Học thụ động đang chiếm hết thời gian tự học của trẻ

Tình trạng một ngày học kéo dài từ sáng sớm đến đêm, hết học chính khóa lại đến học thêm khiến trẻ vô cùng mệt mỏi, áp lực. Thậm chí trẻ mất dần khả năng tự học

 

 Số giờ học quá nhiều “đè nặng” vai trẻ

Giờ vào học quá sớm đang trở thành chuyện “nóng” thứ n+1 của ngành giáo dục vốn đã quá nhiều chuyện nóng. Một ngày của trẻ em Việt Nam hiện rất dài, bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn người lớn nhiều, trong khi về mặt khoa học, trẻ em cần được ngủ nhiều hơn để cơ thể tiếp tục phát triển. Đặc biệt, là phải giảm thời gian học thụ động (bao gồm cả học chính thức và học thêm), dành thời gian cho trẻ em tự học.

Hình ảnh những đứa trẻ ngồi sau xe bố mẹ đang ăn vội vàng mẩu bánh mỳ hay ngủ gà ngủ gật trên đường đến trường lúc hơn 6h sáng là khá quen thuộc tại những thành phố lớn. Chị M.H, phụ huynh có con ở độ tuổi tiểu học (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: “Trước trường quy định 6h45 học sinh (HS) phải có mặt ở trường. Năm nay, trường đổi mới theo hướng tiến bộ hơn với thời gian vô học trễ hơn năm trước 15 phút, tức 7h HS mới phải có mặt ở trường. Nhưng sao trường không ấn định 7h30 vô học cho thuận tiện, HS sẽ được ngủ thêm ít nhất 30 phút và có thời gian ăn sáng ở nhà? Có bữa bé ngủ mê mệt, làm đủ mọi cách không được, vợ chồng tôi phải bế con lên xe chở đến trường. Sau đó, gọi bé vẫn không dậy, tôi đành bồng con vào trường và cũng không kịp ăn sáng”... Sáng vào lớp quá sớm khiến HS mệt mỏi, thiếu ngủ, nhưng buổi chiều mới 16h trường đã tan học, trong khi phụ huynh còn chưa tan sở. Vì thế, chị M.H và nhiều phụ huynh mong muốn giờ vào học giãn ra thêm để giảm bớt áp lực cho HS, phụ huynh và cả giáo viên. Dù giờ vào học rất sớm nhưng việc phân bổ thời gian biểu hoạt động trong ngày của trường cũng khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Một phụ huynh ở TPHCM chia sẻ: “Tôi xem thời khóa biểu của con thì thấy 6h45 cháu phải có mặt ở trường nhưng có đến 3/5 buổi trong tuần chỉ học đến 10h30 là nghỉ trưa. Buổi chiều thì 13h30 mới học. Vậy là các HS được nghỉ trưa đến 3 tiếng như vậy liệu có khoa học. Nếu ấn định thời gian vào học trễ hơn và giảm thời gian nghỉ trưa thì sẽ phù hợp hơn”.

Anh Hoàng, phụ huynh có hai con học lớp 6 và lớp 9 ở Hà Nội, thắc mắc: "Do học lớp cuối cấp nên các buổi tối cháu đều học thêm, sau giờ học thêm mới về nhà chuẩn bị bài cho ngày hôm sau. Do đó, sớm nhất thì 0h cháu mới được đi ngủ. Vậy mà sáng hôm sau 6h đã phải dậy, tính ra mỗi đêm cháu chỉ ngủ được 5 - 6 tiếng. Có những tiết đầu của buổi sáng con khó tập trung vì chỉ muốn gục xuống bàn để ngủ”. Em Hoàng Anh, một HS cấp 3 tại Hà Nội chia sẻ: “Trường em 7h vào học. 11h30 tan học về ăn cơm vội vàng chưa kịp chợp mắt là đi học ca chiều. Học tới 5h chiều về ăn cơm vội vàng xong lại đi học thêm, nào thầy cô trên lớp, nào thầy cô bên ngoài đến đêm mới về đến nhà. Tính ra thời gian ở nhà còn ít hơn ở ngoài đường. Chưa kể học tối mặt từ sáng đến tối nên chả có thời gian mà ngấm bài. Theo em, nên cắt bớt nội dung thừa trong chương trình THPT và chấm dứt nạn học thêm “tự nguyện” thì chúng em mới có thời gian nghỉ ngơi và trau dồi khả năng tự học...”.     

Học thêm “tự nguyện” hay đúng hơn là việc một bộ phận giáo viên lạm dụng quyền hạn, ép HS trong lớp mình đang giảng dạy phải học thêm, những HS không học thêm sẽ gặp khó khăn trong quá trình học tập, sinh hoạt là tình trạng đã diễn ra từ lâu. Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT cũng đã quy định rõ ràng “Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”, thế nhưng việc “học thêm tự nguyện” vẫn biến tướng bằng nhiều cách. Các chuyên gia cho rằng, cần giao quyền, giao trách nhiệm cho chính hiệu trưởng nhà trường. Khi đã ràng buộc trách nhiệm, giáo viên làm sai, lãnh đạo trường ấy phải chịu kỷ luật thì mọi việc chắc chắn sẽ khác.

Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên: Học nhiều giờ mỗi ngày không hoàn toàn đồng nghĩa với chăm học, và càng không đồng nghĩa với học tập hiệu quả. Việc thiết kế ngày học cho HS phải bắt đầu từ lợi ích lâu dài của chính HS, chứ không phải để thuận tiện cho hoạt động của trường, cho giờ làm của cha mẹ, hay cho quản lý của xã hội - những điều thứ yếu.

Thiết kế ngày học phải bắt đầu từ lợi ích của trẻ

Việc thiết kế ngày học cho HS phải bắt đầu từ lợi lâu dài của chính các em

Chương trình phổ thông tổng thể phiên bản 2018 của Việt Nam hiện quy định số tiết học trung bình của HS tiểu học là 25 - 30 tiết/tuần (mỗi tiết 35 phút), với trung học là 30 tiết/tuần (mỗi tiết 45 phút). Nếu áp dụng mức trung bình này, thì thời gian thực học của HS tiểu học là 3-4 giờ/ngày, HS trung học là 4,5 giờ/ngày - con số không hề cao. Tuy nhiên, theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, ngày học của HS kéo dài như hiện nay là do việc các trường đưa thêm các hoạt động khác, bao gồm cả việc học thêm. Thời gian kéo dài ở trường thay vì HS được hưởng 1 giờ mỗi ngày cho vận động, thể dục, thể thao, và 1 giờ nữa cho các câu lạc bộ nghệ thuật, ngoại khóa, giải trí khác thì lại dành quá nhiều cho học thêm. "Lựa chọn nằm trong tay của chúng ta. Chúng ta muốn một thế hệ thanh niên mụ mị vì học nhiều, chơi ít, sống ít hay muốn một thế hệ HS năng động, khỏe mạnh, sáng tạo, làm việc hiệu quả và cạnh tranh tốt với thanh niên các nước khác?”, ông Nguyên nhấn mạnh.

GS Ngô Bảo Châu đã từng chia sẻ: Ông nhận thấy sinh viên Mỹ có số giờ học Toán ít hơn so với sinh viên Việt Nam, nhưng trong 4 năm thì kiến thức của họ lại vượt hơn hẳn, một phần do có thời gian tự học. Trong khi đó, HS Việt Nam học thêm rất nhiều nhưng vẫn không giỏi, thậm chí cảm thấy chán nản và lười học hơn. Theo ông Châu, học nhiều mà nhồi nhét, thụ động sẽ khó có hiệu quả. Do đó, phụ huynh cần cân nhắc khi sắp xếp việc học thêm, để con có thời gian tự học. Có thể nói, việc vùi đầu học từ sáng đến đêm khiến các em HS bị mất sức khỏe, tuổi thơ đến cả khoảng thời gian cần thiết để xây dựng kỹ năng sống, vun đắp tình yêu thương, mối quan hệ gia đình, mất đi năng lực tự học, năng lực tư duy, phản biện, vui chơi...

Tiến sĩ tâm lý giáo dục Nguyễn Tùng Lâm cũng đưa ra giải pháp, trước tiên cha mẹ phải xây dựng thời gian biểu một ngày sao cho trẻ được ngủ đủ 8 tiếng một ngày để đảm bảo sự phát triển của trẻ cũng như việc học tập có hiệu quả. Nhà trường thiết kế chương trình học làm sao để giúp HS phát triển toàn diện, bởi trẻ học thêm quá nhiều khó có thời gian tự học, nghiền ngẫm kiến thức - cơ sở cho học tập sâu và phát kiến mới. Thời gian học dù nhiều nhưng nếu chỉ tiếp thu thụ động, các em sẽ mất đi sự linh hoạt khi giải quyết vấn đề./.

Phụ huynh học sinh Đoàn Huyền (Hà Nội): Cải cách giáo dục toàn diện, cho học cái gì đáng học

Nước ngoài HS vào học từ 8h mà người ta vẫn giỏi, vẫn giàu, bắt đi học sớm ảnh hưởng sức khoẻ lớn còn không nổi thì lấy đâu ra sức và sự tỉnh táo tiếp thu kiến thức. Nên cải cách giáo dục toàn diện, cho học cái gì đáng học, những thứ sáo rỗng, lan man vô bổ bỏ bớt đi thì sẽ rút ngắn được sự ép uổng về thời gian này. Hiện nay giờ hoạt động của trường học được thiết kế theo giờ cha mẹ đi làm để thuận cho cha mẹ nhưng như vậy là trẻ phải đến trường trước cả giờ cha mẹ làm việc. Vì thế các đô thị nên phát triển hệ thống xe bus miễn phí/ưu đãi phí và an toàn dành cho HS.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM): Hãy đưa lợi ích của trẻ lên hàng đầu

Việc trẻ phải đi học quá sớm lâu ngày sẽ dẫn đến việc các em bị thiếu ngủ do không ngủ đủ giấc. Một số trường cho trẻ ăn trưa quá sớm (10h30) là không phù hợp với chu kỳ sinh học của cơ thể HS. Thời gian ăn trưa nên tổ chức sau 11h. Việc HS phải đi học sớm sẽ dẫn đến các hệ lụy như: những tiết đầu buổi sáng các em học không hiệu quả do còn ngái ngủ, đến buổi trưa khi não còn đang hoạt động tốt thì lại bắt phải nghỉ. Thế nên, khi đặt ra một quy định nào đó, chúng ta hãy đưa lợi ích của trẻ lên hàng đầu. Đừng vì lý do kẹt xe hay phụ huynh trễ giờ làm mà đặt ra những quy định gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận