Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực Logistics

Các trường kiến nghị VALOMA tạo hệ sinh thái kết nối doanh nghiệp, nhà trường nhằm tối ưu hóa quá trình sử dụng nguồn lực, chi phí trong đào tạo.

 

Ngày 26/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) phối hợp với trường Đại học Đại Nam và Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp tổ chức hoạt động đào tạo gắn với trải nghiệm thực tiễn ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh quốc tế.

Tọa đàm có sự tham dự của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Chủ tịch danh dự VALOMA; PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương (FTU), Phó Chủ tịch VALOMA; Ông Trần Chí Dũng, Trưởng Ban Đào tạo VALOMA; đại diện các trường đại học có đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng và đại diện doanh nghiệp logistics.

Toàn cảnh buổi Toạ đàm.

Tại tọa đàm, đại diện các trường đại học đã chia sẻ những khó khăn trong việc đào tạo sinh viên ngành Logistics như: Khó khăn trong hợp tác doanh nghiệp trong việc thực hiện chương trình trải nghiệm; Khó khăn trong việc thiết kế chương trình đào tạo gắn với thực tiễn; Thiếu nguồn nhân lực thực hiện chương trình đào tạo; Thiếu tài liệu tham khảo, công nhận tín chỉ giữa các trường ĐH (hỗ trợ công nhận tín chỉ giữa các trường ĐH giúp người học có được nhiều trải nghiệm ở các môi trường học tập khác nhau). Các trường cũng đưa ra định hướng tổ chức hoạt động đào tạo theo hướng ứng dụng và gắn với trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên ngành Logistics và Kinh doanh quốc tế. Bên cạnh đó, các đại biểu trao đổi về sự hợp tác và hỗ trợ của VALOMA và một số trường đại học, doanh nghiệp logistics về đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh quốc tế.

Trước những khó khăn trên, các trường đã kiến nghị VALOMA tạo ra hệ sinh thái kết nối doanh nghiệp, nhà trường nhằm tối ưu hóa quá trình sử dụng nguồn lực và chi phí trong đào tạo. Việc kết nối nhà trường với doanh nghiệp nhằm giúp các cơ sở đào tạo bổ sung các học phần đào tạo phù hợp với thực tiễn của nhà tuyển dụng, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng nhân sự phù hợp, đồng thời sinh viên được trải nghiệm thực tiễn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khi ra trường có nhiều cơ hội việc làm. Việc gắn kết giữa các trường có đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có thể kết hợp giúp hỗ trợ lẫn nhau trong công tác đào tạo như chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chương trình đào tạo, chia sẻ tài liệu tham khảo và phương pháp giảng dạy phù hợp với thực tiễn, công nhận tín chỉ giữa các cơ sở đào tạo, có sự trao đổi giáo viên, sinh viên giữa các trường… nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực Logistics để phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Chủ tịch danh dự VALOMA phát biểu tại buổi toạ đàm.

Buổi tọa đàm đã giúp các trường có thêm nhiều thông tin, gợi mở về phương pháp, chương trình đào tạo, định hướng phối hợp giữa các trường và hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Một số vấn đề được nhiều đại biểu nêu ra như khung chương trình, chuẩn đầu ra, hoạt động mô phỏng - thực hành... cũng sẽ được các Ban chuyên môn của VALOMA tập trung nghiên cứu, đưa ra kết quả trong thời gian tới./.

Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) là tổ chức tập hợp các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo ngắn hạn trên cả nước có đào tạo về logistics. Cùng với đó, hội viên của Hiệp hội cũng bao gồm các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Mặc dù mới chính thức thành lập từ tháng 7/2021, Hiệp hội đã tổ chức nhiều hoạt động thực chất nhằm kết nối các hội viên, nâng cao chất lượng chuyên môn trong công tác công tác giảng dạy, ứng dụng, kinh doanh logistics.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận