Cần thống nhất phương án xử lý khi có F0 trong trường học

Khi phát hiện ca F0 trong trường học nhiều đia phương đã thực hiện phong tỏa toàn bộ trường học, làm ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục.

 

  Có ca F0, nhiều trường phải “đóng cửa”

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Ngô Thị Minh cho biết, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều hướng dẫn về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục; hướng dẫn cụ thể việc tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến, tương ứng với các cấp độ dịch. Tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc 5K trong đó đặc biệt là đeo khẩu trang, giãn cách trong trường học; các quyết định ứng xử khi có F0 trong trường… cũng mỗi nơi thực hiện một khác.

Theo bà Ngô Thị Minh, việc chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học, dẫn đến địa phương thực hiện phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục. Cả nước hiện có 28 tỉnh, thành phố đang tổ chức cho học sinh (HS) học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh; 35 tỉnh thành dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Gần đây, một số địa phương lên kế hoạch mở cửa trường học trở lại tại các quận, huyện vùng xanh từ 15/11. Tuy nhiên, với việc phát sinh các ổ dịch mới liên quan đến trường học, kế hoạch cho HS đi học trở lại phải có nhiều điều chỉnh.

Nhiều địa phương đã nêu khó khăn của cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch khi cho trẻ quay lại học trực tiếp. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều trường lại phải đóng cửa lại sau một thời gian ngắn đến trường. Bà Châu Hoài Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, cho biết, với sĩ số HS quá đông, các trường học ở địa bàn TP Hạ Long, Cẩm Phả rất khó để tổ chức lớp học đảm bảo giãn cách. Việc giáo viên, HS phải đeo khẩu trang trong toàn thời gian học tập tại trường (trừ lúc ăn, ngủ bán trú) được Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện nghiêm. Tuy nhiên thực tế cho thấy, với đối tượng HS tiểu học học 2 buổi/ngày và ăn ngủ bán trú, yêu cầu này gây khó cho các bé.

Đại diện Sở GDĐT Bình Dương - địa phương có sĩ số HS/lớp nhiều, thuộc diện đứng đầu cả nước (trên 50 HS/lớp, trong khi quy định là 35 HS/lớp đối với cấp tiểu học) - cũng phản ánh bất cập khi thực hiện giãn cách ở cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Các địa phương đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn rõ hơn việc đeo khẩu trang trong trường học để vừa hiệu quả, vừa khả thi, cũng như việc xử trí khi trường học xuất hiện F0, F1, F2 như thế nào để thích ứng an toàn trong tình hình mới. Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cần sớm có hướng dẫn tháo gỡ và thống nhất thực hiện hiệu quả.

Cần có quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ để đón HS, sinh viên đi học trực tiếp.

Phong toả lớp học/tầng học thay vì toàn trường

“Bộ Y tế  và Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể để HS, nhà trường có thể thích ứng an toàn, linh hoạt chuyển đổi trạng thái với trường học. Việc xử lý ca F0, F1, F2 và vấn đề tiêm vaccine cho HS đi học trở lại là rất quan trọng, cần có sự chỉ đạo cụ thể để các tỉnh không bối rối”.Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

Mới đây, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục đào tạo.Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Từ thực tế diễn biến dịch và giải pháp thích ứng của quốc tế; căn cứ tình hình thực tế trong nước, đặc biệt là kết quả tiêm vaccine, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 với nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Công tác phòng ngừa, kiểm soát dịch theo đó không còn cứng nhắc. Địa phương vì thế cũng cần linh hoạt trong việc quyết định cho HS trở lại trường, căn cứ vào cấp độ dịch của các địa bàn cấp tỉnh, huyện, thậm chí đến cấp xã. Các kế hoạch phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục cần được xây dựng lại để phù hợp với thực tế và quy định tại Nghị quyết 128, phải được UBND cấp tỉnh/huyện phê duyệt, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của địa phương giám sát, kiểm tra.

Đối với tình huống trường học xuất hiện F0, theo lãnh đạo Bộ Y tế, cần lập tức khoanh vùng, sàng lọc F0, F1 và tổ chức cách ly tại nhà hoặc tập trung với các đối tượng này. Tuy nhiên, thay vì thực hiện phong toả toàn trường trong thời gian dài, có thể thực chỉ phong toả lớp học/tầng học/toà nhà có F0. Sau 24h khử khuẩn, vệ sinh lớp học/tầng học/toà nhà đó, nhà trường có thể tổ chức hoạt động tại khu vực này… Đó là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.

Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần tính đến việc xây dựng quy trình chuẩn cho trường học dần mở cửa, thích nghi với dịch. Cần có quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ để đón HS, sinh viên đi học trực tiếp. Cần có những quy định cụ thể của ngành y tế thì mới thực hiện được, như: Khi vào trường học, lớp học, thang máy, nhà ăn, chỗ vệ sinh có phương tiện rửa tay hay không? Đảm bảo các yếu tố thông khí trong lớp học ra sao?… Ngoài ra, các trường cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế học đường để nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe cho HS, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh.

          Sớm hoàn thiện tiêu chí, quy định về phòng chống dịch tại trường

          Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các tổ chức, chính quyền địa phương nâng cao vai trò trách nhiệm trong chỉ đạo, rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch từng trường; tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch cho cán bộ y tế học đường, đặc biệt là cán bộ y tế thuộc trường ngoài công lập. Liên quan đến việc tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi, ông Tuyên cho biết, khi có vaccine về, Bộ Y tế phân bổ ngay để địa phương tổ chức tiêm vaccine cho HS. Với đối tượng nhỏ hơn (trẻ em từ 3-11 tuổi), trên cơ sở danh sách của địa phương, Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch cung ứng.

Để HS được trở lại trường học tập an toàn theo từng cấp độ dịch, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đề nghị địa phương thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"... Những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho HS, kể cả trẻ mầm non, được đi học trực tiếp. Khi HS quay trở lại trường học thì phải làm thế nào để được an toàn nhất và được hỗ trợ để thích ứng với môi trường học tập mới sau nhiều tháng dài học trực tuyến ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý HS.Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) khẳng định: “Phải đảm bảo an toàn mới đi học. Hiện Bộ Y tế đã có những hướng dẫn cụ thể với các cơ sở giáo dục về công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, các cơ sở phải chuẩn bị đầy đủ các phương án không chỉ về phòng chống dịch mà còn cả khi xuất hiện F0, khi có nhiều F1 để có cách xử lý phù hợp…”.

Cục Quản lý môi trường y tế đã có hướng dẫn công tác khử khuẩn trường học, với các tình huống xử trí cụ thể như: Khi có bệnh nhân Covid-19, ngay lập tức phong toả tạm thời toàn bộ trường học và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Thông báo và phối hợp với cơ quan y tế địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống dịch; Lập tức tách F0 và đưa F0 đi cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo quy định…

Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Y tế để bổ sung hoàn thiện các tiêu chí, quy định về đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các trường học, ký túc xá; ban hành sổ tay phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục và tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác y tế trong trường học./.

 

“Bộ Y tế đã có hướng dẫn căn cứ vào cấp độ dịch của từng địa phương để quyết định cho HS đi học hay không. Theo đó, các địa phương có đánh giá dịch ở cấp độ 1, có thể cho các trẻ chưa tiêm và đã tiêm, đến trường học trực tiếp. Đối với các địa phương dịch ở cấp độ 2, trẻ vẫn có thể đến trường học nhưng phải giảm tải và giữ khoảng cách, kết hợp với học trực tuyến. Từng trường phải xây dựng kịch bản khi không may có F0…”.Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận