Nếu mỗi phương thức tuyển sinh hoặc mỗi tổ hợp môn thi có chỉ tiêu riêng thì phải giải trình được căn cứ phân bổ chỉ tiêu.
Đến nay nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố phương án xét tuyển đại học, trong đó có nhiều phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển mới. Thời điểm này, nội dung được nhiều thí sinh, phụ huynh cũng như các trường phổ thông quan tâm nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 và xét tuyển đại học sẽ được tổ chức ra sao. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã có trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề này
PV: Thưa Thứ trưởng, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 sẽ có những đổi mới ra sao so với năm 2021?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Bộ GD-ĐT đã thống nhất công tác tuyển sinh năm 2022 giữ ổn định như năm 2021, chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các cơ sở đào tạo. Qua đó, đảm bảo khách quan, công bằng giữa các thí sinh, công bằng giữa các cơ sở đào tạo và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Một số điểm mới trong công tác xét tuyển đại học năm nay gồm: Thứ nhất, việc đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển CĐ, ĐH phải thực hiện trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Các em có thể đăng ký xét tuyển sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thời gian kéo dài trong một khoảng nhất định. Điều này sẽ tạo điều kiện cho thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn cũng như giảm số lượng thí sinh ảo. Trong hệ thống đăng ký xét tuyển đó, Bộ sẽ cập nhập, liên kết với dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo thông tin của thí sinh là chính xác nhất.
Bên cạnh đó, khi kết nối hệ thống đó, Bộ cũng sẽ cung cấp dữ liệu từ kết quả học bạ của thí sinh đến các trường đại học để thuận tiện hơn với các cơ sở đào tạo xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT.
Thứ 2, tất các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.
Đổi mới bao giờ cũng gắn với kế thừa và phát triển. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin không những giúp thí sinh đăng ký dễ dàng, mà các em gửi các minh chứng cũng được thuận lợi hơn. Mặt khác, việc này sẽ giúp các trường giảm được thí sinh ảo. Với các trường THPT, Sở GD-ĐT cũng giảm bớt các công việc liên quan đến hành chính.Thứ 3, Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các trường đại học phải cân nhắc rất kỹ việc điều chỉnh, xác định chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh trong cùng một ngành phải đảm bảo công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Nếu mỗi phương thức tuyển sinh hoặc mỗi tổ hợp môn thi có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh các trường phải giải trình được căn cứ phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức hoặc từng tổ hợp. Các trường cần tránh để xảy ra hiện tượng không bình thường như năm 2021 khi có những ngành điểm trúng tuyển tăng vọt dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều và tạo ra sự bất bình đẳng.
Thứ 4, cơ sở giáo dục cũng phải phân tích những rủi ro trong quá trình tuyển sinh và có phương án giải quyết, phối hợp giữa các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh.
Bên cạnh đó, có một số điều chỉnh nhỏ không đáng kể về khu vực ưu tiên, cử tuyển.
Về cơ bản những điều chỉnh năm nay chỉ mang tính kỹ thuật, tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh và các trường, tránh thí sinh ảo và sẽ không ảnh hưởng đến việc học của học sinh và công tác giảng dạy của các trường phổ thông.
PV: Một trong những điểm mới năm nay là tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các cơ sở đào tạo sẽ được lọc ảo chung trên hệ thống, vậy có lo ngại quá tải không, thưa ông?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý nguyện vọng, lọc ảo dựa trên nguyên tắc rất đơn giản. Thực tế các năm trước đã làm rồi, năm nay chỉ bổ sung thêm các phương thức xét tuyển khác. Như vậy hệ thống sẽ tăng tải dữ liệu song không đáng kể, các trường vẫn xét tuyển theo cách thức của mình bình thường, tự chủ xét tuyển. Hệ thống của Bộ chỉ làm công việc xử lý nguyện vọng và lọc ảo, thông qua đó sắp xếp các thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao hơn.
PV: Hiện nay nhiều trường đại học đề xuất Bộ nên tăng độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT để các trường có thể yên tâm sử dụng kết quả này trong công tác xét tuyển, quan điểm của Bộ như thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Tất cả chúng ta đều mong muốn có một kỳ thi có sự phân hóa, dù kỳ thi đó có phục vụ cho xét tuyển đại học hay không. Từ trước tới nay, các trường đều đề nghị Bộ ra đề sao cho có thể sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT là căn cứ quan trọng để xét tuyển. Qua các năm có thể thấy tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp vẫn rất cao trên 50%. Năm 2022, Bộ cũng sẽ nỗ lực cao nhất trong điều kiện có thể để có đề thi chất lượng tốt nhất.
PV: Hiện nay dịch bệnh Covid-19 tại nhiều địa phương vẫn đang diễn biến phức tạp, không loại trừ trường hợp đến thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có một lượng nhất định thí sinh là F0, F1, vậy Bộ sẽ có phương án ứng phó ra sao?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Năm 2020, 2021, chúng ta cũng đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh, do đó đến nay Bộ GD-ĐT cũng đã có những kinh nghiệm để tổ chức kỳ thi năm 2022. Hiện nay thời gian điều trị của các F0 cũng không dài, trong điều kiện cần thiết, có thể sẽ tổ chức thêm một kỳ thi phụ. Bộ cũng đang cân nhắc, dựa vào diễn biến thực tế của dịch bệnh để quyết định. Hiện nay du lịch đã mở cửa, chúng ta cũng cần thích ứng an toàn với dịch bệnh. Chắc chắn năm nay việc tổ chức kỳ thi sẽ có thể giải quyết một cách chủ động và tốt hơn năm 2021.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.
Nguyễn Trang/VOV.VN (Thực hiện)