Năm thứ 3 Chương trình giáo dục PT mới: Vẫn loay hoay giải bài toán thiếu giáo viên

Chương trình GDPT mới đi vào thực tế năm thứ 3 nhưng vẫn thiếu gần 95.000 giáo viên. Giải bài toán này ra sao khi năm học mới cận kề?

 

Nhiều trường không thể tổ chức dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật

Mốc thời gian để chuẩn bị kế hoạch đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) là khi Nghị quyết 88 của Quốc hội ra đời, năm 2014. Nó được đánh dấu bằng sự kiện bản Chương trình GDPT mới được ban hành năm 2018. Sau 8 năm chuẩn bị, 2 năm đi vào thực tế, ngành giáo dục vẫn thiếu gần 95.000 giáo viên (GV). Trong đó, cơ bản là thiếu GV các môn mới được đưa vào giảng dạy như Tin học, Ngoại ngữ ở cấp tiểu học; Tích hợp ở cấp THCS; Mỹ thuật, Âm nhạc ở cấp THPT. Hiện hơn 2.800 trường THPT trên cả nước vẫn chưa có GV nghệ thuật, trong khi việc triển khai chương trình mới ở lớp 10 năm học 2022 - 2023 đang cận kề. Năm học 2022 - 2023, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung 27.850 biên chế cho viên chức giáo dục, ưu tiên đầu tiên cho khối mầm non và khu vực đô thị. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, có 10 địa phương thiếu GV nhiều nhất là Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Thái Nguyên, TP.HCM, Vĩnh Phúc. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không giải quyết kịp thời tình trạng trên thì chắc chắn chất lượng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho hay, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, 7, 10 từ năm học 2022 - 2023, nguồn tuyển rất khó khăn, tỉnh thiếu GV Tin học, tiếng Anh ở Tiểu học; cấp THPT thiếu GV Âm nhạc, Mỹ thuật. Trừ 3 trường phổ thông liên cấp, còn lại 43/46 trường THPT của tỉnh này chưa có GV Âm nhạc, Mỹ thuật. Tình trạng này cũng diễn ra tại các tỉnh Quảng Trị, An Giang, Vĩnh Long và nhiều địa phương khác. Còn một vị Hiệu trưởng của một trường THPT ở huyện Đoan Hùng, Phú Thọ lo lắng khi môn Nghệ thuật gồm Âm nhạc và Mỹ thuật lần đầu xuất hiện trong chương trình lớp 10. Do những năm trước không dạy môn này nên trường không có GV biên chế. Trước năm học mới, nếu không tuyển GV nghệ thuật, trường có thể không đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Tuy nhiên, nếu tuyển GV mà trò không chọn học thì thầy cô sẽ không có việc làm. Để không xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ, trường xây dựng 6 tổ hợp cho học sinh lựa chọn dựa trên số lượng GV đang có. Các tổ hợp được xây dựng theo hướng tập trung vào nhóm Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật), sau đó chọn thêm Tin học hoặc Công nghệ. Giai đoạn đầu triển khai, trường chưa dạy hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Những năm sau, dựa vào hướng dẫn của Sở và Bộ, trường dần bổ sung GV trong các nhóm còn thiếu để mở rộng các tổ hợp, giúp học sinh có nhiều lựa chọn hơn.

Cũng ở trong tình trạng trên, 88 trường THPT trên địa bàn Thanh Hóa vẫn chưa có GV nghệ thuật khi năm học mới cận kề. Bà Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết: “Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, sở đã ban hành công văn hướng dẫn các trường THPT tìm nguồn các sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường chưa được tuyển dụng. Đấu mối với Phòng giáo dục tìm hiểu trên địa bàn có những GV dạy THCS, tiểu học đủ điều kiện dạy THPT hợp đồng dạy. Sở cũng đấu nối với Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị UBND tỉnh giao chỉ tiêu tuyển dụng GV 2 bộ môn này trong năm học tới.

Năm học 2022-2023, HS khối 10 trên cả nước sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình. Thay vì học 13 môn bắt buộc như chương trình hiện hành, chương trình mới ở cấp THPT sẽ có 8 môn học và hoạt động bắt buộc. Bên cạnh đó, học sinh tự chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn: Khoa học xã hội; Khoa học tự nhiên; Công nghệ và Nghệ thuật. Riêng trong nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật có 2 môn học mới là Âm nhạc và Mỹ thuật.

Loay hoay tìm lời giải

Để giải quyết tình trạng trên, một số địa phương như Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Bình... đưa ra những giải pháp tạm thời luân chuyển GV ở bậc THCS lên dạy THPT, hoặc có chế độ để GV kiêm nhiệm dạy 2 cấp, chia sẻ nguồn GV trong cùng địa bàn (cụm trường, quận, huyện). Cũng có ý kiến cho rằng, với môn đặc thù như Nghệ thuật, hay Mỹ thuật ở trường không có GV, giải pháp trước mắt học sinh sẽ đi học ở nơi khác rồi mang kết quả về trường phổ thông cũng phải chấp nhận.

Thậm chí, do không có GV nên nhiều trường quyết định không tổ chức dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật trong năm học 2022-2023. Thực tế tại một số trường, bộ môn nghệ thuật hoàn toàn vắng bóng trong năm học này. Tại Trường THPT Hiệp Bình (TP Thủ Đức), Hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Anh cho biết, do trường không có GV đủ điều kiện chuyên môn cho môn âm nhạc và mỹ thuật nên tạm thời năm học này, trường không triển khai. Thay vào đó, trường sẽ dạy cho học sinh (HS) các môn như công nghệ, tin học. Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), thực hiện chương trình mới, trường có đến 9 tổ hợp môn để HS lựa chọn. Trong đó có 6 tổ hợp khối khoa học tự nhiên và 3 tổ hợp khối khoa học xã hội. Trong các môn tự chọn, ở nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật, trường chỉ tổ chức dạy hai môn công nghệ và tin học, hai môn trong môn nghệ thuật hoàn toàn không có ở bất kỳ tổ hợp nào. Lý do vì đội ngũ GV của trường không có chuyên môn dạy âm nhạc và mỹ thuật cho khối 10 nên không thể triển khai.

PGS. TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cho biết, trong số môn mới có những môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật HS ít chọn, hơn nữa vừa triển khai đào tạo nên xảy ra tình trạng thiếu GV. Cho nên giải pháp trước mắt là phải đào tạo tiếp đội ngũ đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc văn bằng hai để đủ điều kiện giảng dạy. Trong khi đó, GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, các môn như Sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh các trường sư phạm xưa nay vẫn đào tạo nên không thiếu nhân lực. Nhưng tuyển sinh của những ngành Âm nhạc, Mỹ thuật không dễ vì với chương trình 2006, chỉ tiêu biên chế ít, nên thí sinh lựa chọn không nhiều.

Theo một chuyên gia giáo dục lâu năm cho rằng, mỗi lần đổi mới, ngành giáo dục đều “vừa chạy vừa xếp hàng” không chỉ đối với vấn đề GV mà còn cả cơ sở vật chất. Chuyện thiếu GV không chỉ là trách nhiệm riêng ngành giáo dục. Ông phân tích, nếu trường học chưa tuyển GV thì các trường ĐH chưa mở mã ngành đào tạo, địa phương cũng không cấp kinh phí để đào tạo; chưa có môn học, ngành Nội vụ cũng chưa cho các trường học tuyển GV. Do đó, khi chương trình đi vào thực tế, GV các môn học mới được đào tạo, tuyển dụng nên dẫn đến tình trạng “con gà quả trứng” như hiện nay./.

 
“Chúng tôi đã liên hệ với các đơn vị đào tạo mở lớp bồi dưỡng. Sở cũng hướng dẫn các đơn vị khối THPT liên hệ với Phòng GD-ĐT các quận, huyện để cùng chia sẻ GV. Tuy nhiên, việc thực hiện bộ môn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất thiếu nhân sự, hơn nữa trường phải có cơ sở vật chất và trang thiết bị. Do đó, một số trường chưa đủ điều kiện thì hiện nay từng bước xây dựng kế hoạch để triển khai trong những năm học kế tiếp. Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị để tạo nguồn cho những năm học tiếp theo…”. Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
 
Đây là năm đầu tiên HS lớp 10 thực hiện lựa chọn tổ hợp môn theo chương trình mới - một việc chưa có tiền lệ, do đó, Sở GD-ĐT cần chỉ đạo sát sao. Với một số kiến nghị của địa phương liên quan tới thiếu GV, cơ sở vật chất Bộ GD-ĐT đang có những bước triển khai thực hiện và tham mưu, phối hợp thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn về thiếu GV cho địa phương, đồng thời đang tiếp tục rà soát để làm sao cơ chế chính sách tạo thuận lợi nhất cho GV…” Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận