Mục tiêu là chống độc quyền
Khi thực hiện một chương trình chuẩn quốc gia với nhiều bộ SGK Bộ GD-ĐT đã chưa chuẩn bị chủ động để có những biện pháp nhằm hạn chế rủi ro, hay thách thức sẽ xảy ra khi thực hiện chủ trương xã hội hóa SGK. Sự khắc nghiệt của thị trường xã hội hóa và mục tiêu sống còn của các doanh nghiệp là lãi suất cao. Bộ chưa thay đổi tư duy, chuyển từ quản lý một chương trình, một bộ sách sang một chương trình chuẩn quốc gia với nhiều bộ SGK…
Một trong những mục tiêu cần đạt được của chủ trương xã hội hóa SGK là chống độc quyền, huy động đông đảo nhà khoa học, doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng, phát hành các bộ SGK khác nhau. Nhưng hiện tại, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn là đơn vị chiếm thị phần chủ yếu bán SGK. Giá SGK chao đảo, quá cao không thuyết phục được thị trường. NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT, tuy SGK được xã hội hóa nhưng toàn bộ cơ sở vật chất từ nhà xưởng đến máy móc, trang thiết bị, nhân lực đều do Nhà nước trả lương, đầu tư. Vậy tại sao giá SGK của NXB này vẫn cao tương đương với NXB khác không được hỗ trợ?
Bộ GD-ĐT với vai trò quản lý vẫn không thể buộc NXB Giáo dục Việt Nam tính đúng, tính đủ để giảm giá SGK mà phải đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ người học. Phải chăng Bộ GD-ĐT đang “vừa đá bóng”, “vừa thổi còi”?
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn ký quyết định cảnh cáo ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam. Theo thông tin ban đầu, ông Thái được xác định có khuyết điểm trong chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, biên soạn, phát hành SGK mới… Trước đó, tháng 12/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT nhiệm kỳ 2016-2021 có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc; công tác tổ chức cán bộ; tham mưu xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách; biên soạn SGK; đầu tư công…
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Bộ GD-ĐT thực hiện được nghị quyết của Quốc hội phải có một bộ SGK của Nhà nước thì không chỉ định hướng được nhiều nội dung đổi mới giáo dục chuẩn mà còn xác định giá một bộ SGK tối đa là bao nhiêu. Như thế không thể hiểu là sẽ mất ý nghĩa của xã hội hóa SGK mà đây chính là thực hiện nguyên tắc xã hội hóa SGK phải là từng phần, không được hoàn toàn thả nổi và cần phải kết hợp giữa Nhà nước và các doanh nghiệp khi sản xuất và phát hành SGK.
Gốc của vấn đề là khâu giá SGK
Có thể nói thời gian qua, SGK liên tục tăng giá khiến phụ huynh càng thêm gánh nặng trước thềm năm học mới. Trong khi đó, nhiều nhà xuất bản – đơn vị biên soạn, phát hành SGK lãi lớn. Quyết định giá bán từng cuốn SGK dựa trên bảng kê giá của doanh nghiệp là các NXB và biên bản thẩm định giá của Bộ Tài chính. Cách làm như vậy không thuyết phục, gây ra nhiều tranh luận gay gắt trong thời gian qua.
Trước thực tế trên, năm học 2022 – 2023, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với Bộ GD-ĐT thực hiện tiếp nhận kê khai giá SGK và có văn bản đề nghị các đơn vị rà soát và triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, một số chi phí như chi phí quản lý, chi phí quảng bá sách, lợi nhuận... nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng.
Theo Bộ Tài chính, đến nay, các đơn vị đã kê khai điều chỉnh giảm giá SGK, mức giảm phổ biến trong khoảng từ 5 - 15% tùy từng cuốn sách. Cùng với đó, Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Luật Giá sửa đổi và đã đưa SGKvào danh mục hàng hóa nhà nước định giá.
Vừa qua, trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về học phí phổ thông và SGK, về phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua SGK phổ thông cho học sinh mượn sử dụng, Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thống nhất trình Chính phủ kịp thời triển khai từ năm học 2022 - 2023. Kết luận này dựa trên đề xuất của Bộ GD-ĐT tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội… về giá SGK hồi cuối tháng 6.
Chị Thu Hoa, một phụ huynh ở TP.HCM cho rằng: Đây là cách làm hay, các trường nên mở thư viện thu mua giá rẻ lại SGK đã sử dụng của học sinh. Như vậy thư viện sẽ có đủ hết các bộ sách, và các em chỉ cần vào đó để lựa chọn sách. Tuy nhiên sách phải có độ ổn định, nếu không phải đổi sách suốt ngày thì không cần ngân sách, hoàn toàn có thể xin sách cũ từ anh chị, họ hàng như trước đây. Còn bây giờ con chúng tôi phải học sách mới của trường bán, nếu mua ngoài sẽ bị doạ không chịu trách nhiệm nếu không mua đúng.
Nếu được mượn sách của trường, chi phí đầu năm học của nhiều phụ huynh sẽ được giảm, nhiều trẻ em sẽ được đến trường hơn vì chi phí thấp. Vấn đề này cũng thu hút ý kiến của nhiều phụ huynh trên cộng đồng mạng, nick name haindlilama lại cho rằng, sáng kiến này khó khả thi, lý do như sau: Thứ nhất, SGK hiện tại có nhiều phiên bản khác nhau và "cải cách" thường xuyên hàng năm nên những bản trong thư viện sẽ sớm bị lỗi thời và không tái sử dụng được. Thứ hai, hầu hết người dân không khó khăn đến mức không đủ tiền cho con mua một bộ sách đúng chuẩn (một bộ sách duy nhất; không có quá nhiều những sách phụ trợ hướng dẫn đính kèm...). Cũng theo nick name này, giải pháp lâu dài vẫn là Bộ GD-ĐT tập trung các nhà giáo ưu tú, kết hợp với các tài liệu nước ngoài để soạn ra một bộ sách chuẩn đối với mỗi lớp và thống nhất sử dụng trên cả nước. Để tăng sự cạnh tranh và giảm giá thành, Nhà nước nên miễn phí bản quyền và cho phép các NXB in và phổ biến sách giáo khoa.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, giải pháp trên chỉ mang tính tình thế và chưa giải quyết được ngọn nguồn của vấn đề giá SGK đang cao như hiện nay. Chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, cho hay, dù dùng ngân sách quốc gia mua SGK cho học sinh mượn hay Nhà nước định giá SGK thì vẫn phụ thuộc vào gốc của vấn đề là khâu giá SGK. Khâu tiên quyết ở đây vẫn là giảm giá sách tối đa có thể./.
“Bộ GD-ĐT mua bản quyền các bộ sách sau đó miễn phí bản quyền cho tất cả các cá nhân tổ chức. Ohụ huynh và học sinh có thể lựa chọn tự in hoặc mua của một nhà cung cấp bất kỳ có giá cả phù hợp với chất lượng giấy in, mực in. Từ đó giải quyết được việc bán sách phù hợp với nhu cầu thị trường và giá cả cũng cạnh tranh theo thị trường. Bộ và các trường chỉ kiểm soát chất lượng của các bộ SGK và chọn lựa bộ sách phù hợp cho công tác giảng dạy, không tác động được vào việc xác định giá cả cũng như lựa chọn nhà cung cấp. Như vậy sẽ không có tiêu cực với các NXB cũng như ở các trường học, quan trọng nhất của Bộ GD-ĐT là kiểm định chất lượng của các bộ sách để mua bản quyền..”, anh Hải Cường (Hà Nội)
|
Nếu thực hiện được việc dùng ngân sách mua SGK đưa vào thư viện các trường sẽ rất tốt. Tuy nhiên, chỉ nên hỗ trợ các trường miền núi, vùng khó khăn và các trường hợp học sinh con em gia đình thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn ở các trường học khác, không phải áp dụng cho tất cả học sinh. Khi có chủ trương chung, việc thực hiện mua SGK đổ vào thư viện sẽ thuận lợi. Đầu năm học, các em sẽ mượn các bộ sách để học, có ý thức giữ gìn sách vở cuối năm trả lại thư viện nhà trường...”. Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị
|
“Chúng tôi đã từng nêu nhiều giải pháp về chủ quan và khách quan có thể giảm được giá SGK. Trước hết cơ quan quản lý nhà nước về in và phát hành SGK vẫn có thể yêu cầu giảm số đầu SGK, không nhất thiết tất cả các môn học hoặc hoạt động giáo dục đều cần có SGK. Sách hướng dẫn cho giáo viên vẫn được coi là SGK vì thế các môn học như Thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Đạo đức, Nghệ thuật… chỉ cần có sách cho giáo viên là đủ”, ông Đặng Tự Ân |