Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2021, toàn quốc có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 795.356 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học và cao đẳng sư phạm. Tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm là 538.507 thí sinh, chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT là 308.371, chiếm 57,26%, chỉ tiêu xét tuyển theo các phương thức khác là 230.136, chiếm 42,74%.
Với tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh theo điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn ở mức cao, chiếm đến 57,26%, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y dược TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh, các trường có thể đưa ra các phương thức tuyển sinh riêng, tuy nhiên trong hoàn cảnh đặc biệt, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tự tổ chức các kỳ thi riêng càng khó khăn và áp lực cho chính các trường và thí sinh. Hiện nay, tỷ lệ các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm một tỷ lệ khá lớn. Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 Bộ GD-ĐT cần ra đề thi theo hướng tăng tính phân hóa để các trường có đầu vào cao như khối ngành y dược vẫn có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh.
Tương tự, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến thời điểm này các trường khối ngành sức khỏe chưa tổ chức họp để thống nhất phương thức tuyển sinh cho nhóm ngành y dược. Song dự kiến năm 2022, ĐH Y Hà Nội vẫn xác định sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Trong bối cảnh có đến trên 50% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, GS.TS Nguyễn Hữu Tú cho rằng, Bộ GD-ĐT cần giữ vai trò chỉ đạo trong khâu tổ chức và ra đề thi tốt nghiệp THPT, đảm bảo tính tin cậy và phân loại thí sinh giúp các trường yên tâm sử dụng kết quả này trong công tác tuyển sinh.
Nói thêm về các tổ hợp xét tuyển mới không có môn Sinh tại các ngành Y dược, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho rằng, cần hết sức cân nhắc khi sử dụng các tổ hợp mới: “Việc dùng khối A không có môn Sinh để tuyển sinh ngành Y không hoàn toàn mới, phương thức này đã được các trường về y dược khối quân đội áp dụng, nhưng với các trường đào tạo thuần về y dược thì đây là điều khá mới. Tôi cho rằng không nên dành tỷ lệ lớn chỉ tiêu cho các tổ hợp mới, có chăng nên để dưới 25%, việc áp dụng cũng cần có lộ trình cụ thể, thông báo trước cho thí sinh và có thời gian đánh giá lại hiệu quả của những tổ hợp này khi tuyển sinh”.
Căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh, GS.TS Nguyễn Hữu Tú dự báo, nếu không phát sinh tình huống đột biến, vào khoảng tháng 6, tháng 7, tình hình dịch bệnh có thể khả quan hơn. Do đó, Bộ GD-ĐT nên hướng đến thực hiện 1 kỳ thi theo hướng bình thường mới, tránh việc chia cắt thành nhiều đợt, có những thí sinh không được tham gia thi.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng: “Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2017, 2018 có mức độ phân hóa tương đối tốt, các trường có thể yên tâm dựa vào kết quả này để xét tuyển. Tuy nhiên từ năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tính phân hóa giảm, không đảm bảo khi xét tuyển đại học. Hy vọng trong năm 2022, Bộ GD-ĐT tiếp tục xây dựng đề thi có tính phân hóa cao hơn, đảm bảo các trường có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển”.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho rằng, việc giữ ổn định công tác tuyển sinh đại học như năm 2021 là cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các trường đại học.
PGS.TS Bùi Đức Triệu cũng đề nghị, Bộ GD&ĐT sớm ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh 2022, bởi dù chủ trương là ổn định nhưng những điều chỉnh mang tính kỹ thuật (nếu có) cũng tác động lớn đến các thí sinh. Hiện nay các trường đại học đã quen với tự chủ tuyển sinh, nhất là trong 2 năm vừa, các trường đã hoàn thiện phần mềm xét tuyển, đăng ký nhập học tạo thuận lợi cho thí sinh. Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng xây dựng phần mềm như vậy và đến thời điểm hiện tại vẫn hoạt động tốt./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN