Đại học tăng học phí: 'Cánh cửa' vào đại học của người nghèo bị thu hẹp'

Thực hiện cơ chế tự chủ và áp dụng khung mới, học phí năm học 2022-2023 ở các đại học tăng mạnh, trung bình 4-10 triệu đồng/năm.

 

Tự chủ để tăng học phí?

Cả nước có khoảng 240 cơ sở giáo dục đại học (ĐH). Từ năm 2014, 23 trường bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Từ tháng 7/2019, khi Luật Giáo dục ĐH sửa đổi được áp dụng, các trường dần thực hiện quyền tự chủ ĐH. Từ năm 2021, học phí ĐH từng tăng mạnh, nhiều trường có mức tăng gấp đôi.

Tại Hà Nội, đầu tháng 4, ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) công bố chỉ tiêu, phương thức và mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh 2022. Theo đó, học phí năm tới là 4,2 triệu đồng/tháng, mỗi năm sau tăng thêm 200.000 đồng/tháng. Tính toàn khóa, sinh viên nhập học năm 2022 cần nộp khoảng 180 triệu đồng trong bốn năm. So với mức đang được trường áp dụng trong năm học 2021-2022 là 3,5 triệu đồng/tháng, mức thu mới tăng 0,7-1,3 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20-37%. ĐH Y Hà Nội mới thông qua mức thu học phí đào tạo trình độ ĐH, sau ĐH cho năm học 2022 – 2023, trong đó có một số chuyên ngành đào tạo, học phí tăng trên 70% như các ngành Răng – Hàm – Mặt, khối ngành Y Dược; khối ngành Sức khỏe; ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến…

Tương tự, ở phía Nam, hàng loạt trường công bố đề án tuyển sinh với học phí tăng mạnh. ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến thu mức cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Các ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm. So với khi trường chưa tự chủ, mức thu này tăng gần ba lần.

Tại ĐH Bách khoa, sinh viên trúng tuyển chương trình đại trà sẽ đóng 25 triệu đồng/năm; các năm tiếp theo tăng lên 27,5-30 triệu đồng. Mức thu này tăng 2-3 triệu đồng so với năm ngoái. Với ĐH Công nghệ Thông tin TP HCM, học phí chương trình đại trà tăng theo lộ trình, ở mức 29 - 42 triệu đồng; chương trình tiên tiến, học phí theo lộ trình tương ứng 45-55 triệu đồng/năm; chương trình liên kết 80-138 triệu đồng.

     Học phí tại các trường ĐH: Sư phạm Kỹ thuật, Công nghiệp, Sài Gòn, Kinh tế TP HCM, Tôn Đức Thắng, Luật, Công nghiệp Thực phẩm... dự kiến đều tăng so với các năm trước, trung bình 3-10 triệu đồng/năm.

Theo lý giải của các trường, học phí tăng bởi các ĐH phải xây dựng khung mới, theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Cụ thể, theo khung quy định, học phí tất cả khối ngành năm 2022-2023 đều tăng so với năm trước, dao động từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm. Trong đó, khối Y dược, ngành sức khỏe khác tăng mạnh nhất với 4,2-10,2 triệu đồng/năm. Với trường công lập tự chủ, tùy mức độ học phí tối đa bằng 2-2,5 lần mức trần trên, tương ứng với khối ngành và từng năm học

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho rằng, tăng học phí ĐH là tất yếu bởi khi các trường thực hiện tự chủ hoàn toàn, không được hưởng ngân sách Nhà nước, phải có nguồn kinh phí bù lại phần hao hụt này, tăng học phí mới đảm bảo để trường có đủ kinh phí hoạt động. Thứ hai, học phí tăng nhằm bù đắp chi phí trượt giá và đầu tư, đảm bảo vận hành chương trình và chuẩn đầu ra.

Tuy nhiên tại một diễn đàn về Tự chủ ĐH nhiều ý kiến đã bày tỏ lo ngại sau khi tự chủ các trường sẽ chỉ chú trọng và quan tâm đến việc phải tăng nguồn thu từ học phí bằng mọi giá. Một chuyên gia giáo dục cho rằng, ở Việt Nam, tự chủ ĐH thường bị đánh đồng với tự chủ tài chính. Nhiều trường không có nguồn thu nào khác nên chỉ biết tăng thu học phí mà chất lượng lại chưa chắc tăng.

