trộn nên ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau một hồi bàn đi, tính lại, vợ chồng tôi đành chọn giải pháp gửi con tại nhà cô. Do muốn đỡ gánh nặng học phí nên tôi phải gửi nhóm lớp có 7 trẻ, nhưng nhà cô thì nhỏ mà nhận đông trẻ nên vợ chồng tôi cũng lo cho sự an toàn của con. Nếu chẳng may có một ai đến đón các con mà bị nhiễm Covid-19, thì sẽ như thế nào? Lo vậy nhưng đành chịu vì chẳng có cách nào khác!”.

Cô giáo cũng chật vật tìm việc

Dịch Covid-19 kéo dài trong nhiều tháng liền khiến nhiều giáo viên mầm non bị giảm thu nhập, giáo viên trường tư thục thậm chí còn nghỉ không lương nên khá nhiều người nhận trông trẻ trong mùa dịch.

Trên các diễn đàn “Hội giáo viên nhận trông trẻ”, nhiều giáo viên đăng thông tin nhận trông trẻ, như nick Nga Mon: “Em là giáo viên mầm non ở Giáp Nhất (Thanh Xuân, Hà Nội) hiện đang trông 3 bé nên muốn tìm thêm 1 bé nữa để cho các bạn có người chơi cùng. Cô sẽ chăm cho đến khi trường học mở cửa trở lại. Nhà có bà nội mát tay, có kinh nghiệm trông trẻ hơn 20 năm…”. Nick Bé KÒy giới thiệu: “Em là giáo viên mầm non, nhà ở Phan Đình Giót (Hà Đông, Hà Nội), nhận tuyển sinh bé 10 tháng đến 5 tuổi. Các bé sẽ được chăm sóc, ăn uống, sinh hoạt như giờ trên lớn. Học hành theo đúng độ tuổi, giáo án đã soạn. Lớp nhận tối đa 10 bé/lớp và sẽ do 3 giáo viên đảm nhiệm. Các con học từ thứ 2 đến thứ 7…”

Cô Trang, một giáo viên mầm non ở quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Tôi trông một bé 3 tuổi từ thứ 2 đến thứ 7 được mấy tháng nay vì mẹ bé vẫn phải đi làm đợt dịch. Bé là học sinh ở trường mầm non nơi tôi dạy, lại gần nhà nên bố mẹ tin tưởng nhờ cô luôn. Hằng ngày, tôi tổ chức việc ăn uống, học hành, vui chơi gần giống ở trường. Mỗi ngày con được cô dạy 30 phút các bài: tạo hình, tô màu, cầm bút…”. Cô Trang chia sẻ thêm, từ hồi nghỉ dịch đến giờ thu nhập giảm, chưa được trợ cấp gì trong khi tiền ăn ở, tiền thuê nhà thì vẫn phải chi tiêu nên cuộc sống của gia đình rất khó khăn. Chính vì vậy, cô phải tuyển thêm các bé từ 1 - 5 tuổi để tạo thành nhóm lớp, có thêm thu nhập lo cho gia đình.

Cô Thanh Nhàn, một giáo viên mầm non dạy ở Nhà Bè, quận 7 TP.HCM than thở, hiện tại ngành nghề nào cũng được đi làm chỉ có giáo viên là vẫn nghỉ nên cuộc sống rất chật vật. Giáo viên mầm non phải nghỉ dịch đầu tiên nhưng lại là cấp cuối cùng được đi dạy. Sau mấy tháng “thất nghiệp” nhiều cô đã bỏ nghề, kiếm việc khác để mưu sinh, thậm chí đi làm phụ hồ, bán vé số. Cô nào cố gắng trụ với nghề thì phải chấp nhận lấy học phí rẻ hơn công sức mình bỏ ra để có tiền trang trải cuộc sống. Việc chăm sóc trẻ ở nhà vất vả hơn, trách nhiệm cao hơn vì điều kiện chăm sóc trẻ không thể như ở trường được.

 
“Tôi đang nợ tiền nhà 5 tháng, chả biết sẽ bị chủ nhà đuổi đi lúc nào. Con nhỏ chưa đầy 2 tuổi nên không có ai trông bé để đi kiếm việc được, đành phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người. Hiện giờ tôi cũng đã đăng thông tin để nhận trông trẻ tại nhà, nhưng khu vực này không phải trung tâm nên tìm trẻ để trông cũng rất khó khăn. Nếu không có việc chắc tôi cũng phải bỏ nghề giáo đi làm công nhân, để có thu nhập đảm bảo cho cuộc sống của hai mẹ con…”, cô Thanh Nhàn, ở quận 7, TP.HCM cho biết.

Làm sao để đảm bảo an toàn cho trẻ?

Những vấn đề như an toàn điện, gas, nước, vệ sinh thực phẩm, hành lang chung cư... vẫn là mối nguy hiểm với trẻ

Ngoài nguy cơ cao nhiễm Covid-19 cao khi gửi tại những nhóm trông trẻ tự phát thì còn rất nhiều nỗi lo: về chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ, việc chăm sóc, giáo dục, phòng tránh rủi ro, tai nạn thương tích như: bỏng, điện giật... Thực tế, các điểm giữ trẻ tại nhà riêng khó có thể đảm bảo an toàn về điều kiện chăm sóc cả một nhóm trẻ. Dẫn chứng đơn giản nhất là bếp ăn đặt trong nhà nên nguy cơ tai nạn bỏng sẽ rất cao nếu các trẻ nô đùa, chạy nhảy mà thiếu sự giám sát chặt chẽ.

Tuy nhiên, khi hỏi về sự an toàn khi gửi trẻ tự phát thì nhiều phụ huynh cho biết, thường cũng chỉ yêu cầu là cô giáo tiêm 1-2 mũi vaccine; phòng trông trẻ phải sạch sẽ... Còn những vấn đề như an toàn điện, gas, nước, vệ sinh thực phẩm, hành lang chung cư... vẫn là mối lo thường trực. “Cô giáo nói nhà cô không ai từ vùng dịch đến, mọi người cũng tiêm đủ vaccine nên tôi cũng tin cô. Còn điều kiện lớp học không tốt chỉ đành “nhắm mắt” cho qua vì thời điểm này không có sự lựa chọn nào khác…”, chị Nga nói.

Lãnh đạo một Phòng giáo dục ở TP.HCM cũng cho rằng, trường học đóng cửa do dịch Covid-19, phụ huynh tìm cô giáo để gửi con vì phải đi làm, các cô giáo không bận và cũng có nhu cầu giữ trẻ để ổn định thu nhập. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch còn phức tạp thì câu chuyện nhóm trẻ tại gia là vấn đề phải chú ý. Đối với việc này, phòng không cấm nhưng chỉ nhắc nhở các cô, từ diện tích nhà ở để giữ trẻ cho đến ăn uống, học phí... mọi thứ phải thỏa thuận, phải an toàn. Đặc biệt, nếu chăm trẻ thì chú ý nhất khâu an toàn như gas, điện, nước, vệ sinh thực phẩm, hành lang chung cư... bởi ở nhà khác hẳn ở trường.

Theo cô Lê Thị Loan, Học viện Quản lý giáo dục,lớp trông giữ trẻ tự phát mọc lên xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh và giáo viên. Trường học đóng cửa khiến nhiều cha mẹ gặp khó trong việc trông nom và chăm sóc con cái để tiếp tục đi làm. Mặt khác, các giáo viên mầm non cũng “thất nghiệp” nên việc phụ huynh nhờ trông trẻ vừa giúp cô giáo có thêm thu nhập mà phụ huynh cũng an tâm hơn. Quan trọng làm sao là phải giữ được sự an toàn cho các con nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ với trẻ em./.

 “Các con không đến trường trong một thời gian dài nên ở nhà chỉ biết xem ti vi, điện thoại. Tháng 11 đến nơi rồi mà vẫn chưa thấy thông tin các trường học mở lại, vì vậy cha mẹ đành phải tự xoay sở. Hiện tôi đang tìm một giáo viên mầm non có giọng chuẩn Hà Nội đến nhà chăm sóc và tạo môi trường học tập cho con. Học phí là 400 ngàn đồng/ngày, dù tốn cũng phải chấp nhận…” - Chị Hạ Vy, ở quận Tây Hồ, Hà Nội.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận