“Bịt lỗ hổng” thế nào?
Mới đây, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ GD-ĐT” liên quan đến vụ việc vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Trong khi đó, qua 1 năm Bộ GD-ĐT vẫn chưa có thông tin chính thức, đầy đủ về việc xử lý những cá nhân, tổ chức có liên quan.
Thời gian qua, các giáo viên, các chuyên gia đã chỉ ra lỗ hổng từ các khâu kiểm tra giám sát trong quá trình ra đề thi của Bộ này. Nhận định từ một giáo viên từng tham gia ra đề thi cho hay, có một số lỗ hổng mà có thể lợi dụng đề vi phạm có thể bắt đầu từ khâu xây dựng ngân hàng câu hỏi thi. Đó là xây dựng ngân hàng câu hỏi thi không theo đúng quy trình (các bước làm ngân hàng câu hỏi để cho một người biết tất cả, nếu mỗi người chỉ biết vài câu sẽ không có nguy cơ lộ ngân hàng); việc giám sát và cách tổ chức không nghiêm ngặt theo đúng quy chế, để người làm ngân hàng câu hỏi có thể lấy được câu hỏi ra khỏi khu vực ngân hàng. Đối với khâu ra đề thi, việc kiểm tra các điều kiện để làm đề thi từ ngân hàng câu hỏi, phần mềm hỗ trợ làm đề thi không nghiêm túc, đúng quy trình; rút chưa ngẫu nhiên các câu hỏi trong ngân hàng; đặc biệt không tinh chỉnh từng câu một theo quy chế, nếu tinh chỉnh sẽ không thể lộ có chuyện lộ, lọt đề. Ngoài ra, không ít chuyên gia cho rằng, kẽ hở còn ở chỗ thiết kế việc ra đề thi hoàn toàn phụ thuộc vào một số người cố định, được điều tham gia làm đề thi nhiều năm liên tục và cũng là người biên soạn, biên tập các câu hỏi trắc nghiệm để tạo ra nguồn đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các chuyên gia đề nghị Bộ GD-ĐT cần rà soát quy trình làm đề thi ở tất cả các môn thi để xem có sơ suất, sai sót ở khâu nào còn để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện, bởi kỳ thi này ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu học sinh...
Sau vụ lùm xùm đề thi môn Sinh, Bộ GD-ĐT thừa nhận có kẽ hở trong quy trình làm đề thi để cho một số cá nhân lợi dụng. Năm 2022, Bộ đã đưa ra một số giải pháp để bịt các lỗ hổng này. Mới đây, đại diện Bộ khẳng định, đã rà soát, điều chỉnh các khâu có liên quan, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, hướng tới mục tiêu các kỳ thi được triển khai chặt chẽ, hiệu quả, an toàn.
Tuy nhiên, vụ đề thi môn Sinh rõ ràng không phải là vụ tiêu cực đầu tiên liên quan đến thi cử, trước đó đã có vụ án lớn về thi THPT xảy ra tại một số tỉnh. Đáng lo ngại, hàng loạt sai phạm trong vấn đề thi cử và để lại những hậu quả nghiêm trọng, nhưng sau đó vẫn tiếp tục xảy ra..
Đại biểu Quốc Hội Nguyễn Thị Việt Nga: Không truy tận cùng gốc rễ, sẽ tiếp tục có sai phạm
Chúng ta cần phải nhìn nhận lại đó là xem các chế tài đã đủ mạnh chưa;cần xem lại toàn bộ quy trình và phương pháp quản lý. Nếu không làm đến cùng, truy ra gốc rễ vấn đề, chúng ta chỉ có thể xử lý được “phần ngọn” nghĩa là phát hiện sai phạm thì xử lý vụ việc. Như thế, dù có xử lý bao nhiêu sai phạm đi nữa, tôi tin rằng sẽ không xử được hết những vi phạm và vẫn còn lỗ hổng cho những sai phạm sau len lỏi, hình thành. Hàng rào bảo vệ có vững chắc thì chúng ta mới có thể ngăn chặn.
|
Đề thi cần tăng độ phân hóa, tránh tình trạng 30 điểm vẫn trượt
Năm nay tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các trường tốp đầu cũng khó tổ chức những kỳ thi đánh giá riêng theo nguyên tắc tự chủ tuyển sinh được. Vì vậy phần lớn các trường, đặc biệt trong khối khoa học sức khỏe vẫn sử dụng chủ yếu kết quả kỳ thi THPT làm phương thức tuyển sinh chính. Chính việc này các trường kiến nghị đề thi tốt nghiệp THPT 2022 cần có tính phân hóa cao hơn, giúp các trường lựa chọn thí sinh có năng lực phù hợp vào học.
PGS.TS Lê Đình Tùng, trưởng phòng quản lý đào tạo đại học Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng: "Thực tế hai năm qua cho thấy tính phân hóa của đề thi THPT chưa rõ. Do vậy chúng tôi kiến nghị Bộ nâng độ khó của 30% câu hỏi trong đề thi để phân loại rõ ràng, cụ thể hơn thí sinh có học lực từ khá trở lên, từ đó giảm áp lực xã hội tránh tình trạng điểm chuẩn một số ngành quá cao. Còn lại 70% số câu hỏi trong đề thi mức độ trung bình, để tất cả học sinh trung bình suốt thời gian qua học trong điều kiện dịch bệnh có thể tốt nghiệp được".
Tương tự, TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng: "Điều quan trọng cần điều chỉnh là độ phân hóa đề thi chứ không phải độ khó. Một đề thi tốt là đề có thể phân loại rõ ràng sức học của học sinh từ trung bình đến xuất sắc thông qua mức điểm đạt được. Nếu đề thi chỉ toàn đạt 7 điểm trở xuống hoặc phần lớn 9, 10 điểm là không phân hóa được”. Theo TS Tấn Hạ, dù bất cứ hình thức học nào thì đề thi phải đánh giá được chất lượng người học trung bình, khá, giỏi. Đặc biệt, trong tuyển sinh, đề thi phải có độ phân hóa tốt mới có thể thuận lợi trong việc xác định điểm trúng tuyển và chọn được người học phù hợp".
Một giáo viên tại trường THPT tại Hà Nội cho rằng, một đề thi mà hàng chục nghìn học sinh giỏi và xuất sắc cạnh tranh nhau một khoảng điểm rất hẹp là 0,5 -0,75 điểm thì làm sao có sự phân hóa, chưa nói đến yếu tố may mắn. Những năm trước thi vào ngành y, bách khoa điểm chuẩn chỉ từ 15-19 điểm nhưng giờ 30 điểm - điểm tuyệt đối mà vẫn trượt là kỳ thi có vấn đề rồi. Còn thí sinh Nguyễn Hoàng Hà kiến nghị, đề thi nên sắp xếp tuần tự câu hỏi từ dễ đến khó, trong đó những câu cuối đặc biệt khó để ai thật sự giỏi mới xứng đáng được điểm 9 - 10, sẽ hợp lý hơn việc tạo ra các cơn mưa điểm 10 trong những kỳ thi trước đây.
Mới đây, ông Lê Minh Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho hay, công tác chuẩn bị đề thi đã được chuẩn bị kỹ càng. Cụ thể, cơ quan này đã thực hiện rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 các năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022 sẽ không đưa vào đề thi năm nay. “Đầu tháng 6/2022, chúng tôi đã cơ bản bảo đảm cả về số lượng, chất lượng để phục vụ công tác đề thi; thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu, nhất là khâu lựa chọn và nhập dữ liệu câu hỏi vào ngân hàng câu hỏi thi,” ông Phong khẳng định. Từ bài học về những bất cập xảy ra với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trong kế hoạch xây dựng ngân hàng câu hỏi thi năm nay, Bộ yêu cầu phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân giữa các khâu: xây dựng, quản lý ngân hàng câu hỏi thi, biên soạn, biên tập, thẩm định, định cỡ, lựa chọn và nhập liệu câu hỏi thi.Trong đó ở các khâu lựa chọn, nhập liệu câu hỏi vào ngân hàng câu hỏi thi được tăng cường biện pháp bảo mật.../.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (Đại học Nông lâm TP.HCM): Tỷ lệ phân hóa phù hợp, tránh tình trạng 30 điểm vẫn rớt
Thực tế tuyển sinh, khi đề dễ thí sinh đạt điểm cao và ngược lại đề khó phổ điểm thấp nên đề dễ hay khó không quan trọng. Không phải điều chỉnh độ khó của toàn bộ đề thi mà đề phải có tỷ lệ câu hỏi phân hóa phù hợp, tránh tình trạng thí sinh 29 - 30 điểm vẫn rớt đại học. Đề thi phân hóa tốt sẽ là cơ sở để các trường đại học xét tuyển tốt nhất.
|
Lê Minh Phong (Bộ GD-ĐT): Phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân
Bộ GD-ĐT hoàn thiện hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm khách quan, bảo mật để thực hiện các khâu soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia Hội đồng ra đề thi. Đồng thời, hoàn thiện, nâng cấp phần mềm hỗ trợ quản lý, tổ chức thi và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức thi; tổ chức kiểm tra thử phần mềm hỗ trợ ra đề thi…
|