Cuộc sống khó khăn khi bị kỳ thị, phân biệt đối xử...
Theo Bộ Y tế, ước tính có khoảng 480.000 người chuyển giới tại Việt Nam, song con số thực tế cao hơn rất nhiều bởi đa số giấu kín, chưa công khai. Người chuyển giới phải đối mặt với sự kỳ thị, định kiến, phân biệt đối xử trên nhiều bình diện như dịch vụ y tế, xin việc làm và thủ tục hành chính…
Trong Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đề xuất người chuyển giới (NCG) nam được công nhận mà mang thai, sinh con thì hưởng chế độ thai sản theo quy định pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội. Họ cũng được bảo đảm quyền kết hôn theo giới tính mới sau khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính; được bảo đảm các quyền khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật...Thực tế, đã có một số trường hợp NCG nam sinh con thành công. Cũng theo dự thảo Luật chuyển đổi giới tính, NCG không bắt buộc phải thực hiện can thiệp y học, việc thực hiện can thiệp là hoàn toàn tự nguyện.
Tại Tọa đàm “Kinh nghiệm quốc tế và tham vấn dự thảo luật chuyển đổi giới tính” do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ, chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng tổ chức, bà Phạm Thị Hảo, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ: “Ngoài quyền được tự nguyện can thiệp y học, NCG không bị bắt buộc phải triệt sản khi phẫu thuật bộ phận sinh dục, trừ trường hợp tự nguyện”. Ở Việt Nam hiện nay, để được cho phép chuyển giới, họ phải được bác sĩ của các bệnh viện theo chỉ định như: Chợ Rẫy, Bạch Mai, Nhi đồng... khám, xác định là cấu trúc cơ thể đặc thù của người chuyển giới, ví dụ ngoại hình nam nhưng có tử cung, hoặc nam có âm đạo. Những trường hợp này sẽ được bác sĩ tư vấn để chọn bản giới thật phù hợp với từng cá nhân và tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Sau chuyển giới thành công và có xác nhận của bác sĩ, họ được phép tiến hành các thủ tục sửa đổi thông tin cá nhân trên khai sinh và các giấy tờ tùy thân khác cho phù hợp bản giới đã thay đổi. Tuy nhiên, hầu hết NCG tại Việt Nam tự ý sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới, nên khi về nước mặc dù ngoại hình giới tính thay đổi nhưng không thể sửa đổi thông tin cá nhân trên giấy tờ tùy thân. Điều này dẫn tới thực tế ngoại hình một người là nam/nữ nhưng giới tính trên giấy tờ là nữ/nam.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, những năm qua, Việt Nam đã có một số bước tiến trong việc bảo đảm các quyền của người chuyển giới, đồng tính... Cụ thể, năm 2014, Luật Hôn nhân và Gia đình được sửa đổi, trong đó bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Năm 2015, Bộ luật Dân sự được sửa đổi, trong đó bỏ quy định cấm phẫu thuật chuyển đổi giới tính với những người đã hoàn thiện về mặt giới tính, đồng thời hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính…Theo Điều 37- chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật Dân sự và luật khác có liên quan. Từ 01/01/2017, Việt Nam cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính nhưng theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, chưa có quy định cụ thể là cá nhân nào được thực hiện chuyển đổi giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào được phép thực hiện chuyển đổi giới tính, quy trình chuyển đổi giới tính như thế nào, thủ tục công nhận để thay đổi giấy tờ hộ tịch ra sao… nên việc công nhận đối với người chuyển đổi giới tính chưa được triển khai trong thực tiễn.
Chị H, một NCG nữ, chia sẻ: “Chỉ vì thông tin trên giấy tờ của mình là nam cho nên mình bị mất đi cơ hội rất nhiều, bây giờ muốn làm một công việc bình thường như làm văn phòng hoặc làm online cũng không ai gọi, tới gặp trực tiếp nhà tuyển dụng người ta đều từ chối...”. Tại tọa đàm, ông Chu Thanh Hà, người chuyển giới nam, cũng là sáng lập viên của tổ chức IT’S T TIME (một tổ chức cộng đồng của NCG), cho biết, NCG và đa dạng giới gặp rất nhiều rào cản trong cuộc sống hằng ngày. Đơn cử trong việc đổi tên, tiếp cận dịch vụ y tế. “Rất nhiều trường hợp thừa nhận rằng nhân viên y tế có thái độ cợt nhả, thiếu tế nhị và thiếu tôn trọng. Số lượng bệnh viện thân thiện với NCG rất ít” – ông Chu Thanh Hà nói, đồng thời khuyến nghị, cần thực hiện các đánh giá nhu cầu và khảo sát cơ sở về nhu cầu sức khỏe, trải nghiệm thăm khám sức khỏe của NCG.
Cần có khung pháp lý cụ thể cho người chuyển giới
“Tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế trong việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính. Điều này thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo Việt Nam, phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo nguyên tắc “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Chương trình nghị sự 2030 về các Mục tiêu phát triển bền vững...”. Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam
|
Trước đây, trong lĩnh vực hình sự, các loại tội phạm tình dục của người đồng tính chưa được điều chỉnh một cách cụ thể trong các quy định của pháp luật. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những thay đổi nhất định đối với các quy định về tội phạm tình dục khi đề cập đến người đồng tính cũng như công tác xét xử đối với tội phạm tình dục hiện nay. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có quy định người bị tạm giữ, tạm giam là người đồng tính, chuyển giới có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng…
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong việc xoá bỏ kỳ thị đối với cộng đồng NCG. Tuy nhiên, do chưa có khung pháp lý cụ thể về việc chuyển đổi giới tính, NCG Việt Nam vẫn phải đi ra nước ngoài hoặc tới các cơ sở khám, chữa bệnh bất hợp pháp để thực hiện can thiệp y tế, gây ra nhiều hệ luỵ sức khoẻ.
Trên thế giới, nhiều nước đã ban hành Luật Chuyển đổi giới tính. Theo bà Lương Oanh, Cán bộ chương trình UN Women Việt Nam, Pakistan đã bãi bỏ thông lệ kiểm tra y tế như một điều kiện để được công nhận giới tính hợp pháp. Na Uy đã bác bỏ cả chẩn đoán tâm thần và đánh giá tâm lý vì “bản thân mong muốn thay đổi giới tính pháp lý không nên là lý do để nghi ngờ về sức khỏe tâm thần của người đó”.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Dự luật Chuyển đổi giới tính cần quan tâm đến 2 vấn đề: “Thứ nhất, nghiên cứu, bổ sung quy định hỗ trợ về tâm sinh lý đối với nhóm trẻ dưới 16 tuổi có bản dạng giới khác với giới tính khi sinh để giúp các em phòng tránh các hậu quả tiêu cực có thể có do tình trạng “bức bối giới”, “phiền muộn giới” mang lại. Thứ hai, nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội... Đồng thời, bổ sung quy định về nguyên tắc và nội dung phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện luật để bảo đảm tính khả thi và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp điển hóa các quyền hiến định và các cam kết quốc tế...”
Hiện Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính của Việt Nam đang ở giai đoạn xây dựng Hồ sơ đề nghị Dự án Luật. Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế đã có Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính trình Chính phủ kèm theo hồ sơ đề nghị Dự án Luật. Hiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ và báo cáo tại Phiên họp thường trực Chính phủ tháng 8. Trong năm nay, Bộ Y tế tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến./.
“...Có 39,4% người tham gia phỏng vấn cho biết họ đã từng tìm cách tự tử. Nỗi sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử cũng cản trở NCG tìm kiếm thông tin, dịch vụ liên quan tới chăm sóc sức khỏe khi họ có bệnh. 86,7% NCG nam và 75% NCG nữ bị bắt thay đổi diện mạo bên ngoài; 47,3% NCG nam và 60,6% NCG nữ bị bắt nạt tại trường học. 18% NCG sống chung với HIV và giang mai, 4% chưa từng xét nghiệm HIV, 42% cho biết có mức độ trầm cảm cao...”. Ông Chu Thanh Hà nêu. |