Hàng trăm đầu sách tham khảo
Trên trang web của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) cũng công bố Danh mục sách tham khảo (STK) dùng trong thư viện trường học do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành năm 2021 bao gồm 476 tên sách, tạp chí, băng đĩa được sắp xếp theo cấp- lớp học. Năm 2022, Danh mục STK tháng 3/2022 do NXBGDVN phát hành bao gồm 98 đầu sách. Thống kê cho thấy, tổng số đầu STKcủa bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông dùng cho thư viện trường học của NXBGDVN là hơn 700 đầu sách.
Năm học 2019-2020 chỉ riêng bậc tiểu học đã lên đến 409 đầu STK. Một vấn đề được đặt ra là Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc tiểu học quy định thời lượng giáo dục thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút. Riêng học sinh lớp 1 năm vừa qua, một số giáo viên cho biết, đến cuối năm học vẫn rất nhiều em chưa thể đọc thông, viết thạo. Vậy, các em có thể đọc hàng chồng STKnhư thế nào?
Cô N.M, một giáo viên ở Hà Nội cho biết: “Bản thân mình từng là giáo viên, mình cũng thấy việc thay sách liên tục rất lãng phí. Thực ra nội dung cốt lõi ở sách mới và sách cũ không khác biệt nhiều. Trong khi đó nhiệm vụ của giáo viên là soạn bài, là cập nhật những kiến thức mới trong SGK. Chính những yếu tố mới đó làm cho bài học hấp dẫn hơn. Hoặc giáo viên sẽ giao cho học sinh tìm hiểu thêm thông tin về chủ đề mới, kích thích sự sáng tạo, ham học hỏi của học sinh. Học sinh hiện nay đa số từ nhỏ đã thành thạo sử dụng internet, chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào SGK và STK như trước nữa…”.
Anh Nguyễn Văn Định, một phụ huynh ở Hải Phòng cũng cho biết: “Sau mỗi năm học tôi lại bảo con gom hết sách mang đi bán giấy vụn. Mặc dù cả chục cuốn còn mới toanh vì chưa dùng đến nhưng năm nào cũng phải mua nguyên bộ. Anh học xong mà em kế sát luôn cũng không dùng lại sách được. Quá lãng phí tiền của người dân và xã hội! Vấn đề này lâu nay ai cũng thấy, cũng biết nhưng vì sao vẫn làm?. Ai được lợi từ đây, nhóm lợi ích nào đang tồn tại?. Theo tôi phải giải quyết rốt ráo thì mới minh bạch thị trường SGK, STK”.
101 kiểu ép trá hình
Năm học 2022-2023, chương trình phổ thông mới được triển khai ở các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Với chủ trương "một chương trình, nhiều bộ SGK", các địa phương, nhà trường có nhiều lựa chọn những đầu SGK phù hợp nhất trong các bộ sách.Tuy nhiên, với phụ huynh việc có nhiều đầu sách và mỗi môn lại học một đầu sách thuộc các nhà xuất bản khác nhau khiến họ như đi trong "ma trận" và không còn cách nào khác là lựa chọn mua theo tư vấn của nhà trường. Dù theo thông báo của các nhà xuất bản, giá niêm yết các bộ SGK mới chỉ dao động từ khoảng 180 – 310 nghìn đồng/bộ (chưa bao gồm sách bài tập, STKvà sách tiếng Anh). Nhưng thực tế, số tiền phụ huynh phải bỏ ra gấp đôi, gấp ba lần so với giá niêm yết vì các trường thường đóng danh mục SGK có kèm theo các STK, sách bài tập.
Theo thông báo của Trường Tiểu học Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội), giá bộ sách lớp 4 là 664.200 đồng, gồm 27 đầu mục (cả sách bổ trợ, sách tham khảo, thiết bị, đồ dùng học tập).Cũng lớp 4 nhưng danh mục các loại sách ở Trường Tiểu học Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội chỉ 17 cuốn với tổng số 235.000 đồng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết thông báo của trường chỉ ghi chung là "sách", không rõ STK, SGK. Trên thực tế, học sinh lớp 4 không cần học nhiều sách đến thế.Một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai gửi danh sách 20 đầu SGK và STK lớp 4 để phụ huynh đăng ký mua cho con. Dù không bắt buộc phải mua trọn bộ 20 đầu sách nhưng không thể biết đâu là sách cần thiết nên phụ huynh đành đăng ký mua hết.
Anh Nguyễn Đức (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết:“Không vận động nhưng nhà trường đưa các con thời khoá biểu môn ABC nào đó hoặc giáo viên yêu cầu làm bài tập trong STKthì phụ huynh phải mua thôi. Nhà tôi 1 cháu lớp 5 tiền SGK gần 700 ngàn, 1 cháu lớp 3 tiền SGK cũng gần 600 ngàn. Với những gia đìnhcó mức thu nhập trung bình, những gia đình thôn quê là cả vấn đề. Nghĩ mà thấy tiếc số tiền mỗi năm mua sách của hàng chục triệu gia đình. Dù Bộ chỉ đạo cấm đưa STK, nhưngquan trọng là bên dưới thực hiện như thế nào mới là vấn đề đáng bàn”.
Trường con tôi không vận động phụ huynh mua STK cho con mà đưa luôn một danh sách các loại sách vở, đồ dùng học tập cho phụ huynh ký vào đó, bắt buộc phải mua hết. Năm học lớp 1 con tôi mua sách có 2 cuốn tham khảo nhưng cô lại cấm mang đến lớp. Muốn ngăn chặn vấn nạn này phải quy rõ trách nhiệm đối với các bên liên quan…”. Chị Nguyễn Hồng Ngọc, một phụ huynh ở Hà Nội |
Lên danh mục sách bắt buộc và cấm bán STK trong trường
Một chuyên gia giáo dục cho hay, kênh phát hành SGK phổ biến của các nhà xuất bản hiện nay là theo đường hành chính qua các cơ quan quản lý giáo dục xuống các nhà trường theo danh mục sách kê khai sẵn gồm cả SGK và STK.Ngoài ra, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, cửa hàng sách đóng sẵn theo bộ mà không bán lẻ cũng khiến cha mẹ học sinh phải mua cả SGK kèm STK. Nguyên nhân của tình trạng này là hoa hồng phát hành khá cao. Một số cơ quan quản lý cũng chỉ đạo việc phát hành sách theo danh mục do các công ty phát hành sách đưa ra mà không có sự kiểm soát dẫn đến việc lập lờ giữa SGK và STK.
Để ngăn chặn bất cập trên, một giảng viên đại học đãđưa ra giải pháp, ngành giáo dục và các cơ quan quản lý nhà nước cần quy định cấm việc kê khai phát hành STKkèm SGK trong cùng một danh mục, cũng như quy trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu trong việc phát hành SGK trong trường học.Vấn đề này không chỉ thu hút các phụ huynh trong nước mà cả phụ huynh là người Việt ở nước ngoài. Còn nickname Petit Prince cũng cho biết: “Tôi học ở Nga từ phổ thông đến đại học, tất cả các loại SGK đều được nhà trường phát hết. Cứ đến đầu kỳ mang thẻ học sinh, thẻ sinh viên đến thư viện nhận sách. Khi nhận mình kiểm tra chất lượng sách. Cuối kỳ mang trả lại, nhân viên thư viện kiểm tra sách nếu quyển nào mình làm hỏng thì phải mua quyển khác đền vào. Nhiều quyển đã cũ nhưng sạch sẽ thì vẫn dùng được. Đơn giản và tiết kiệm vậy mà sao nước ta không làm được?”.
Câu chuyện SGK, STK cũng đã trở thành đề tài “nóng” thu hút nhiều ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn Quốc hội. Liên quan đến STK, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 02/6/2022, ông Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nhấn mạnh, rất nhiều nhà giáo dục kinh nghiệm trên thế giới đã chỉ ra rằng, STKchỉ dùng cho các thầy cô giáo để phong phú bài giảng của mình. Còn học sinh tiểu học không cần có STK.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng thẳng thắn cho rằng, số lượng đầu sách cho học sinh, kể cả học sinh tiểu học là quá nhiều. Nhiều cuốn mang tính chất tham khảo nhưng vì không có sự hướng dẫn nên nhiều phụ huynh không rõ phải lựa chọn đầu sách nào. Chính vì vậy, đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát và tinh giản số đầu SGK theo hướng thống kê danh mục SGK bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài số buộc phải có, số còn lại học sinh có thể chọn lựa mua hoặc không mua tùy nhu cầu./.
“STK là nguồn lợi rất lớn cho nhà xuất bản. Do đó, cần hạn chế tối đa loại hình sách này, đồng thời nói rõ cho người dân hiểu STKkhông cần phải mua. Học sinh tiểu học không cần phải có STKvà nên cấm bán STK trong nhà trường dưới mọi hình thức...”.Ông Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định
|
“Ở Pháp, SGK là do nhà trường cho học sinh mượn, nếu học sinh làm hỏng sách phải đền cho nhà trường. Đất nước họ giàu có nhưng rất tiết kiệm. Việc làm này có 2 ý nghĩa: một là rèn cho học sinh tính cẩn thận, biết tiết kiệm; hai là tiết kiệm tiền cho từng gia đình học sinh, không lãng phi ngân sách của quốc gia”.Nickname Lehoa |