Gánh nặng dồn hết lên vai người học

Tăng học phí sẽ là gánh nặng cho mỗi gia đình vì ảnh hưởng của dịch bệnh quá nặng nề và dai dẳng. Em Tuấn Anh, sinh viên trường Y (quê ở Ninh Bình) lo lắng: “Hiện em đang học năm thứ 6 ĐH Y trong khi bố mẹ chỉ làm nông nghiệp. Thật sự với tình hình này chỉ mong học xong chứ chưa dám nghĩ tới đi học nội trú. Học phí của sinh viên trường Y cao hơn rất nhiều ngành học khác…”

Em Phương Chi, sinh viên đang học ở một trường ĐH tại Hà Nội, có bố mẹ làm công nhân lo ngại: “Học phí ngành học của em tăng lên 4,2 triệu/tháng, mỗi năm tăng 10%, kiểu này lấy tiền đâu ra mà học. Mỗi tháng chúng em phải chi ra ít nhất 7 - 8triệu gồm cả tiền học và sinh hoạt, trong khi lương công nhân của bố mẹ em chỉ tầm 5-7 triệu/tháng. Còn ở nông thôn thu nhập người cao cũng 4triệu/ tháng. Thu nhập không đủ để nuôi 1 người con học ĐH. Em thấy rất lo lắng!”. Một sinh viên khác so sánh, học phí ĐH ở Việt Nam “chat” quá, ở Pháp học phí trường công có mấy trăm euro gồm cả phí bảo hiểm. Ở Việt Nam học phí cả chục triệu, ra trường lương vài triệu. Thôi đành đi xúc hồ thôi, chứ học ĐH ra bố mẹ lại nuôi tiếp thì khổ.

Chị Kim Ngọc ở TP. HCM băn khoăn, học phí ngày một tăng, không biết chất lượng giảng dạy có tăng cho phù hợp với học phí hay ko? Phần lớn các trường ĐH dạy lý thuyết thì nhiều, thực hành quá ít. Chất lượng giảng dạy không phù hợp với học phí bỏ ra. Hầu hết các doanh nghiệp đều than rằng sinh viên mới ra trường không có kỹ năng làm việc. Vậy không hiểu trường dạy gì mà năm nào cũng tăng học phí?

Nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng cho rằng, khi các thí sinh đăng ký ngành nghề thì điều các em cần quan tâm nữa là học phí. Các em cần cân đối giữa điều kiện gia đình và mong muốn ngành, nghề, trường... của bản thân. Mọi thứ phải phù hợp bởi việc học là lâu dài, nếu biết học phí và lộ trình tăng học phí sẽ tránh việc đang học dở dang nhưng vì điều kiện khó khăn mà không thể tiếp tục học được.

Cần đảm bảo công bằng trong giáo dục

Làm sao vừa phải đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, vừa cân nhắc mức học phí để đảm bảo khả năng tiếp cận ĐH của người học là bài toán khó cần lời giải.

Theo lãnh đạo các trường ĐH, trường sẽ có chính sách hỗ trợ người học bằng nhiều cách để đảm bảo sinh viên khó khăn không phải nghỉ học do khó khăn tài chính. PGS TS Lê Trung Thành, Trường phòng Đào tạo, trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, song song với tăng học phí, trường sẽ chú trọng đến các chính sách học bổng, vay lãi suất thấp để hỗ trợ sinh viên. "Chúng tôi sẽ tích cực làm việc với các doanh nghiệp, đối tác để thu hút học bổng cho các em", ông Thành nói.

Ông Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, tự chủ ĐH sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc đầu tư cho đào tạo cũng phải tăng lên. Chúng ta phải chấp nhận điều đó. Song để cân đối việc nâng học phí thì cũng cần có những chính sách học bổng để hỗ trợ lại cho sinh viên nghèo, học giỏi, tạo ra sự công bằng trong giáo dục. Theo ông Thắng, sẽ rất khó đột phá nếu các trường chỉ dựa vào việc tăng học phí và “sống chủ yếu nhờ học phí”. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để nguồn tài chính của trường không “đặt hết lên vai người học”, cần phải có sự đa dạng hoá trong nguồn thu. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đưa trường đạt đẳng cấp quốc tế, các trường cần phải tìm kiếm các nguồn tài chính khác nhau như hợp tác doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, xin đầu tư từ Chính phủ…

Bên cạnh đó, nếu các trường tự chủ đưa ra mức học phí cao quá thì sẽ có hiện tượng sinh viên chạy sang các trường khác, hoặc đi du học, hoặc rẽ sang học Thực tế đã có trường rơi vào tình huống này là Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (thuộc ĐH Đà Nẵng), học phí cao quá nên người học ngay lập tức quay lưng, dẫn đến điểm đầu vào thấp, đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo…/. 

 

“Khi thực hiện tự chủ, nguồn tiền từ ngân sách không còn, các trường phải tính toán tất cả chi phí đào tạo để đưa ra mức học phí phù hợp. Tuy nhiên, nếu học phí cao quá thì chắc chắn sẽ đối diện nguy cơ… không có người học. Thực tế điều này đã diễn ra ở mùa tuyển sinh năm trước…”. PGS. TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM:

 

“Thí sinh nên tìm hiểu kỹ ngành nào cần thiết học ĐH còn ngành nào học được trung cấp hay cao đẳng thì chọn. Sau này muốn lên quản lí thì học liên thông, chứ học phí tăng chưa chắc chất lượng đã hơn trước. Vì thế, khi chọn ngành, cần cân đối giữa điều kiện gia đình và mong muốn của bản thân tránh đứt gánh giữa đường …”. Chị Hải Yến, một phụ huynh Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận