Bộ kiến nghị dừng tăng học phí, trường xử lý ra sao?

Bộ GD-ĐT mới có báo cáo kiến nghị các trường đại học công lập năm học 2022-2023 dừng tăng học phí. Vậy các trường tiếp tục tăng học phí hay dừng?

 

Học phí đang tăng “phi mã”, Bộ kiến nghị dừng

Thực hiện cơ chế tự chủ và áp dụng khung mới, học phí năm học 2022-2023 ở các đại học (ĐH) tăng mạnh, trung bình 4-10 triệu đồng/năm. Ngay từ tháng 4, tháng 5, nhiều trường ĐH công bố mức thu học phí mới, căn cứ vào khung được quy định trong Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ. Tại khung này, mức trần học phí tất cả khối ngành của trường ĐH tăng từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm. Trong đó, khối Y dược, ngành sức khỏe khác tăng mạnh nhất với 4,2-10,2 triệu đồng/năm. Trong đó các trường tự chủ và nhóm trường đào tạo ngành y dược có mức tăng vọt, thậm chí lên tới 70%.

Khoa y (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố lộ trình tăng học phí giai đoạn 1 (2021-2023). Học phí năm 2022 ngành y khoa (chất lượng cao) 66 triệu đồng, dược học (chất lượng cao) 60,5 triệu đồng, răng hàm mặt (chất lượng cao) 96,8 triệu đồng. Học phí năm 2023 tiếp tục tăng: ngành y khoa 72,6 triệu đồng, dược học 66,55 triệu đồng và răng hàm mặt 106,480 triệu đồng. Tháng 7/2022, Trường ĐH Y dược TP.HCM quyết định tăng 10% học phí bậc ĐH năm học 2022-2023 một số ngành của ba khóa tuyển sinh năm 2020, 2021 và 2022. Trong đó ngành răng hàm mặt có mức học phí cao nhất: 77 triệu đồng/năm học… Lãnh đạo các trường cho rằng, tăng học phí ĐH là tất yếu bởi hai nguyên nhân: Thứ nhất, khi các trường thực hiện tự chủ hoàn toàn, không được hưởng ngân sách Nhà nước, phải có nguồn kinh phí bù lại phần hao hụt này. Thứ hai, học phí tăng nhằm bù đắp chi phí trượt giá và đầu tư, đảm bảo vận hành chương trình và chuẩn đầu ra.

Tuy nhiên, trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội ngày 2/11, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin về việc điều chỉnh học phí năm học 2022-2023. Năm học 2022-2023, học phí các trường ĐH công lập dự kiến giữ ổn định bằng với mức thu của năm học 2021-2022. Quan điểm của Bộ là không tăng học phí để chia sẻ khó khăn với xã hội, nhất là trong bối cảnh sau 2 năm Covid-19 vừa qua. Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc rà soát, đánh giá tác động của việc tăng học phí tới học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, đề xuất chính sách học phí năm học 2022-2023 phù hợp, ưu tiên kiểm soát lạm phát. Riêng với học phí các trường đại ĐH công lập, nghị quyết dự kiến giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022. Nhà nước sẽ cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021-2022.

Theo đó, nếu kiến nghị của Bộ GD-ĐT về việc giữ ổn định mức thu học phí các trường ĐH công lập năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 được triển khai, thì học phí các trường ĐH được xây dựng bám sát vào mức trần trên. Các khối ngành thuộc đơn vị ĐH công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, mức trần từ 980.000 đến 1.430.000 đồng/tháng. Mức trần học phí trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư từ 2.050.000-5.050.000 đồng/tháng. Khi đó, mức học phí mới sẽ thấp hơn nhiều so với mức trần học phí được quy định trong Nghị định 81. Theo nghị định này, năm học 2022-2023, mức trần học phí đơn vị ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng vọt so với năm học trước đó. Nhiều khối ngành có mức tăng từ hơn 20 đến gần 30% và đặc biệt khối ngành y dược tăng trên 70%. Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022, Bộ đã kiến nghị lùi áp dụng khung học phí của Nghị định 81 thêm một năm (tức từ năm 2023).

Phụ huynh Nguyễn Thị Hoa (Hà Nam) kiến nghị: “Sau hai năm ảnh hưởng dịch COVID-19, đời sống người dân hiện còn rất khó khăn. Chúng tôi rất mong Chính phủ chính thức có chủ trương tạm dừng tăng học phí thì cần sớm triển khai đồng bộ để tất cả các trường thực hiện. Học phí ĐH tăng chóng mặt kiểu này thì học sinh nông thôn sao mà theo học nổi. GDP chỉ tăng 5-7% mà học phí tăng đến 20-70%. Nên có luật để ổn định mọi chi phí giá cả...”

“Học phí tăng là yêu cầu thực tế khách quan. Vấn đề cần đặt ra là các trường phải cam kết chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình, sinh viên ra trường phải có việc làm. Song song với tăng học phí, trường sẽ chú trọng đến các chính sách học bổng, vay lãi suất thấp để hỗ trợ sinh viên...”.Phụ huynh Hải Yến (Hà Nội).

Bộ GD-ĐT kiến nghị tạm dừng tăng học phí để chia sẻ khó khăn với người học, nhất là trong bối cảnh sau 2 năm Covid-19

Trường tăng học phí hay dừng?

Hiện một số trường ĐH đã thông báo chính thức không tăng học phí mà áp dụng mức thu bằng với năm học 2021-2022. Đối với sinh viên đã đóng học phí theo mức học phí mới, trường sẽ khấu trừ phần chênh lệch vào đợt học phí ở học kỳ tiếp theo.

Trong khi đợi quyết định của Chính phủ và Bộ GD-ĐT về việc điều chỉnh học phí của năm học này, có vài trường ĐH tạm ngừng kế hoạch tăng học phí năm học này. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng thông báo học phí đợt 1 của học kỳ 1 năm học 2022-2023 sẽ tạm thu theo mức học phí cũ của năm học trước. Sau khi có quyết định này, trường sẽ tính toán đúng học phí phải nộp của từng sinh viên vào đợt 2. Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho biết, mức học phí của trường này năm nay vẫn giữ ổn định từ năm 2019. Mức học phí đang duy trì thấp hơn chi phí đào tạo thực tế. Theo PGS-TS Trần Hoàng Hải, quyền hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, hiện nhà trường đã tạm thu học phí học kỳ 1 năm học 2022-2023 dựa vào Nghị định 81. Nếu có nghị quyết điều chỉnh học phí năm học, trường sẽ thực hiện theo chủ trương chung của Chính phủ. Tương tự, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM trước đó đã công bố áp dụng mức thu học phí mới đối với sinh viên theo học tại trường nhưng hiện nay trường thông báo không tăng học phí năm học 2022-2023, mức học phí áp dụng cho sinh viên được giữ nguyên như năm học 2021-2022. Đối với sinh viên đã đóng học phí theo mức học phí mới, trường sẽ khấu trừ phần chênh lệch vào đợt học phí ở học kỳ tiếp theo.

Lãnh đạo nhiều trường ĐH cho rằng, năm 2022 là năm đầu tiên nhiều trường thực hiện tự chủ theo tài chính chi thường xuyên. Nếu dừng tăng thì khó khăn ban đầu là kinh phí của nhà trường bị sụt giảm. Theo quy định, trường có thể tăng học phí nhưng chỉ tăng ở sinh viên những năm tới. Do vậy, năm nay tổng kinh phí hoạt động của trường khó khăn hơn năm trước.../.

"Việc tạm dừng tăng học phí có thể khiến các cơ sở giáo dục ĐH công lập, kể cả các trường tự chủ hay chưa tự chủ sẽ gặp khó khăn. Nhưng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hệ thống giáo dục cần chia sẻ với người dân, với xã hội trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn”. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận