Trong khi nhiều địa phương đã công bố các môn thi và phương án tuyển sinh lớp 10, thì môn thi thứ 4 trong kỳ thi này tại Hà Nội vẫn đang là ẩn số. Thêm vào đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp, dù đã mở cửa trường học, nhưng việc dạy và học tại nhiều trường ở Hà Nội vẫn “phập phù” lúc on, lúc off do số ca mắc Covid-19 trong trường học ngày càng tăng cao.
Việc học gặp nhiều cản trở do dịch bệnh, song thời gian diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 lại đang đến gần, lúc này hàng ngàn học sinh lớp 9 tại Hà Nội đang nóng lòng chờ thông báo về môn thi thứ 4, chạy đua "nước rút" để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.
Ngày nào cũng vậy, thời gian học tập của Lê Mai Trang, học sinh lớp 9 Trường THCS Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) thường bắt đầu từ 7h sáng đến 11h đêm, thậm chí là muộn hơn. Ngoài học theo chương trình trên lớp, học thêm vào buổi tối khoảng 4 buổi/tuần, Trang còn tích cực tự học, luyện các đề thi vào lớp 10 qua các năm của Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác.
Lịch học dày đặc, nhưng nữ sinh này chia sẻ, em không cảm thấy quá mệt mỏi, điều quan tâm nhất lúc này là chuẩn bị thật tốt để giành vé vào lớp 10 công lập.
“Em có nguyện vọng thi vào trường THPT Kim Liên, đây là trường có tỷ lệ chọi rất cao, luôn đứng top đầu của thành phố nên em rất căng thẳng. Thời điểm này, chúng em cũng đang hồi hộp đợi chờ thông báo môn thi thứ 4 của Sở GD-ĐT Hà Nội. Dù vẫn cố gắng học đều các môn có thể thi, song trong 3 năm vừa qua, chúng em phần lớn phải học online, do đó em cũng rất hy vọng sẽ được giảm tải môn thi thứ 4 để giảm bớt áp lực thi cử", Trang chia sẻ.
Ngoài 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, Trang cũng như nhiều bạn học khác vẫn phải trải đều thời gian để ôn 6 môn còn lại có thể được chọn làm môn thi thứ 4 vào lớp 10. Khối lượng kiến thức nhiều, để không quá tải, Trang cho biết, em thường phân chia thời gian biểu cụ thể để tự học từng môn trong tuần cũng như thường xuyên tự hệ thống lại kiến thức để biết những lỗ hổng cần bù đắp khi ôn tập.
Trần Thái An, học sinh lớp 9 Trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết, có nguyện vọng thi vào Trường THPT Cầu Giấy, dù gia đình không áp lực nhưng chính bản thân An cũng cảm thấy mình cần cố gắng rất nhiều để sẵn sàng bước vào kỳ thi lớp 10.
“Học online dài ngày nên em cảm thấy lực học của mình bị đuối hơn, có những lúc em cảm thấy hoa mắt vì nhìn máy tính nhiều giờ, nhưng em cũng chỉ dám nhắm mắt nghỉ ngơi một lúc rồi lại học tiếp. Thời gian chuẩn bị cho kỳ thi không còn nhiều, nếu không khẩn trương ôn tập em nghĩ sẽ rất khó đạt kết quả cao. Đôi khi em thấy thật áp lực”, Thái An chia sẻ.
Trong khi nhiều bạn mong muốn được giảm bớt môn thi, thì Nguyễn Quỳnh Chi, lớp 9A7, THCS Khương Đình lại hy vọng giữ nguyên 4 môn thi vì môn thứ 4 thường giúp thí sinh “gỡ điểm”.
“Trong 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh, em kém hơn ở môn Toán, nhưng trong 3 năm học online em cũng đã nỗ lực, tự học rất nhiều nên em cảm thất tự tin hơn. Theo em việc thi 4 môn sẽ khiến học sinh phải học nhiều và vất vả hơn, nhưng tỷ lệ chọi vào các trường công lập ở Hà Nội rất cao, do đó với nhiều thí sinh môn thứ 4 cũng là môn gỡ điểm, đem lại nhiều cơ hội hơn. Hiện tại dù lo lắng nhưng em vẫn cố gắng lên kế hoạch học tập khoa học nhất có thể, tự nhìn nhận lại điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới”, Chi chia sẻ.
Cần hướng dẫn trọng tâm các môn thi
Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên môn Toán Trường THCS Xuân Sơn, Hà Nội cho biết, dù tổ chức dạy học trực tiếp, song công tác dạy và học vẫn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
“Nhiều lớp vừa học được vài ngày đã phải chuyển sang học trực tuyến do số học sinh mắc Covid-19 tăng cao. Không chỉ học sinh mà cả thầy cô cũng phải vừa dạy học vừa cách ly do mắc Covid-19. Hiện nay đã có 2/3 lớp do tôi phụ trách môn Toán phải chuyển sang học online. Giáo viên đến trường vừa phải dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đường truyền nhiều khi không ổn định, học sinh không nghe rõ lời thầy cô giảng, thiếu tập trung, có em đang học vẫn bỏ đi chơi điện tử hay nhắn tin với những bạn khác. Việc thay đổi liên tục hình thực học tập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học tập của học sinh.
Với tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp như hiện nay, tôi cho rằng Sở GD-ĐT nên bỏ bớt môn thi thứ 4 để giảm tải áp lực cho học sinh và cả giáo viên”, thầy Tiến nêu quan điểm.
Cô Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, ngay sau khi đi học trực tiếp, nhà trường đã yêu cầu giáo viên củng cố kiến thức còn thiếu hụt cho học sinh, dạy đều tất cả các môn, giúp học sinh có tâm thế sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, tình trạng học online dài ngày, cô Hương cũng cho rằng việc bỏ môn thi thứ 4 sẽ hợp lý hơn cả.
Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, việc thi 3 môn hay 4 môn không quan trọng, tuy nhiên, kỳ thi vào lớp 10 nên phụ thuộc vào yêu cầu thi và cách ra đề thi. Không quá lo lắng về việc bớt môn thi, thay vào đó cần làm rõ trọng tâm thi. Yêu cầu của cuộc thi là kiểm tra năng lực thực sự của thí sinh, khả năng tư duy, không phải kiểm tra số lượng kiến thức. Bởi vậy, khi ra đề thi cần đưa ra bài toán xem năng lực tư duy của học sinh đến đâu, để các em tự đưa ra phương án giải quyết, tự học, tự suy ngẫm, như vậy sẽ giảm được thời gian học.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, Sở GD-ĐT Hà Nội nên có hướng dẫn rõ ràng trọng tâm của các môn thi: “Nếu học theo SGK thì rất nhiều, dàn trải, cần phải cho học sinh biết đâu là trọng tâm, đâu là kiến thức cơ bản, ngoài ra cũng cần xem cách các em vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống ra sao. Đó là năng lực cần hướng tới.
Quan điểm của tôi là Sở GD-ĐT Hà Nội cần sớm công bố trọng tâm các môn thi và có định dạng bài giải, rèn tư duy gắn với thực tiễn để học sinh luyện tập chứ không nên cộng nhiều giờ học bù để gắn kiến thức vào. Như thế sẽ không lo học 3 hay 4 môn, không cần chạy theo số lượng”./.
Nguyễn Trang/VOV.VN