Tăng học phí lúc này, phụ huynh khó 'gánh' nổi

Thời điểm này, việc học phí tăng cùng với nhiều khoản tiền đầu năm học sẽ ảnh hưởng đến nhiều gia đình, thậm chí sẽ có học sinh phải bỏ học…

 

Đồng loạt học phí tăng, vì sao?

Những ngày qua, phụ huynh tại TP.HCM và Hà Nội vô cùng lo lắng khi nhận được thông tin mức học phí sẽ tăng gấp vài lần trong năm học tới. Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội vừa có dự thảo nghị quyết về việc quy định mức thu học phí với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026 để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 đang diễn ra. Theo nội dung dự thảo, các địa bàn ở Hà Nội được chia thành 4 vùng để xét thu học phí: Vùng 1 là các quận nội thành và các phường trên địa bàn thị xã Sơn Tây; Vùng 2 là các thị trấn thuộc các huyện ngoại thành; Vùng 3 là các xã thuộc thị xã Sơn Tây và các xã thuộc các huyện (trừ xã miền núi); Vùng 4 là các xã miền núi thuộc các huyện. Với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và 2 dự kiến là 300.000 đồng mỗi tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 50.000 - 200.000 đồng. Như vậy, học phí các cấp hầu như tăng gấp đôi năm ngoái, trừ bậc THPT vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng. (HS tiểu học công lập đã được miễn học phí theo Luật Giáo dục).

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, đến thời điểm này Hà Nội chưa quyết định về mức học phí các cấp học phổ thông năm học 2022-2023. Đây là việc sẽ phải cân nhắc thận trọng vì năm học trước dự định tăng học phí theo lộ trình đã vấp phải phản ứng của phụ huynh học sinh (HS). Trong khi năm 2021, tác động của dịch Covid-19 đến đời sống người dân lớn hơn năm 2020.

Trước đó, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng có văn bản góp ý dự thảo ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo. Theo đó, mức tăng học phí của TP.HCM dự kiến gấp 5 lần so với hiện tại. Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, cơ sở của đề xuất mức học phí mới là Nghị định 81 của Chính phủ (về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, ban hành ngày 27/8/2021). Trong 6 năm qua, TP đã không tăng học phí và mức học phí đề xuất tăng trong năm học 2022 - 2023 là mức thấp nhất theo Nghị định 81.

Nhiều gia đình sẽ khó khăn, HS có thể bỏ học

Trong khi 2 thành phố lớn đang đề xuất tăng học phí thì có những địa phương vẫn kiên trì với mục tiêu miễn giảm học phí cho các bậc học, xây dựng lộ trình miễn giảm học phí như: Hải Phòng, Đà Nẵng… Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, cho biết đơn vị chủ động tham mưu mức học phí theo hướng dẫn của trung ương để HĐND thành phố thông qua hằng năm và vẫn đề xuất việc hỗ trợ 100% học phí cho HS các cấp theo chủ trương đã được HĐND thông qua từ cuối năm 2019. Theo chủ trương này, năm học 2020 - 2021, HS mầm non và THCS ở Hải Phòng được miễn 100% học phí. Riêng HS THPT được hỗ trợ 100% học phí từ năm học 2021 - 2022. "Nghị quyết về hỗ trợ 100% học phí giúp giải quyết tốt chủ trương không để HS nào bị bỏ lại phía sau, không HS nào phải bỏ học", ông Bùi Văn Kiệm khẳng định.

Còn bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết căn cứ tình hình thực tế khó khăn chung sau dịch Covid-19, thành phố đã giao Sở GD-ĐT phối hợp với các sở ngành xây dựng lộ trình miễn giảm học phí cho HS. Trong năm học 2021-2022, Đà Nẵng đã hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, HS THCS, THPT trường công lập và ngoài công lập.

Có thể thấy, dịch bệnh bùng phát kéo dài khiến cuộc sống của nhiều gia đình ở TP.HCM khó khăn hơn. “Tôi nghĩ trước khi quyết định tăng học phí, HĐND TP.HCM nên khảo sát xem hơn 1 triệu gia đình có con đang học bậc mầm non, THCS, THPT trên địa bàn TP thì có bao nhiêu gia đình "chịu đựng" được mức học phí mới?" - cô H.V, giáo viên lớp 11 ở TP. HCM đề nghị.

Chia sẻ về việc này, anh Nguyễn Văn Dũng, phụ huynh có 2 con đang học THCS ở Hà Nội, cho rằng đi kèm với tăng học phí theo lộ trình, ngành giáo dục cần có giải pháp để giải quyết dứt điểm việc lạm thu tiền trường với nhiều khoản thu khác nhau thì sẽ dễ thuyết phục người dân hơn. Hơn nữa, hiện giá cả các mặt hàng khác cũng đang tăng, nên người dân vẫn cần được Nhà nước trợ giá học phí cho khu vực trường công ở thời điểm này.

Một chuyên gia giáo dục cảnh báo: “Cho dù không phải là mùa dịch thì việc tăng học phí cũng phải thận trọng chứ không thể đột ngột tăng một phát gấp vài lần như vậy. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, phổ cập giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhưng một số nơi lại tăng học phí kiểu như vậy phản giáo dục, nhất là khi đời sống người dân đang khó khăn. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì có nhiều nguồn thu khác để chia sẻ chứ không chỉ học phí, đâu phải tất cả đều đổ hết cho dân “gánh””

 

TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

“Mức tăng học phí tại các địa phương cần được cân nhắc cho phù hợp với sức chịu đựng của đa số người dân, điều này rất quan trọng. Học phí tác động tới hầu hết các gia đình, vì nhà nào cũng có con đi học nên cần cân nhắc kỹ tác động trước khi quyết định tăng học phí…”

Cần tính toán tác động để có lộ trình phù hợp

Mức tăng học phí cần được cân nhắc cho phù hợp với sức chịu đựng của đa số người dân.

Một vị hiệu trưởng tại quận nội thành TP.HCM đề xuất: "Thành phố cần tính toán hợp lý trước tác động tăng học phí lên HS và phụ huynh, cần có lộ trình tăng phù hợp, dễ thở hơn với phụ huynh. Học phí trường công sẽ kéo theo những mặt hàng khác tăng giá, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều gia đình hiện nay, nhất là khi dịch bệnh vừa diễn ra".

Ngay cả việc tăng giá sách giáo khoa vừa qua cũng không hợp lý khi chỉ dồn cho lứa HS đang chịu sự đổi mới “gánh” hết. Ở nhiều nước các nhà xuất bản phải chấp nhận chịu lỗ thời gian đầu, sau đó tăng dần dần những năm tiếp theo. TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam khuyến cáo: “Tăng học phí ở bậc học nào cũng cần phải có lộ trình, mức học phí phải tính trên cơ sở mức thu nhập trung bình của người dân. Còn nếu cứ tăng học phí cao, sức người dân không chịu được thì HS sẽ bỏ học ào ào - đó sẽ là thất bại của nền giáo dục…Theo tôi Nhà nước phải có sự chỉ đạo chung chứ không thể để địa phương muốn tăng thế nào thì tăng”.

Là người từng nhiều năm nghiên cứu giá cả, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng, học phí là loại dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước quản lý giá. Vì thế, trong bối cảnh cả xã hội vừa trải qua dịch Covid-19, thu nhập của người dân còn hạn chế thì không nên tăng học phí ở thời điểm này. Ngay cả việc tăng giá bán sách giáo khoa thời gian qua cũng cần các cơ quan quản lý vào cuộc làm rõ./.

 

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê)

Tác động của việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định 81 trong thời gian tới là rất lớn. Ước tính giá dịch vụ giáo dục (học phí và các khoản khác liên quan) điều chỉnh sẽ làm cho CPI bình quân cả nước năm 2022 tăng thêm khoảng 0,55 - 1,05%. Để giảm áp lực lạm phát, Tổng cục Thống kê đang kiến nghị Chính phủ nên giãn việc tăng học phí giữa các địa phương, các đợt điều chỉnh học phí có thể vào các tháng 8, 9, 10…

 
 “Sau đợt dịch bệnh tôi mới đi làm được vài tháng, tổng thu nhập của cả nhà hiện là 12 triệu đồng/tháng. Chỉ riêng tiền trường của 2 con đang học lớp 5 và lớp 6 mỗi tháng là 3.500.000 đồng. Nếu học phí tăng thì các khoản khác như: đồng phục, sách vở, dụng cụ học tập... cũng sẽ tăng theo. Liệu có thể hoãn tăng học phí ở thời điểm này không? Cô N.T.H, giáo viên một trường mầm non tư thục ở Hà Nội.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận