Thông tin này đã khiến các trường và phụ huynh học sinh băn khoăn, lo lắng. Tổ chức kiểm tra, đánh giá như thế nào? Chọn trực tiếp hay trực tuyến? Làm sao để đánh giá học sinh chính xác, khách quan mà vẫn đảm bảo an toàn?
Thông tin mơ hồ khiến trường “rối”, phụ huynh lo
Khi nghe tin học sinh (HS) lớp 1, 2 phải thi học kỳ trực tiếp tại trường, anh Phạm Hoài Nam, phụ huynh HS lớp 1 tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khá hoang mang: “Các bé chưa từng đến trường buổi nào từ đầu năm, có khi ngày đầu tiên đi học còn khóc như ri, lạ trường, lạ cô, lạ bạn. Giờ phải đến trường không hiểu các con thi kiểu gì? Hiện số ca mắc Covid-19 của Hà Nội tăng cao, cao nhất cả nước với hơn 1.000 ca, nếu con phải đến trường, lớp con tôi có tới gần 60 HS, chia đôi vẫn khó đảm bảo giãn cách. Trước đó, số ca nhiễm ít hơn mà các con vẫn không thể đến trường thì bây giờ không có lý do gì để phải đến trường ôn tập và kiểm tra học kỳ trong bối cảnh này?”.
Chị Phương Mai ở quận Đống Đa, Hà Nội cũng băn khoăn: “Nhà chúng tôi đang thuộc quận màu cam nên suốt thời gian qua con học online, giờ thi online mới hợp lý. Hơn nữa HS lớp 1 chưa biết mặt thầy cô, bạn bè nay lại phải đến trường để kiểm tra thì tâm lý sẽ rất lo sợ, căng thẳng. Bộ GD-ĐT cần có định hướng rõ ràng lâu dài cho các cháu, chứ “đùng phát” lại thay đổi liên tục trong lúc dịch đang ngày càng gia tăng làm HS, phụ huynh và cả giáo viên đều bất an. Kỳ thi cận kề rồi, dù quyết định hình thức nào cũng cần được thông báo sớm để phụ huynh có thời gian chuẩn bị, đồng hành với con".
Cô Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng trường tiểu học Vietkids, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết: “Dù học trực tuyến nhưng mỗi ngày HS của trường vẫn được học đủ 5 tiết với các môn như: Toán, Văn và các môn Thể Mỹ nên vẫn đáp ứng khá tốt các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Hơn nữa một lớp chỉ có 24 HS nên cô giáo có nhiều thời gian tương tác với HS không khác gì học trực tiếp trên lớp, điều đó khiến các con tiếp thu bài tốt hơn và không bị áp lực trong giờ học. Hiện trường đã tổ chức ôn luyện để chuẩn bị cho các con kiểm tra học kỳ nên dù kiểm tra trực tuyến hay trực tiếp thì cũng không lo ngại về chất lượng. Tuy nhiên, trường nằm trong khu vực vùng cam, phải thi trực tiếp chắc chắn phụ huynh sẽ phản đối, thậm chí sẵn sàng không cho con đến thi. Nếu Hà Nội chọn hình thức thi trực tiếp thì trường sẽ đề nghị được thi trực tuyến".
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng: “Với địa phương có dịch bệnh căng thẳng như Hà Nội hay TP.HCM thì việc dạy học và thi trực tiếp là vô cùng khó khăn, không đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch. Tổ chức thi trực tiếp thì chắc chắn phụ huynh cũng sẽ không đồng ý vì sự an toàn của các con. HS của trường Lương Thế Vinh đến từ nhiều quận, huyện trong thành phố, có em đang ở vùng cam, có em là “F” phải cách ly nên việc đến trường thi là không thể. Tổ chức một nhóm HS đến thi trực tiếp và 1 nhóm HS thi trực tuyến sẽ phức tạp và không công bằng trong đánh giá… Vì thế, trường đã quyết định lựa chọn hình thức thi trực tuyến".
Với những nơi HS đang học trực tiếp thì việc tổ chức kiểm tra trực tiếp là điều cần thiết đối với HS cuối cấp, nhất là lớp 12. Vì đây được xem như những đợt tập dượt để HS lớp 12 thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, làm thế để đảm bảo một kỳ thi an toàn, trung thực và khách quan vẫn đang là bài toán khó đối với các trường, các địa phương.
Cần có hướng dẫn rõ ràng, kịp thời để thầy trò chuẩn bị
Theo hướng dẫn kiểm tra định kỳ của Bộ thì với HS tiểu học (trong đó có cả HS lớp 1, lớp 2) nếu “chỗ nào có điều kiện” thì tổ chức cho các em đến trường ôn tập và thi trực tiếp. Hiệu trưởng nhiều trường tiểu học cho rằng đây là hướng dẫn không rõ ràng. Thế nào là "có điều kiện" để tổ chức thi? Làm sao phân biệt rõ được vùng nọ, vùng kia bởi ranh giới đó rất mơ hồ trong tình hình dịch bệnh hiện nay? Trong hướng dẫn Bộ nên xác định rõ ràng, nơi nào học trực tiếp thì thi trực tiếp, nơi học trực tuyến thì thi trực tuyến.
Tại TP.HCM nhiều phụ huynh cũng đang băn khoăn và lo lắng khi đọc văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT yêu cầu cho HS lớp 1, 2 đến trường làm bài kiểm tra trực tiếp, bởi lẽ HS lớp 1, 2 của TP.HCM từ đầu năm học đến nay học trực tuyến để phòng tránh dịch bệnh... Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, văn bản hướng dẫn kiểm tra cuối học kỳ 1 của Bộ GD-ĐT yêu cầu cho HS lớp 1, 2 đến trường làm bài kiểm tra trực tiếp nhưng có tính đến tình hình dịch bệnh ở các địa phương.Vì vậy, các phụ huynh ở TP.HCM yên tâm rằng Sở GD-ĐT TP sẽ cân nhắc để có phương án phù hợp.
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sẽ yêu cầu các trường thăm dò ý kiến phụ huynh về việc tổ chức kiểm tra học kỳ 1. Nhưng về cơ bản, HS đang học trực tiếp sẽ được tổ chức ôn tập kiểm tra trực tiếp, đang học trực tuyến sẽ ôn tập để kiểm tra theo hình thức trực tuyến.
Làm sao để đánh giá chính xác học sinh?
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: Để việc kiểm tra đánh giá được đảm bảo theo yêu cầu của chương trình, từ đầu tháng 12, trường đã hướng dẫn HS các nội dung ôn tập và tổ chức kiểm tra. Trường đã chuẩn bị xây dựng đề thi, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của trường, khảo sát điều kiện máy móc của các HS như: lắp camera, cài đặt phần mềm giám sát... Xây dựng các quy chế của hình thức kiểm tra trực tuyến và phổ biến tới phụ huynh để cùng hỗ trợ nhà trường trong quá trình kiểm tra như: xử lý tình huống phát sinh, những lỗi HS có thể vi phạm trong quá trình thi… làm sao để kỳ thi trực tuyến vẫn sẽ đáp ứng các tiêu chí về kiểm tra đánh giá, đảm bảo tính chính xác và công bằng.
“Việc kiểm tra đánh giá là cả quá trình học, chứ không chỉ dựa vào 1 kỳ thi để đánh giá. Chương trình Giáo dục phổ thông mới yêu cầu phải đổi mới kiểm tra đánh giá sẽ “chú trọng đánh giá năng lực của HS, điều này được tích luỹ qua cả quá trình học tập dài, có kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, chứ không chỉ dựa vào một bài thi để đánh giá chất lượng".
Cô Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng trường tiểu học Vietkids
|
Trong nhiều văn bản của Bộ GD-ĐT thể hiện yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá HS. Trong đó, đánh giá thường xuyên cho phép giáo viên linh hoạt áp dụng đa dạng hình thức. Tuy nhiên, việc đổi mới tư duy, năng lực ra đề kiểm tra định kỳ theo đúng ma trận Bộ GD-ĐT quy định đang là khó khăn. "Việc khó nhất khi phải thay đổi để có thể kiểm tra trực tuyến, đảm bảo đánh giá đúng năng lực HS chưa phải là giải pháp kỹ thuật để giám sát mà là nội dung đề thi", hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội chia sẻ. Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: "Quan điểm của Sở là HS học ở mức dộ nào thì đề kiểm tra sẽ ra theo mức độ ấy. Sẽ không có chuyện học trực tuyến chỉ ở mức độ cơ bản, còn đề kiểm tra trực tiếp sẽ khó hơn, cao hơn, sâu hơn... như một số phụ huynh lo lắng".
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), bài kiểm tra định kỳ phải đảm bảo đánh giá năng lực HS thể hiện ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao sau một quá trình học. Trong trường hợp kiểm tra trực tuyến, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật để giám sát, việc đổi mới nội dung đề cần được chú trọng. "Với các câu hỏi đúng mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, HS không nắm vững kiến thức thì có tra Google hay giở tài liệu cũng không làm được"./.
Đến hết tháng 11, chỉ 9 tỉnh cho 100% HS đến trường; 20 tỉnh, thành dạy trực tuyến và qua truyền hình; số còn lại dạy kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Ở một số địa phương như Hà Nội và TP.HCM đã 7 tháng HS tiểu học chưa đến trường. |