Lỗi do tuyển chọn không đúng người

Báo TNVN phỏng vấn TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục HN về tình trạng nhiều học sinh bị xâm hại tình dục.

 

Thưa ông, nhiều vụ xâm hại trẻ em đã xảy ra, gần đây nhất là vụ hàng chục học sinh nam của Trường Phổ thông dân tộc nội trú bị chính thầy Hiệu trưởng lạm dụng tình dục... Xin ông cho biết nguyên nhân của tình trạng trên?

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội

Nguyên nhân đầu tiên là chúng ta nói bảo vệ trẻ em nhưng không ai hành động. Ngoài ngành giáo dục, chúng ta có đến 17 cơ quan bảo vệ trẻ em chứ có ít đâu! Nhưng khi nào có vụ việc thì họ mới lên tiếng. Chúng ta đã không dám nói sự thật và không dám hành động vì trẻ em. Chính vì thế, chúng ta phải hành động ngay bây giờ. Từ những vụ việc trên cho thấy, có 2 vấn đề cơ bản mà chúng ta chưa làm được cho trẻ: Một là, quyền của trẻ em không được người lớn tôn trọng và không ai chịu trách nhiệm về điều này. Hai là, chính trẻ em chưa biết quyền của mình và người lớn không động viên các em lên tiếng, biết tự bảo vệ mình. Chúng ta không thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm việc thực hiện quyền của trẻ em ở mỗi trường học. Và muốn quyền trẻ em được thực hiện thì điều đầu tiên là trường học phải có dân chủ.

Mới đây, câu chuyện của một cô bé Thụy Điển (15 tuổi) đã gây chấn động Hội nghị Khí hậu toàn cầu. “Các vị thường nói các vị yêu quý trẻ em hơn hết, vậy mà các vị lại đánh cắp tương lai của trẻ em”- là những lời nói thẳng thắn mà Greta Thunberg yêu cầu giới chính trị phải nỗ lực tham gia chống biến đổi khí hậu. Không chỉ lên án, cô bé còn đề xuất các giải pháp chovấn đề này.

Ngày 15/12, cơ quan điều tra - Công an huyện Thanh Sơn đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Đinh Bằng My Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn. Việc bắt tạm giam ông My để tiến hành điều tra việc ông bị tố cáo đã dâm ô hàng chục nam sinh tại trường.

Vậy theo ông. bài thuốc nào để trị dứt điểm tình trạng xâm hại học sinh?

Với vụ việc ở Phú Thọ, rõ ràng thầy hiệu trưởng đã vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm quyền trẻ em... Nhưng lỗi lớn là ngành giáo dục không tuyển chọn đúng người, khi để một người bị bệnh như vậy làm lãnh đạo cả một trường học. Vì thế, việc tuyển chọn giáo viên, cán bộ quản lý cần được xem xét kỹ lưỡng. Theo tôi, điều đầu tiên, chọn hiệu trưởng thì phải qua thi tuyển chứ không phải đề cử như hiện nay, qua nhiều cấp duyệt nhưng bản thân ngành giáo dục lại không được tự chọn lấy người phù hợp với ngành, phù hợp với nhà trường.

Bên cạnh đó, trường học không có dân chủ nên không ai dám lên tiếng. Có dân chủ thì giáo viên, học sinh mới tự bảo vệ họ được, chứ không có dân chủ thì không làm gì được cả. Muốn dân chủ thì mỗi trường học phải được tự chủ, chứ người quản lý mà phụ thuộc cấp trên thì người ta sẽ không chịu trách nhiệm gì về nhà trường và càng không thể bảo vệ được học sinh, giáo viên... Nếu không có dân chủ thì giáo viên, học sinh sẽ không dám lên tiếng, không dám phê phán, không dám chịu trách nhiệm... - mà đó lại là những phẩm chất người công dân trong tương lai chúng ta cần có.

Ông Hiệu trưởng Bằng My phát biểu trong Chương trình Phòng chống xâm hại trẻ em năm 2018 của tỉnh Phú Thọ (Vũ Cận- Soha.vn)

Làm thế nào để phát huy được dân chủ trong trường học, thưa ông?

Câu chuyện cô bé Thụy Điển là một ví dụ sinh động. Thất vọng trước cảnh đàm phán giữa các quốc gia tại Hội nghị Khí hậu toàn cầu lần thứ 24 lâm vào bế tắc, cô bé Greta Thunberg kêu gọi “học sinh toàn thế giới bãi khóa” để gây áp lực buộc giới chính trị phải nỗ lực tham gia chống biến đổi khí hậu. Cô bé đã dám đứng lên phát động học sinh các trường nói lên sự thật và còn đưa ra giải pháp để giải quyết. Và cô yêu cầu các bạn đến quốc hội các nước để căng biển đòi hỏi những yêu cầu chính đáng đó. Đó là tấm gương dám hy sinh, dám hành động của một học sinh nước ngoài, ngược lại, chúng ta không dám giải phóng học sinh của chúng ta, không dám để học sinh lên tiếng vì sợ các em “làm loạn”.

Trong mỗi trường học cũng phải quan niệm làm sao cho thanh thiếu niên phát huy được tính dân chủ, tính phản biện, chứ gò bó, không tin các em thì không thể làm được. Bên cạnh đó, muốn thực hiện dân chủ thì người lãnh đạo phải để đủ trình độ tổ chức, dẫn dắt học trò chứ không phải để cho dân chủ bừa bãi được.

Tôi đã đề nghị Bộ GD-ĐT, cũng như với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là để giải quyết những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục thì không bao giờ hết được, mà phải có chiến lược tổng thể, đó là trao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho các trường và trường phải đi theo con đường dân chủ đề giải phóng tài năng, giải phóng học trò thì chúng ta mới thành công trong việc xây dựng một thế hệ tương lai được.

Xin cám ơn ông!

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận