Nhiều thách thức trước thềm năm học mới

Làm sao đủ có trường lớp, đảm bảo số lượng cũng như chất lượng giáo viên để đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục- là bài toán khiến nhiều địa phương "đau đầu".

 

  Thiếu trường lớp, thiếu giáo viên...

Theo bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương, chuẩn bị năm học mới, Bình Dương tăng 11 trường, trong đó có 10 trường mầm non tư thục và 1 trường THCS. Dự kiến năm học tới sẽ tăng 29.000 học sinh (HS), tập trung ở các địa bàn có nhiều KCN. Nhiều địa bàn của tỉnh Bình Dương có số HS/lớp vượt cao so với quy định; nhiều trường phải giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học, đặc biệt nhiều trường phải dạy học 1 buổi/ngày ngay cả với lớp 1. Điều này ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đáng lưu ý, theo bà Hằng thời gian gần đây giáo viên (GV) ở Bình Dương nghỉ việc nhiều, các cấp học mầm non, tiểu học của tỉnh này hiện thiếu nhiều GV so với quy định. Thống kê từ tháng 1/2021 – 4/2022, toàn ngành có 527 GV nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân là do lương của GV chưa trang trải được cuộc sống. Bà Hằng nhấn mạnh tình trạng thiếu GV là một thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Đội ngũ công chức, viên chức hiện có 20.044 người, nếu so với số HS của năm học tới thì số GV thiếu là trên 3.000. Ngành GD-ĐT tỉnh đã tham mưu lãnh đạo tỉnh thực hiện tuyển dụng theo phân cấp quản lý, tiếp tục ký hợp đồng với viên chức, nhân viên còn thiếu sau khi tuyển dụng; tiếp tục thực hiện phân công GV dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng để khắc phục tình trạng thiếu GV.

Còn ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng đề xuất Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan có quy định đặc thù cho Hà Nội về tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia, tính diện tích sàn/HS thay vì tính diện tích đất/HS, với lý do nhiều địa bàn chịu áp lực rất lớn về nhu cầu học của HS, đặc biệt khu vực nội thành. Mong muốn của Hà Nội là được phép nâng cao tầng trong khối xây dựng, được sử dụng các tầng hầm, dựa trên các nguyên tắc đảm bảo an toàn cho HS, bố trí HS học ở các tầng thấp, cán bộ GV làm việc trên các tầng cao.

Ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng cho biết: “Đến thời điểm này, Nghệ An đang thiếu khoảng 8.000 GV. Năm qua chúng tôi được bổ sung hơn 2.000 GV, như vậy đến năm học tới vẫn còn thiếu trên dưới 6.000 GV. Đây là điều rất khó khăn khi đảm bảo hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, rất cần có cơ chế, chính sách đặc thù”. Ông Long đề xuất Bộ GD-ĐT, Chính phủ ban hành chính sách để đảm bảo số lượng, chất lượng GV đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục...

Thiếu giáo viên sẽ khó đảm bảo hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới

... thiếu dân chủ trong quyết định nhân sự nhà trường

Tại Hội nghị tổng kết năm học cũ, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2022-2023 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, một khó khăn mà ai cũng nhìn thấy của ngành GD-ĐT là ngành này không được quyết định cho việc đảm bảo cho điều kiện chất lượng giáo dục, đó là trường lớp và biên chế. Trong khi đó ngành phải đề ra các yêu cầu là có đủ giáo viên, có đủ trường lớp… “Nhưng giải quyết yêu cầu này thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không quyết được”, Phó Thủ tướng nói, đồng thời nêu quan điểm: “Chúng ta nói rất nhiều từ các năm trước khi đi khảo sát, đó là hiện tượng mất dân chủ trong cơ sở giáo dục. Cái này tôi đề nghị các bộ, ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm chứ không chỉ ngành GD-ĐT.Ví dụ, bây giờ khi tuyển giáo viên, nếu tập thể của trường đó có tiếng nói quyết định, chứ không phải tiếng nói của ông chủ tịch quận, huyện là quyết định, thì lúc đó mới là dân chủ”. Từ lâu nay, thiếu dân chủ cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thừa, thiếu cục bộ GV.

Một số giáo viên cũng cho biết, hiện nay quyết định phân công GV ở bậc TH,THCS là do chủ tịch quận (huyện) trên cơ sở đề xuất của Trưởng phòng Nội vụ, chứ không phải do trường chọn, nên chuyện thừa/thiếu cục bộ là điều đương nhiên. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền cấp huyện chỉ nên tham gia vào cơ sở trường lớp, không được can thiệp vào nhân sự của nhà trường vì họ đâu có biết gì về chất lượng giáo viên và sự điều chuyển này là cần thiết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu ngành GD-ĐT phải rà soát lại và chủ động đề xuất các cơ chế về học phí, về thực hiện “tự chủ” để có thể tự quyết định, tự lo lương cho giáo viên để có thể giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, để nhà nước bù khoản chi lương biên chế ấy cho các vùng nông thôn.Phải làm sao cho đủ giáo viên, đủ trường lớp, để học sinh được học 2 buổi mỗi ngày. Làm sao để không còn sĩ số 60 học sinh/lớp mà phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ. Nhiệm kỳ trước chúng ta đã làm được một việc là Bộ GD-ĐT nắm về số lượng giáo viên, bây giờ phải tiếp tục nắm về cơ sở vật chất. Làm sao cơ sở dữ liệu của Bộ phải có đủ từng địa bàn, từng xã có bao nhiêu lớp, bao nhiêu trường đáp ứng chỗ học của bao nhiêu cháu.Như vậy mới biết chỗ nào thừa, chỗ nào thiếu và mới định hướng quy hoạch…

“Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới có những môn mới đưa vào giảng dạy như môn nghệ thuật, GV còn hạn chế, rất mong Chính phủ, Bộ Nội vụ có chính sách đặc thù để thu hút, đào tạo GV cho môn học này nhằm đáp ứng nhu cầu về GV cho chương trình”.Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐTtỉnh Bình Dương

Phải nhìn thẳng vào yếu kém mới có câu trả lời

Cũng tại Hội nghị này, trước những khó khăn, bất cập mà các địa phương nêu, Phó Thủ tướngVũ Đức Đam cho rằng, có một loạt câu hỏi mà ngành GD-ĐT phải nhìn thẳng vào yếu kém của mình mới có câu trả lời. “Tại sao chúng ta cứ loay hoay với chuyện thi cử, không chỉ là thi tốt nghiệp THPT, mà cả chuyện kiểm tra đánh giá, hệ lụy của nó là dạy thêm học thêm, loạn sách tham khảo?”... Câu trả lời rất đơn giản, vì chúng ta chưa thực sự trung thực!”. Theo Phó Thủ tướng, sở dĩ nhiều năm nay phải khổ sở với câu chuyện tuyển sinh đại học nhưng mãi vẫn không đạt được như các nước phát triển là bởi giáo dục Việt Nam chưa trung thực. Vì vậy không thể đánh giá khách quan, không thể mở cửa trường ĐH cho người học vào thoải mái và siết chặt đầu ra.

Thực tế từ góc độ đánh giá ở bậc phổ thông và kết quả thi tốt nghiệp THPT với 9 môn năm nay cho thấy có độ vênh nhất định. Đặc biệt có môn thi còn chênh tới hơn 4 điểm. Thậm chí có địa phương có môn học điểm trung bình học bạ đứng đầu nhưng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT lại áp chót hoặc điểm thi đứng đội sổ nhưng điểm học bạ lại nhảy lên top đầu.

TS. Lê Viết Khuyến,Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng cho rằng, sựkhông trung thực trong giáo dục thể hiện rõ nhất ở bệnh thành tích. Ngành giáo dục có nhiều mặt tốt nhưng những yếu kém phải được chấp nhận, tiếp thu nghiêm túc.Còn về việc đòi bỏ kỳ thi tốt nghiệp, bắt chước theo các nước, Việt Nam chưa làm được. Ông phân tích thêm, hiện nay, ở cấp phổ thông của Việt Nam chưa có cơ chế kiểm định. Trong khi đó, trên thế giới, nếu không có kiểm định giáo dục phổ thông thì không có nước nào liều lĩnh thả nổi cho các trường ĐH xét tuyển theo hình thức “đánh trống ghi danh”. Nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT trong khi cơ chế tuyển sinh chưa có, bệnh thành tích vẫn tồn tại thì đó là sự “hy sinh” chất lượng của cả hệ thống đào tạo 12 năm./.

 
 “Tới đây Bộ GD-ĐT phải làm được bước đột phá đầu tiên là thực sự quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước. Phải làm sao để Bộ lo đúng vấn đề chuyên môn, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, để điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được nâng lên nhanh hơn và bền vững hơn nữa. Tinh thần cốt lõi của đổi mới quản lý nhà nước trong GD-ĐT là phải đảm bảo dân chủ trong trường học, huy động được không chỉ chính quyền mà cả cộng đồng tham gia vào xây dựng môi trường nhà trường thật sự văn hóa, dân chủ…”.Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận