Vì sao, đỗ nguyện vọng 1 không nhập học
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính từ ngày 18 đến 25/9, hơn 80% thí sinh (TS) trúng tuyển đợt 1 đã xác nhận nhập học lên hệ thống tuyển sinh chung và các trường đại học. Hạn cuối trước 17h ngày 30/9. Nhiều trường cho biết, chỉ còn vài ngày đến hạn chót nhưng số TS trúng tuyển làm thủ tục nhập học mới đạt 70-80%, thậm chí có những ngành học chỉ đạt 50-60%.
Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng trên? TS Thu Quỳnh (Hà Nam) cho biết, em đỗ cả 3 nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển, nhưng ngành em thích lại nằm ở NV 2 và 3. Lý do em để ngành Công nghệ Thực phẩm là NV 1 vì bố mẹ đều làm trong một hãng bánh kẹo lớn, muốn em theo học ngành này để ra trường dễ xin việc, nhưng Quỳnh thích học sư phạm.
Tương tự như Quỳnh, TS Nguyễn Hoàng cho biết, em cũng đỗ NV 3 nhưng em đang phân vân không biết nên vừa học vừa ôn lại hay bỏ học để ôn tại nhà năm sau thi lại? Em thi được 23,5 điểm. Lúc đăng ký NV, em xếp ngành kỹ thuật xây dựng dân dụng ở NV 3 do không biết chọn ngành gì và bị mọi người giục. Em không ngờ năm nay điểm chuẩn đại học tăng quá mạnh khiến em trượt tất cả NV ở các ngành liên quan đến công nghệ và giờ phải học ngành không yêu thích. Em rối bời không biết phải làm sao, nên dù đến hạn chót đăng ký nhập học, em vẫn chưa thực hiện. “Bộ GD-ĐT hãy trả lại cho các trường đại học quyền được tuyển sinh và lựa chọn các TS đầu vào. Đặc biệt, hãy trả lại cho TS quyền được lựa chọn ngành mà họ yêu thích”, Hoàng kiến nghị.
Anh Nguyễn Dân, một phụ huynh ở Hà Nội lý giải: “Chuyện phải học ngành không đúng NV chắc hẳn nhiều em khác cũng vướng phải. Bởi vì khi đăng ký chọn ngành và chọn trường, có những TS không hề tìm hiểu xem những ngành mình chọn có phù hợp với bản thân mình không. Cứ "rải" thật nhiều ngành, thậm chí có em rải cả trăm NV ở các trường với suy nghĩ "ngành nào cũng được, miễn được vào đại học". Chính suy nghĩ đó đã dẫn tình trạng chọn "nhầm nghề" cho tương lai. Nếu phải học ngành mình không thích thú thì sẽ chán nản, khó tập trung để học tốt. Nếu không bỏ cuộc nửa chừng thì cũng tốt nghiệp loại trung bình, chuyên môn yếu. Ra trường lại nối tiếp "điệp khúc": Học đại học ra mà thất nghiệp!”. Thầy Trần Phi Hoàng, giảng viên một trường ĐH ở TP.HCM cũng đưa ra lời khuyên: “Các em nên học ngành học mình thực sự yêu thích vì thứ nhất, khi học bất kỳ ngành học nào cũng có những thách thức, khó khăn thì khi yêu thích các em sẽ cố gắng vượt qua. Thứ hai, khi học ngành đam mê các em sẽ phát huy hết khả năng của mình. Thứ ba, có động lực để theo đuổi đến cùng nên sự thành công sẽ cao hơn rất nhiều. Ngược lại, các em sẽ dễ bỏ học, thất bại, mất nhiều thời gian, công sức của mình và tiền bạc... của cha mẹ”.
Ở một góc độ khác, anh Hải Vũ (Hà Nội) chỉ ra nguyên nhân của tình trạng nhiều TS sa chân vào ngành không yêu thích đó là, năm nay, khi đăng ký NV các TS lấy điểm chuẩn của năm 2021 làm cơ sở căn cứ để đăng ký nên khi điểm thi tốt nghiệp của các TS thấp hơn 3, 4 điểm so với năm 2021 nên không dám đăng ký NV 1 vào trường mình yêu thích mà đăng ký là NV 2 hoặc 3 đến khi có kết quả điểm chuẩn thì không ngờ trường mà TS đăng ký NV 2, 3 giảm tới 5 điểm nên có nhiều TS đậu. Vì vậy, nhiều TS trúng tuyển NV1 nhưng lại không muốn nhập học vì NV thực sự của các em là ở NV 2 hoặc 3. Trong khi đó, trước đây một TS đủ điểm đậu nhiều trường và lúc đó các em được quyền cân nhắc và quyết định cuối cùng mình học ngành nào là phù hợp nhất. Bởi thế, anh Vũ đề xuất Bộ GD-ĐT nên điều chỉnh lại để trả lại cho TS quyền được lựa chọn ngành mà TS yêu thích. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, tình trạng các trường đại học đua nhau tăng học phí năm nay cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều TS không thể đi học đại học mà phải chuyển sang học nghề để đi làm.
“Nhiều trường năm nay bị "vỡ trận" trong tuyển sinh. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc các trường ồ ạt tuyển bổ sung: Thứ nhất, sau khi có kết quả lọc ảo cuối cùng của Bộ GD-ĐT, số lượng TS trúng tuyển ít hơn chỉ tiêu tương ứng của ngành mà các trường đã xác định và công bố (thường rơi vào các ngành ít TS đăng ký). Thứ hai, sau thời gian xác nhận nhập học trong hệ thống của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ TS xác nhận nhập học vẫn thấp. Điều này có nghĩa nhiều TS trúng tuyển nhưng không có ý định học. Mặt khác, Bộ khẳng định tỷ lệ ảo năm nay sẽ thấp, nên các trường không dám gọi tỷ lệ vượt chỉ tiêu nhiều vì sợ bị phạt”. PGS.TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM
|
Nhiều trường thiếu chỉ tiêu, vội tuyển bổ sung số lượng lớn
Trước tình trạng trên giải pháp chung của các trường là tuyển bổ sung, trong khi chờ đợi có thêm TS trúng tuyển xác nhận nhập học. Mặc dù theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau khi các thí sinh hoàn tất thủ tục nhập học, từ ngày 1/10 các trường mới được thông báo xét tuyển đợt bổ sung đợt 2 (nếu có). Ngay sau khi công bố điểm chuẩn, đến nay khoảng gần 90 trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung. Không những thế nhiều trường còn tuyển với số lượng lớn chỉ tiêu, ngay cả một số trường công lập lớn cũng tuyển. Điển hình như Đại học Hùng Vương TP.HCM thông báo tuyển bổ sung hơn 2.045 chỉ tiêu. Trong khi tổng chỉ tiêu theo đề án tuyển sinh của trường là 2.045. Như vậy trong đợt 1, trường không có thí sinh nào trúng tuyển. Mức điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 được trường đưa là 15 điểm cho 11 ngành.
Theo ông Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nha Trang, chỉ còn vài ngày nữa là hết thời hạn nhập học nhưng còn khoảng 20% TS chưa xác nhận, trường lo ngại sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu đã đề ra. Các năm trước, đến thời điểm như hiện tại, trường đã nhận đủ số sinh viên nhập học. Ông Phương cho biết, khi khảo sát số TS chưa xác nhận nhập học, các em đưa ra nhiều lý do khác nhau. Có TS thay đổi mục tiêu tương lai, muốn học nghề, đi làm ngay; có TS muốn nhập học vào trường khác. Và Đại học Nha Trang đã phải tuyển bổ sung 600 chỉ tiêu cho 24 ngành đào tạo. Tương tự, Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội) thông báo xét tuyển bổ sung theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm này với gần 500 chỉ tiêu cho 22 ngành học. Tổng chỉ tiêu là 3.100, nhưng mới chỉ 2.000 thí sinh xác nhận nhập học đợt . Không những thế ngay cả các trường đại học khối ngành Y Dược - vốn được coi là ngành học hút TS đăng ký NV xét tuyển và số lượng chỉ tiêu cho tuyển bổ sung hàng năm rất ít, thậm chí là hiếm thì năm nay buộc phải tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu...
Một số lãnh đạo của các trường đại học cho rằng, các năm trước, Bộ chỉ lọc ảo và trả điểm chuẩn cho các trường ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Còn lại số TS trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm (học bạ, đánh giá năng lực...) do các trường chủ động quyết định. Điều này giúp các trường cũng nắm được số chỉ tiêu còn lại để xác định điểm sàn và chỉ tiêu xét tuyển ở phương thức xét điểm thi THPT. Tuy nhiên năm nay tất cả các phương thức xét tuyển đều được Bộ lọc ảo chung, các trường hoàn toàn không xác định điểm sàn và điểm chuẩn trước vì không lường được lượng TS ảo ở nhiều phương thức. Điều này dẫn đến việc các trường đưa mức điểm cao nhưng không tuyển đủ chỉ tiêu, khó khăn nhất vẫn là các trường đại học ở top giữa và cuối./.
“Đợt xét tuyển năm nay tỷ lệ TS ảo giảm đáng kể so với năm ngoái. Nguyên nhân có thể do một số TS trúng tuyển nhưng lại không xác nhận nhập học vì nguyện vọng trúng tuyển không phải là nguyện vọng 1 mà chỉ là trúng tuyển ở các nguyện vọng 3, 4… Hoặc có thể trúng tuyển nhưng ngành học có mức học phí quá cao thí sinh không đủ điều kiện theo học nên các em không xác nhận nhập học và chờ cơ hội xét tuyển bổ sung. Tất cả sẽ được Bộ GD-ĐT tổng hợp, phân tích sau khi có dữ liệu đầy đủ”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn. |
“Trường đại học mọc lên như nấm, dạy chất lượng thấp nên tuyển sinh không được, dẫn đến tình trạng vơ bèo vạt tép trong tuyển sinh. Còn các trường đào tạo có chất lượng thì cầu quá cung, đây cũng phản ánh sự thật của nền giáo dục và định hướng giáo dục thôi. Xu hướng sinh viên chọn học nghề và cao đẳng sẽ ngày một tăng lên. Sự thực chất, đơn giản, tốt nghiệp nhanh, cơ hội việc làm (cả trong và ngoài nước) và cả mức chi phí hợp lý nữa là những lợi thế không thể rõ ràng hơn.”. Hải Yến (Hà Nội) |