Thầy cô 'chạy đua' công nghệ để không tụt hậu với trò

Ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới

 

Quang cảnh cuộc tọa đàm

Thầy cô vùng cao cũng mạnh dạn thay đổi phương pháp

Chương trình giáo dục phổ thông mới đang lần lượt được triển khai ở các lớp 1,2,3 cấp Tiểu học; 6,7 cấp THCS và lớp 10 cấp THPT. Bộ GD-ĐT đã thông qua Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp quá trình giảng dạy và học tập không bị đứt đoạn…

Gần ba năm qua, việc GV học tập trên hệ thống trực tuyến (LMS) đã đạt được mục tiêu kép vừa nâng cao năng lực chuyên môn cho GV phổ thông đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, vừa giúp cho GV nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Tại cuộc tọa đàm “Ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới”, cô Lương Thị Hồng, GV Trường Tiểu học Lê Lợi (buôn M’Hăng, xã Cư Huê, huyện EaKar, Đắk Lắk) cho biết: “Chương trình GDPT 2018 giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Việc tự bồi dưỡng trên hệ thống trực tuyến giúp cô và đồng nghiệp nâng cao nhiều năng lực như năng lực tổ chức dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; năng lực tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh. Nếu thời gian đầu còn chưa biết cách làm thế nào để vào được hệ thống, làm bài tập và cập nhật bài tập lên trực tuyến thì nay tôi đã không cần trợ giúp của đồng nghiệp dạy môn Tin học nữa”.

Cô Ngô Thị Thanh Phương, Tổ trưởng chuyên môn THCS Lê Hồng Phong (Tp Quy Nhơn, Bình Định) cho rằng: “Trong đại dịch Covid-19 , CNTT đã giúp quá trình giảng dạy và học tập không bị đứt đoạn và buộc GV phải nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức về CNTT. Tuy nhiên, để ứng dụng CNTT hiệu quả thì GV phải có trình độ chuyên môn vững vàng, tận dụng tối đa các thiết bị hiện đại của nhà trường”.

Là địa phương miền núi, cô giáo Dương Thị Hồng Minh, Trường Tiểu học &THCS Văn Minh (huyện Na Rì, Bắc Kạn) bày tỏ: “Do đặc trưng là vùng miền núi nên trình độ. CNTT của một số thầy cô lớn tuổi còn rất hạn chế, chỉ với thầy cô trẻ thì việc tiếp cận CNTT không quá khó. Đôi khi có một số khó khăn như đường truyền không ổn định, một số GV nhà xa phải xuống tận trường để học… Sau khi ứng dụng CNTT vào quá trình dạy học thì học sinh rất hứng thú, có thay đổi rõ rệt về kết quả học tập”.

Ứng dụng CNTT vào quá trình dạy học khiến học sinh rất hứng thú, có thay đổi rõ rệt về kết quả học tập

Nhu cầu tự thân và cấp thiết...

 

“Sau khi tham gia bồi dưỡng, tôi đã thay đổi phương pháp dạy học đó là trao quyền cho học sinh, chủ động cho học sinh hình thành các sản phẩm học tập, khiến học sinh hứng thú hơn trong học tập. Ứng dụng CNTT cũng linh hoạt hơn cho việc tham gia học tập của học sinh, các em đã phát huy được nhiều năng lực bản thân, rất hiệu quả…”. Thầy Trang Minh Thiên - Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ.

Không chỉ ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, các thầy cô đều cho rằng, thời gian đầu áp dụng CNTT, thầy cô đều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, với những nguồn tài liệu rộng mở của chương trình trực tuyến nên GV cố gắng thích ứng với nhu cầu thực tế. Chỉ cần có thiết bị thông minh là GV có thể chủ động học tập mọi lúc mọi nơi.

Cô Nguyễn Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng THPT Nguyễn Trãi (Thái Bình) bày tỏ: “Là một trường ở nông thôn nên điều kiện cơ sở vật chất chưa tốt lắm nhưng thầy cô đã vận dụng được CNTT vào việc quản trị nhà trường; mở rộng các tính năng của CNTT để thuận lợi trong việc liên hệ cha mẹ học sinh, tận dụng tối đa các phần mềm CNTT truyền tải kiến thức tới học sinh một cách tốt nhất. Chúng tôi đã bổ sung hệ thống thiết bị, hệ thống đường truyền internet để các thầy cô dạy trực tiếp và trực tuyến”. Cô Huệ cũng cho rằng, CNTT ngày càng phát triển, mở rộng hơn, đòi hỏi chúng ta phải học hỏi thường xuyên chứ không phải chỉ dừng lại ở mức độ nào đó. Ứng dụng CNTT được nâng cao hơn, thầy cô phải tự tìm tòi để làm sao cho việc giảng dạy hiệu quả. “Chính những đòi hỏi thực tiễn này buộc thầy cô thay đổi để đáp ứng việc giảng dạy. Bản thân thầy cô luôn tự đào tạo và trau dồi để có thể hướng dẫn học sinh, chứ không thể tụt hậu so với năng lực CNTT rất tốt ở học sinh thời nay”- cô Huệ nhấn mạnh.

Ở chiều ngược lại, với giảng viên sư phạm, thầy cô thông qua quá trình tương tác với các thầy cô ở bậc THPT, được chia sẻ những phương pháp quản trị nhà trường bằng CNTT. Sau quá trình tương tác với thầy cô thì bản thân giảng viên cũng được nâng cao hơn năng lực CNTT. Cùng với đó, mạng lưới của giảng viên sư phạm, cán bộ quản lý giáo dục trên toàn quốc có sự kết hợp rất chặt chẽ, có cơ hội được học hỏi nhau về chuyên môn, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn trong thực tế. TS Trần Thị Ngọc Oanh, Trưởng bộ môn khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Thái Nguyên nhìn nhận: “Chúng ta cần công nghệ trong lớp và trong tay mỗi học sinh cũng như GV, vì đây chính là bút và giấy trong thời đại chúng ta, công nghệ chính là ống kính mà qua đó chúng ta trải nghiệm phần lớn thế giới”…

TS. Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Chương trình ETEP cho biết: “Chúng ta thấy rõ được các hoạt động bồi dưỡng từ xa của ETEP năm vừa qua đã tạo ra hoạt động tích cực về ứng dụng CNTT của các thầy cô và nhà trường. Thấy được việc ứng dụng CNTT không chỉ còn là công việc tập huấn mà là nhu cầu tự thân của thầy cô trong công tác giảng dạy. Về giảng viên sư phạm, các thầy cô đã có những lợi ích và tác động trong quá trình phát triển học liệu, đó là điểm rất tích cực và hiệu quả từ chương trình. Năng lực của đội ngũ giảng viên sư phạm được nâng cao rõ rệt không chỉ trong bồi dưỡng GV mà cả trong đào tạo sinh viên sư phạm theo hướng gắn với đổi mới giáo dục phổ thông, với thực tiễn nhà trường…”./.

60/63 Sở GD-ĐT đã triển khai bồi dưỡng GV và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông

Đến nay, số lượng GV cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán hoàn thành 6 chương trình bồi dưỡng là 30.127, đạt 105.3% so với thoả thuận thực hiện Chương trình. Đội ngũ cốt cán đã hỗ trợ cho hơn 500.000 GV phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành 5 mô-đun bồi dưỡng, trong đó có trên 96% số lượng người học trên hệ thống trực tuyến hài lòng với chương trình bồi dưỡng cũng như phương thức bồi dưỡng có sử dụng CNTT.


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận