Để liên kết đào tạo quốc tế đạt chất lượng: Cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt

Năm 2020 Việt Nam có hơn 600 chương trình liên kết, trong đó 200 chương trình bị tạm dừng hoạt động. Để có cái nhìn tổng quát về thực trạng liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam, Báo TNVN đã có cuộc trao đổi với TS. Đoàn Thị Thanh Hương, Trưởng bộ môn Quản trị kinh doanh của Viện Quản trị kinh doanh và Công nghệ thuộc Đại học FPT.

 

Thưa bà, bà đánh giá thế nào về xu hướng liên kết đại học quốc tế hiện nay ở Việt Nam?

Theo đánh giá của tôi thì xu hướng hiện nay liên kết giữa đại học Việt Nam với đại học nước ngoài đó là xu hướng tất yếu. Bởi trong quá trình hội nhập, các học viên ở Việt Nam ngoài cơ hội học trong nước thì sẽ được học hỏi rất nhiều kinh nghiệm cũng như là kiến thức của các chuyên gia hay là các thầy cô giáo, giáo sư từ nước ngoài. Tuy nhiên, có một thực tế là bên cạnh những trường thực sự quan tâm đến chất lượng thì vẫn có không ít những chương trình mang danh liên kết mà không đem lại hiệu quả thực chất. Nhiều chương trình học viên học nhưng không được công nhận ở trong và ngoài nước.

Theo bà nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên?

Nguyên nhân lớn nhất đó là ngay từ đầu khi trường liên kết với nước ngoài đã không đánh giá cẩn thận về trường, đối tác mà mình định liên kết có đạt được tiêu chuẩn hay không. Cái thứ hai là triết lý giáo dục của trường đó phù hợp với triết lý giáo dục của Việt Nam hay không? Thêm nữa là, những kiến thức hay những chương trình đó có phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo hay không?.

ẢNH: Viện Quản trị kinh doanh và Công nghệ cung cấp

Ví dụ tại Đại học FPT, khi chúng tôi chọn đối tác liên kết thì việc đầu tiên là những trường đấy phải được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể như trường đại học Đại học Leeds Beckett (Anh) khi mà chúng tôi lựa chọn là đối tác để hợp tác trong chương trình cao học cho học viên thì việc đầu tiên là chúng tôi sẽ xem xét trường đó là phải nằm trong tốp bao nhiêu, ít nhất là cũng phải nằm trong tốp 1000 các trường đại học nổi tiếng trên thế giới và được các tổ chức giáo dục đánh giá. Và thứ hai nữa là khi mà chúng tôi chọn đối tác để mở cao khoa học quản trị kinh doanh thì những cái trường đấy cũng phải là những trường nổi tiếng về đào tạo chuyên ngành quản trị kinh doanh. Thứ ba là phải phù hợp với triết lý giáo dục của Đại học FPT, tức là đảm bảo cả hợp tác và cạnh tranh và thứ tư nữa là phải phù hợp với cả phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam để học viên sau khi học chương trình này sẽ giúp ích tốt nhất cho họ trong công việc, đời sống... Quan trọng nữa là trường này phải được Bộ Giáo dục Đào tạo công nhận tại lãnh thổ Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 192.000 sinh viên Việt Nam đang học tại nước ngoài và số lượng sinh viên quốc tế đến Việt Nam đã tăng lên 10% trong 5 năm gần đây. Tuy số chương trình liên kết đào tạo quốc tế tăng lên nhưng kèm theo đó là nhiều băn khoăn về đảm bảo chất lượng. Năm 2020 tại Việt Nam đã có hơn 600 chương trình liên kết, trong đó 200 chương trình bị tạm dừng hoạt động.

Vậy để cho các chương trình liên kết đại học quốc thực sự đạt được chất lượng, cơ quan quản lý cần phải làm gì thưa bà?

Để có những chương trình liên kết giữa đại học Việt Nam và đại học quốc tế thực sự đạt chất lượng thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn. Cần đưa ra các tiêu chuẩn đủ điều kiện liên kết cao hơn như đánh giá kiểm định quốc tế, hoặc kiểm tra, phê duyệt chương trình liên kết. Và các tiêu chuẩn này phải được sự đánh giá từ các đơn vị có thương hiệu, uy tín về đánh giá kiểm định đại học quốc tế. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tham gia phê duyệt và kiểm tra các nội dung mà chương trình liên kết đấy dạy như thế nào, có phù hợp với kinh tế, chính trị cũng như áp dụng được cho thực tế tại Việt Nam hay không?

ẢNH: Viện Quản trị kinh doanh và Công nghệ cung cấp

Từ thực tế đào tạo liên kết, theo bà việc tổ chức được một chương trình đào tạo liên kết có thực sự dễ dàng không?

Điều này thật sự là không dễ dàng. Đại học FPT đã liên kết với trên 50 trường đại học nổi tiếng trên thế giới và thuộc các quốc gia khác, các châu lục khác nhau từ Mỹ đến châu Âu đến các nước ở trong châu Á. Nhưng chúng tôi bao giờ cũng mất cả một quá trình, thậm chí 2 -3 năm để hai bên cùng hợp tác, cùng trao đổi kinh nghiệm, cùng học hỏi nhau xem chương trình như thế nào, những điều kiện nào để xúc tiến và có bàn bạc với nhau rất rõ. Ví dụ như là Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) hay là Đại học Công nghệ Swinburne là các chương trình liên kết hiện nay đang hoạt động rất là tốt ở Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài đang có những hạn chế khi có đến 62,71% cơ sở giáo dục đại học đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới (theo bảng xếp hạng QS Ranking và THE năm 2021); 6,21% cơ sở xếp hạng 1.000+. Số cơ sở đối tác trong nhóm xếp hạng 501-1.000, nhóm 301-500, nhóm 100-299, mỗi nhóm chiếm trên 9%. Bên cạnh đó, chất lượng tuyển sinh đầu vào môn ngoại ngữ thấp.

Bà có lời khuyên gì cho các phụ huynh và học sinh khi lựa chọn các chương trình liên kết?

Đối với phụ huynh khi cho con đi học phải hiểu con mình mong muốn gì và chương trình lựa chọn có phù hợp với nguyện vọng và mong muốn của con mình không. Thứ hai là phải đi tìm hiểu các chương trình liên kết, đối tác là ai, những trường đấy có nổi tiếng hay không, được xếp thứ hạng gì? Thứ ba là hỏi các cựu học sinh của những trường đấy xem cuộc sống hiện tại của họ có thành công hay không, họ có những kinh nghiệm gì? Thứ tư là phải phù hợp với thu nhập của gia đình để không phải lo lắng quá nhiều về kinh tế. Thứ năm là xem ngành nghề đấy có thích hợp với con mình hay không, đây là điều cực kỳ quan trọng.

Xin cảm ơn bà!

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận