Cần giáo dục và thực hành sự tử tế ngay từ đầu đời cho trẻ

Trong giáo dục, phải làm cho mỗi đứa trẻ biết xúc động, biết quan tâm, biết bày tỏ lòng biết ơn trước những gì làm nên quê hương, lịch sử, tình nghĩa con người.

 

Chiều 28/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”.

Đây là hội nghị quan trọng để triển khai Quyết định số 1895/QĐ-TTg nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, định hướng giải pháp, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030.

Theo Bộ GD-ĐT, thực tiễn triển khai Đề án 1501 đã khẳng định công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục đào tạo thế hệ trẻ, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư nguồn lực thích đáng, coi đó là đầu tư cho tương lai của đất nước và cần ưu tiên đầu tư trước.

Tham luận tại hội thảo, GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, để khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện nay, trước tiên cần giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, truyền thống đoàn kết, truyền thống đạo đức và văn hoá Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương tham luận tại hội nghị.

Đây là giải pháp đầu tiên, cơ bản và lâu dài nhằm làm cho thanh thiếu niên hiểu biết sâu sắc cội nguồn, biết quý trọng truyền thống, hiểu quá khứ lịch sử để từ đó hình thành tình cảm yêu nước, thương người, biết ơn công lao của các bậc tiền bối, tự giác ngộ trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc và nhân dân, có thái độ và hành động đúng đắn trong cuộc sống, chuẩn bị vào đời lập thân, lập nghiệp sao cho xứng đáng với những gì tốt đẹp nhất của lịch sử Việt Nam, giá trị Việt Nam và bản lĩnh Việt Nam.

GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh rằng, lòng yêu nước là điều cao cả thiêng liêng, là giá trị nổi bật, kết tinh trí tuệ, đạo đức, lẽ sống, khí phách, lương tâm, danh dự của con người và dân tộc mà việc giáo dục phải đặc biệt chú trọng nuôi dưỡng, phát huy cho lớp trẻ. Đây là khởi nguồn để hình thành nhân cách làm người. Cần phải dạy cho thế hệ trẻ, từ tuổi ấu thơ đến tuổi thanh niên tình yêu Tổ quốc, bắt đầu từ quê hương mình đến đất nước, dân tộc và con người, hội tụ trong hai tiếng Việt Nam.

"Giáo dục lòng yêu nước phải bắt đầu từ tuổi còn nhỏ, qua những trang sử, những truyền thuyết và huyền thoại, qua những sự kiện và nhân vật, những biến cố trong thời gian và không gian lịch sử đậm chất sử thi, anh hùng và bi tráng. Tri thức đo lường hiểu biết. Tình cảm làm nên tâm hồn và đạo đức. Niềm tin và đức tin dẫn dắt sự lựa chọn giá trị, lý tưởng sống. Hành động là thước đo sự biểu hiện giá trị, độ trưởng thành nhân cách của mỗi người.

Phải làm cho mỗi đứa trẻ biết xúc động, biết quan tâm, biết bày tỏ lòng biết ơn trước những gì làm nên quê hương, lịch sử, tình nghĩa con người. Không thờ ơ, dửng dưng, vô cảm, đó là điều đáng lo sợ nhất về sự lệch lạc nhân cách, là sự băng hoại của đạo đức. Tệ hại hơn, thái độ vô ơn là điều sỉ nhục đối với lương tâm, danh dự, phẩm giá con người. Nó bào mòn, huỷ hoại và đánh mất nhân tính.

Giáo dục và thực hành “sự tử tế”, bắt đầu từ những năm tháng đầu đời là sự chuẩn bị căn bản nhất của con người. Đó là điều thiện lớn nhất, có sức mạnh đề kháng cái ác, cái xấu, cái phi nhân tính”, GS.TS Hoàng Chí Bảo nói.

Để làm được điều này, GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, trong giáo dục, phải thấy hết giá trị, tầm vóc và ý nghĩa của môn Lịch sử, phải coi đó là nền tảng của giáo dục đạo đức, bổn phận, nghĩa vụ trách nhiệm chính trị và xã hội cho mỗi học sinh để lớn lên họ có lương tâm và biết trọng danh dự, phẩm giá, không biến dạng lệch lạc thành kẻ vô ơn, sự vô cảm trong tâm hồn.

Cũng theo GS Hoàng Chí Bảo, muốn có ý thức và khát vọng cống hiến phải biết đầu tư tình cảm đạo đức, từ thái độ trách nhiệm và nỗ lực vươn tới sáng tạo và có tài năng. Cần thực hiện hoạt động giáo dục này cả trong và ngoài nhà trường, tiếp nối liên tục bằng giáo dục của xã hội, trong môi trường xã hội lành mạnh, môi trường đạo đức và văn hoá. Phải tìm tòi để đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục sao cho có sức lôi cuốn, hấp dẫn, thuyết phục nhất đối với thanh thiếu niên.

GS.TS Hoàng Chí Bảo cũng cho rằng, cần khuyến khích, cổ vũ các tài năng trẻ, duy trì, nuôi dưỡng phong trào tuổi trẻ sáng tạo. Phải phát hiện kịp thời các nhân tài trẻ ở trong mọi lĩnh vực, nhất là trong khoa học và nghệ thuật; coi đó là tài nguyên phát triển đất nước. Tạo môi trường và dư luận xã hội để làm cho nhân tài trẻ xuất hiện và có đất dụng võ, giúp họ thực hiện khát vọng cống hiến. Đây cũng là giải pháp phát triển, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà Đảng ta đã đề ra.

Cuối cùng, theo GS Hoàng Chí Bảo, phải đề cao và thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, của cán bộ Đoàn, của người lớn, của những người có ảnh hưởng tới thế hệ trẻ (các trí thức chuyên gia, nhà lãnh đạo, nhà quản lý,…).

Cần tạo dựng lớp nhà giáo có năng lực, giàu khát vọng

Phát biểu tổng kết tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ về đức, trí, thể, mỹ là mục tiêu quan trọng của giáo dục Việt Nam. Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng, thế hệ trẻ càng cần được giáo dục toàn diện và phát triển nhân cách, có đạo đức, có ý thức, có trách nhiệm, có năng lực để thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao trong mọi công việc và trở thành những công dân Việt Nam tốt, công dân toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai rất nhiều công việc để đạt tới mục tiêu đó; và Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” là một trong các nội dung quan trọng mà Bộ đang triển khai một cách tập trung, toàn diện.

Bộ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp thật tốt với Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành, địa phương để triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong Chương trình 1895; nhằm đạt mục tiêu bồi dưỡng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.

Từ phương diện chuyên môn của ngành, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh việc triển khai giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khát vọng trong chính nhà trường; trong mỗi môn học, trong đó có môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Lý luận chính trị....; và trong quá trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông. Bộ trưởng đồng thời cho rằng, muốn tạo dựng được con người có khát vọng, chúng ta cần trường học đầy khát vọng; phải thông qua việc tạo dựng lớp nhà giáo có năng lực phẩm chất và giàu khát vọng./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận