Cần xử nghiêm người có ý định đẩy 'sách ăn theo' SGK vào nhà trường để 'ăn hoa hồng'

Giá SGK mới cao hơn sách cũ từ 2-3 lần, nhưng đáng bàn hơn là nhiều đầu sách tham khảo, bài tập "ăn theo" bằng rất nhiều cách được đưa vào nhà trường vô tội vạ.

 

Những ngày gần đây vấn đề giá sách giáo khoa (SGK) mới theo chương trình GDPT 2018 tăng cao gấp 2-3 lần đang được nhiều phụ huynh, và học sinh quan tâm.

Giải trình về vấn đề giá SGK trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc giá sách tăng cao gấp nhiều lần so với SGK hiện hành do các bộ sách cũ thuộc chương trình 2016 được nhà nước bỏ tiền cho rất nhiều các khâu từ biên soạn, thẩm định. Còn hiện nay, các loại SGK mới được biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn, quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính. Như giá thành sách các bộ sách lớp 3, lớp 7, lớp 10 của NXB Giáo dục năm nay là giảm được từ 10-15% so với các sách tương ứng mới của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên. Như vậy nếu như so với sách của hệ thống cũ với sách mới sẽ thấy giá chênh lệch khác nhau. 

Ảnh minh họa.Nói về vấn đề giá SGK đang mới, thầy Hồ Anh Tuấn, Hiệu trưởng một trường phổ thông tại Nghệ An cho rằng, với những vùng kinh tế, xã hội bình thường, thì phụ huynh vẫn có thể chấp nhận mức giá SGK mới. Tuy nhiên điều đáng nói là “phần ăn theo” của SGK  bao gồm các loại sách bài tập, sách bổ trợ mới thực sự đáng bàn.

“Hiện nay phụ huynh cũng như các nhà trường rất khó kiểm soát việc chọn những sách "ăn theo" SGK, bằng rất nhiều cách thức các loại sách này được đưa vào nhà trường vô tội vạ, gây tốn kém, lãng phí rất nhiều. Như năm học 2021-2022, với lớp 6, nhà trường nhận được 1 danh sách rất dài các SGK và sách tham khảo gửi xuống, chúng tôi đã phải họp hội đồng chuyên môn, quyết định chỉ mua SGK và một số sách bài tập thiết yếu đi kèm, như vậy mỗi bộ đã khoảng 600.000 đồng. Nếu mua cả các sách tham khảo được gợi ý khác thì có thể lên đến tiền triệu”, thầy Hồ Anh Tuấn cho biết.

Vị hiệu trưởng đề nghị Bộ GD-ĐT cần kiểm soát, có hướng dẫn để giúp người dân phân biệt rõ đâu là SGK thiết yếu phải mua, đâu là những sách “ăn theo” không cần thiết, với những cá nhân, tổ chức ý định lợi dụng các loại sách “ăn theo” đẩy vào nhà trường để kiếm “hoa hồng” thì nhất thiết phải xử lý nghiêm.

“Công bằng mà nói, trước đây dư luận cũng đã từng lên tiếng về việc SGK có hình ảnh kém chất lượng, giấy xấu, không tạo hứng thú cho học sinh, do đó hiện nay các NXB cũng muốn nâng chất lượng sách ngang với mức sống hiện tại.

Song cũng cần nói rằng SGK là một mặt hàng đặc biệt, cần nằm trong sự kiểm soát của Chính phủ, có trợ giá. Việc trợ giá có thể áp dụng với từng đối tượng hoặc nhóm đối tượng để đảm bảo rằng dù có đắt đến mấy, cũng không có ai bị bỏ lại phía sau. Đầu năm học, cần giao cho chính quyền địa phương, các cấp ủy đảng phải lo cho được SGK cho toàn bộ học sinh. Hoặc tốt hơn nữa, mỗi thư viện trường học có thể được cấp một khoản  kinh phí nhất định mua sách dùng chung cho những học sinh không có điều kiện mua dùng rồi trả lại”, thầy Hồ Anh Tuấn kiến nghị.

Không thể "thả nổi" giá SGK

Một giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đồng quan điểm rằng, không thể để các NXB quyết định giá SGK bởi người làm kinh doanh luôn muốn đặt lợi nhuận lên đầu. Tại các nước tiên tiến trên thế giới cũng đang đi theo hướng một chương trình nhiều bộ SGK, tuy nhiên các NXB sẽ cạnh tranh cả về chất lượng, nội dung, hình thức lẫn giá cả để bán sách. Việt Nam cũng đang đi theo hướng này. Song thông thường, khi có sự cạnh tranh, thường sẽ giảm chi phí, còn giá SGK tại Việt Nam lại đang đi theo hướng ngược lại. Bởi vậy cần rà soát lại vấn đề giá SGK, có khung trần về giá sách và quy định các NXB không được phép vượt khỏi khung trần đã đưa ra.

Ví SGK thiết yếu như như gạo, xăng dầu, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) đồng quan điểm rằng nhà nước cần có sự quản lý giá cả, thậm chí cần bù lỗ nếu cần, chứ không thể thả nổi giá SGK cho doanh nghiệp./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận