Học trực tuyến kéo dài, chất lượng giảm sút
Đại học Quốc gia TP.HCM đã chính thức công bố điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1 của gần 80.000 thí sinh (TS) dự thi. Kỳ thi diễn ra sáng 27/3 vừa qua tại 17 tỉnh, thành. So với năm 2021, điểm thi năm nay được đánh giá hơi thấp so với các năm trước. Hiện, 86 trường đại học, cao đẳng đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh, trong đó có 10 trường, khoa thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM. Số ngành học dùng kết quả kỳ thi để xét tuyển là 1.589.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP.HCM qua phân tích 79.372 bài thi cho thấy điểm trung bình của TS là 646.1 điểm, 117 TS trên 1.000 điểm. TS có điểm thi cao nhất là 1.087 điểm và thấp nhất là 210 điểm, thang điểm 1.200. So với năm 2021, dù số lượng TS năm nay cao hơn năm trước 10.000 TS nhưng số TS có mức điểm từ 700 điểm trở lên giảm hơn hẳn. Cụ thể, năm nay có 25.225 TS có điểm trên 700, trong đó có 1.629 TS có điểm trên 900. Trong khi năm 2021 có hơn 68.000 TS dự thi nhưng có đến hơn 30.000 TS đạt trên 700 điểm và có đến 2.776 em có điểm trên 900. Ông Chính nhận định: “Phân bố điểm thi ĐGNL của đợt 1 năm nay hơi lệch về bên trái, thể hiện kết quả thi hơi thấp hơn so với các năm trước. Điều này có thể do nhóm TS năm 2022 bị ảnh hưởng bởi tiến độ học tập chậm hơn các năm trước và quá trình học online kéo dài”. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng cùng quan điểm khi cho rằng, có thể việc học trực tuyến kéo dài thời gian qua đã ảnh hưởng đến kết quả thi năm nay.
Trước câu hỏi, điểm chuẩn năm nay liệu có giảm, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho rằng sự dịch chuyển toàn bộ phổ điểm là có nhưng không phải là sự xê dịch lớn. Sự cạnh tranh năm nay là giữa các thí sinh với nhau, điểm chuẩn năm 2021 chỉ là tham khảo. Điểm chuẩn chịu sự tác động của nhiều yếu tố gồm chỉ tiêu cụ thể từng ngành, số lượng TS đang ký và chất lượng điểm thi. Do vậy, dù phổ điểm thi thấp hơn nhưng điểm chuẩn sẽ tùy thuộc từng ngành căn cứ vào thực tế chỉ tiêu và số TS đăng ký.
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh lớp 12 lo "sốt vó" vì học lực giảm sút do cả năm học này phải học trực tuyến quá dài. Em Thu Hà (TP.HCM) cho biết: “Em đã có tới 2 lần nhiễm virus Sars-CoV-2 khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều. Việc học trực tuyến khiến em cảm thấy mông lung, phần kiến thức nào cũng thấy đuối nhưng lại khó tương tác hoặc hỏi bài thầy cô như lên lớp học trực tiếp. Thú thực, dù đã học online suốt học kỳ 1 nhưng em vẫn thấy rất khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Kỳ thi đánh giá năng lực vừa qua em đạt kết quả không tốt. Em cảm thấy rất áp lực”.
Chỉ tiêu xét tuyển từ thi đánh giá năng lực tăng mạnh
Không những số lượng trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực tăng lên gấp đôi so với năm 2021 mà tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển dành cho phương thức xét tuyển kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực cũng tăng nhiều.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dành 60% - 70% chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Các trường thành viên ĐHQG TP HCM cũng dành tỉ lệ chỉ tiêu cao cho phương thức xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực. Theo đó, Trường ĐH Bách khoa dành tối đa 70% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này; Trường ĐH Khoa học Tự nhiên xét 40%-70%; Trường ĐH Kinh tế - Luật xét 40%-60% chỉ tiêu.
Những trường sử dụng chung kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển thường dành chỉ tiêu ở mức 5%-10% cho kết quả thi đánh giá năng lực. Cũng có trường dành đến 25% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này, như Trường ĐH Nha Trang.
|
Đề thi sẽ dễ, bội thu điểm cao?
Mới đây, Bộ Giáo dục- Đào tạo chính thức công bố đề thi minh họa cho các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Theo đó, có 9 đề thi minh họa tương ứng với 9 môn thi thuộc 5 bài thi. Thí sinh sẽ làm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên luyện thi môn Hóa học (Hà Nội) cho hay: "Cấu trúc chung của đề thi minh họa năm nay vẫn tương đồng như 2 năm trước, gồm khoảng 90% các câu hỏi và bài tập thuộc kiến thức của chương trình lớp 12, chỉ 10% thuộc chương trình lớp 11. Không có các câu hỏi hay bài tập trong phạm vi kiến thức giảm tải đã được công bố trước đó. So sánh với những năm trước thì thấy cấu trúc chung của đề không thay đổi nhưng mức độ phân hóa của từng phần đề thi, từng nhóm câu hỏi có sự phân hóa sâu sắc hơn. Nếu đề thi chính thức tương đồng với đề tham khảo này thì phổ điểm thu được ở vùng 5-10 điểm sẽ khá đẹp, thuận lợi cho các trường đại học vẫn còn sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển”.
Nhận xét vềđề minh họa bài Ngữ văn, cô Đặng Huy Lam, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM), đề năm nay theo cấu trúc quen thuộc. Phần đọc hiểu khá dễ, chỉ ở mức thông hiểu, nhận biết. Còn phần nghị luận văn học được trích đoạn văn khá hay của nhà văn Kim Lân trong truyện “Vợ nhặt”. Tuy nhiên, cách đặt câu hỏi hơi thừa khi tách hai ý là phân tích nhân vật và nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn vì nó đã thể hiện trong bài phân tích của HS rồi. Riêng phần nghị luận xã hội đề cập vấn đề giữ gìn văn hóa truyền thống, góp phần giáo dục cho giới trẻ nhưng tiếc là đoạn trích không mới, không mang tính thời sự. “Nhìn chung, cách ra đề minh họa của Bộ Giáo dục - Đào tạo phần nào trấn an được tâm lý cho thầy và trò sau thời gian phải dạy, học trong điều kiện dịch bệnh vô cùng khó khăn vừa qua. Đề phù hợp với mục đích chính là xét tốt nghiệp và đáp ứng điều kiện học ở nhiều địa phương, còn việc xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay đã có nhiều phương thức tuyển sinh nên cũng giảm nhiều áp lực cho học sinh khi thi cử”, cô Lam nói. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn, nếu đề thi thật có độ khó tương đương như đề thi minh họa thì liệu mùa tuyển sinh năm nay có rơi vào tình trạng bội thu điểm cao chót vót như năm trước?
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên luyện thi môn Sinh học (Hà Nội) cũng chia sẻ: "Đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2022 về cơ bản vẫn giữ nguyên cấu trúc đề thi năm 2021, các phần kiến thức được giảm tải trong năm học không có trong đề tham khảo. Về mức độ phân hóa, đề tham khảo nhẹ nhàng hơn đề chính thức năm 2021, giảm nhẹ hơn về mặt tính toán, nhưng lại nâng cao hơn câu hỏi lý thuyết vận dụng, số câu tăng lên. Do tính chất kỳ thi với mục tiêu chủ yếu là xét tốt nghiệp nên khó mà có sự phân hóa cao hơn, đồng thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc học trong suốt năm học qua bị ảnh hưởng nên đề tham khảo không tăng về độ khó so với 2021. Tuy nhiên để giải quyết được trong 50 phút thì buộc các thí sinh phải chắc kiến thức đồng thời cần thêm các phương pháp giải nhanh, tức dùng Toán quá nhiều trong câu hỏi Sinh học, đây vẫn là hạn chế của đề thi tham khảo năm nay. Tôi mong rằng đề thi thật sẽ có sự thay đổi tích cực hơn để trở về đúng bản chất môn học”./.
“Đề thi tham khảo chỉ cho biết cấu trúc đề thi, chứ chưa cho biết độ khó của đề thi thật, thực sự chỉ có ý nghĩa với giáo viên ôn thi, từ đó các giáo viên đưa ra định hướng ôn tập cho học sinh. Học sinh không nên dùng đề tham khảo để đánh giá mức độ khó của đề thi thật dễ dẫn tới chủ quan trong ôn thi", thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên sinh |