Ceramic Workshop: Giúp thí sinh có thêm lựa chọn ngành đăng ký hồ sơ

Tại Ceramic Workshop, thí sinh được trải nghiệm hoạt động của ngành gốm, để những nghệ sĩ tạo hình, nhà thiết kế tương lai có thêm góc nhìn về Ceramic Design.

 

Nằm trong “Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp năm 2023” của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, sự kiện Ceramic Workshop được Phòng Đào tạo và Khoa Mỹ thuật truyền thống của trường phối hợp tổ chức hôm 23/4 với mong muốn để thí sinh hiểu hơn về ngành Thiết kế Gốm, từ đó có thêm lựa chọn ngành đăng ký hồ sơ.

Những nhà thiết kế tương lai

Tại xưởng sản xuất gốm của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, học sinh từ các trường Trung học phổ thông đã được nghe và hiểu về sản xuất gốm thủ công; được tự tay làm và trang trí sản phẩm gốm dưới sự hướng dẫn của các anh chị sinh viên năm thứ hai của Khoa Mỹ thuật truyền thống (MTTT). Điều này đã mang đến những trải nghiệm thực tế cho các bạn học sinh đang tìm hiểu về các chuyên ngành được đào tạo để đăng ký dự thi kỳ thi tuyển sinh năm 2023 - 2024, đặc biệt là ngành Thiết kế gốm (Ceramic Design).

Chị Nguyễn Thùy Dương, giảng viên của Khoa MTTT cho biết: “Ceramic workshop giúp các em học sinh được trực tiếp trải nghiệm nghề gốm một cách mới lạ, hấp dẫn. Sự kiện này là điểm nhấn trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh, đồng thời góp phần khẳng định hướng đi riêng trong đào tạo của Khoa MTTT là đào tạo ra những họa sĩ thiết kế có bản lĩnh sáng tạo, có nền tảng mỹ thuật, có kỹ thuật thể hiện, góp phần bảo tồn, duy trì phát triển tinh hoa trong các ngành nghề truyền thống của dân tộc”.

Học sinh từ các trường Trung học phổ thông đã được tự tay làm và trang trí sản phẩm gốm dưới sự hướng dẫn của các anh chị sinh viên năm thứ hai của Khoa Mỹ thuật truyền thống, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Tham gia Ceramic Design, em Đặng Huyền Trâm, học sinh lớp 12 trường PTTH Tây Hồ vừa trổ tài nặn gốm, vừa hồ hởi chia sẻ: “Năm nay em sẽ đăng ký dự thi vào ngành Thiết kế gốm của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Đây là một ngành rất đặc biệt, rất phù hợp với tính cách của em là muốn làm những điều khác biệt. Em đã đi tìm hiểu về nghề gốm, tham gia những workshop như thế này và thấy đây là ngành rất có tương lai, triển vọng. Hiện em đang chăm chỉ đi học vẽ để có thể thi đỗ vào Khoa MTTT của trường trong kỳ tuyển sinh tới đây”.

Là sinh viên năm thứ hai của ngành Thiết kế gốm, em Nguyễn Gia Hân cho hay, Hân chọn vào học ở ngành gốm bởi từ bé đã có niềm đam mê rất lớn với việc tạo ra những sản phẩm từ chính đôi tay của mình. Tự mày mò nghiên cứu, Hân thấy đất là một chất liệu dễ sử dụng và rất linh hoạt. Ngành gốm lại rất cần đến sự uyển chuyển của đôi tay, đồng thời cảm nhận được từng loại đất khác nhau vì gốm sử dụng rất nhiều loại đất, phù hợp với sở thích của Hân. Khi vào trường rồi, được tiếp xúc, được nghe kể về quá trình hình thành nên nghề, về quá trình làm gốm không chỉ từ các thầy cô mà còn từ các anh chị đang học trong ngành, Hân càng thấy yêu thích ngành gốm hơn. “Học ngành Thiết kế gốm đã cho em khả năng sáng tạo, cho em một môi trường, không gian thuận lợi để em thỏa mãn đam mê, tìm tòi chất riêng của bản thân. Các thầy cô trong Khoa MTTT  rất nhiệt huyết, tận tình, chỉ bảo cho sinh viên trở thành một người có kiến thức, kinh nghiệm về gốm khá phong phú, bền vững, có kỹ năng sản xuất gốm công nghiệp, gốm truyền thống. Quá trình học, chúng em được lồng ghép giữa học lý thuyết và thực hành, được trải nghiệm thực tế ngay từ năm thứ nhất. Bài tập đầu tiên của chúng em là nghiên cứu gốm cổ thì cô và nhà trường đã tạo điều kiện cho SV đi tham quan các bảo tàng để lấy tư liệu, được giảng viên đưa đến tận làng nghề truyền thống để tìm hiểu. Ngay khi bước vào năm thứ 2, sinh viên đã được thực hành, được động vào đất rồi”, Nguyễn Gia Hân cho hay.

Các em học sinh được trổ tài nặn gốm tại Xưởng gốm của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Hân cũng chia sẻ, có một số ý kiến cho rằng, học ngành gốm ra không ứng dụng được vào thực tế, hoặc làm gốm không giàu được thì đó là những quan điểm không đúng. Theo quan sát thực tế của em, những người nào đã bước vào nghề này, đã động đến đất rồi thì không ai thu nhập thấp. Hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh vào ngành thiết kế gốm không nhiều nhưng đó lại là một lợi thế cho những người theo ngành truyền thống này, bởi khi ra trường, nếu họ có kiến thức, có nền tảng, gu riêng, chất riêng thì chắc chắn họ sẽ có một chỗ đứng vững chãi trong nghề.

Còn Nguyễn Khánh Linh, sinh viên năm thứ 4 của Khoa MTTT, chia sẻ: Dù em sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm gốm, ít nhiều em cũng đã hiểu và biết làm gốm nhưng em vẫn quyết định thi vào ngành gốm của trường bởi em muốn được đến học ở một môi trường nghệ thuật, hội tụ nhiều phong cách, được hiểu sâu hơn về tư duy sáng tạo, kiến thức về gốm, được tiếp cận với nhiều cách làm mới hơn về gốm. Đến nay, khi đang chuẩn bị ra trường, em thấy mình đã có đủ những kiến thức cơ bản nền về tư duy nghệ thuật sáng tạo và em tự tin có thể tiếp thu thêm nhiều kinh nghiệm hơn khi em chính thức bước vào nghề.

Trang trí sản phẩm gốm.

 

Ngành Thiết kế Gốm thổi làn gió mới vào làng nghề gốm truyền thống

Cũng tại sự kiện Ceramic Workshop, có nhiều khách mời là nghệ nhân, họa sĩ tên tuổi trong làng gốm, từng là sinh viên trong Khoa MTTT tham dự chia sẻ với các bạn học sinh về hành trình khởi nghiệp cũng như định hướng nghề nghiệp cho các bạn sinh viên sau khi ra trường.

Từng là họa sĩ, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Công nghiệp - Thạc sĩ, nghệ nhân Nguyễn Quang Huy, chủ cơ sở sản xuất gốm sứ Nguyễn Quang Huy ở làng nghề gốm truyền thống Bát Tràng cho hay: “Ngành gốm của ĐH Mỹ thuật Công nghiệp là nơi đào tạo ra những người làm nghề rất có chất lượng cho các làng nghề gốm truyền thống. Tôi rất mong muốn các bạn thí sinh đăng ký vào ngành gốm trong trường để sau này các làng nghề gốm truyền thống có luồng gió mới, tinh hoa hơn về mỹ thuật. Hy vọng tới đây, ngành gốm trong nhà trường sẽ được trang bị đầy đủ hơn các thiết bị làm gốm, thường xuyên mời các nghệ nhân, họa sĩ tên tuổi chuyên ngành về gốm đến để vừa sáng tác, vừa tạo cơ hội cho các em sinh viên được quan sát thao tác làm gốm. Đây cũng là cách để nhà trường quy tụ được chất xám”.

Với mong muốn truyền lửa và truyền tải thông điệp cho các thí sinh, sinh viên, họa sĩ Khải gốm - cựu sinh viên của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp  - cho hay: “Khi chọn ngành nghề, thí sinh luôn lo lắng, băn khoăn sau này ra trường sẽ làm gì, làm sao để phát triển. Vậy tôi xin chia sẻ, gốm là nghề truyền thống, sẽ gặp khó khăn và vất vả nhất định trong việc theo đuổi đam mê. Đối với nghề gốm, điều kiện để làm nghề là phải đam mê, tự tin, dám hy sinh, dám thất bại. Muốn tồn tại được thì phải đủ đam mê để đi hết được chặng đường và viết nên câu chuyện của mình”.

Tiến sĩ Phạm Hùng Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ với các bạn học sinh về trường và ngành Thiết kế Gốm.

Tiến sĩ Phạm Hùng Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, Ngày hội tư vấn tuyển sinh là một thương hiệu của nhà trường và luôn thu hút đông đảo các bạn học sinh có mong muốn trở thành sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Tại Ngày hội này, tất cả băn khoăn, thắc mắc của học sinh và phụ huynh đã được giải đáp, được tư vấn hữu ích từ các thầy cô, nhà trường. Đây là những thông tin hữu ích để các em học sinh phấn đấu sớm trở thành Design mỹ thuật công nghiệp trong tương lai không xa. “Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cũng là trường duy nhất trong nước có đào tạo trình độ đại học chuyên ngành Thiết kế gốm (Ceramic Design) - một ngành truyền thống được đào tạo từ ngày đầu thành lập trường năm 1949. Hoạt động “Ceramic Workshop” là sự đổi mới có tính đột phá trong cách tiếp cận và thu hút học sinh hiểu về ngành thiết kế gốm. Hoạt động trải nghiệm workshop gốm giúp truyền lửa cho các em học sinh trong cả nước thêm hiểu và yêu ngành truyền thống, giúp các em có thêm sự cân nhắc và lựa chọn ngành đăng ký hồ sơ”, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường nhấn mạnh./.

 

"Khoa Mỹ thuật truyền thống có 3 ngành, gồm: Thiết kế Gốm, Thiết kế trang trí sản phẩm Sơn mài truyền thống và Thiết kế trang sức. Quá trình đào tạo, nhà trường liên kết với các làng nghề truyền thống để tổ chức cho SV đi thực tập. Trong mỗi bài học thiết kế được mẫu mã mới, các em đều được học về nghiên cứu thị trường, những mẫu đã làm, ưu nhược điểm của mẫu đó và cách khắc phục để mẫu đó ưu việt hơn.

Ceramic Workshop là workshop cho tư vấn tuyển sinh được tổ chức lần đầu tiên, có tính khởi đầu cho các bước tiếp theo của các ngành truyền thống khác. Tại Ceramic Workshop, thí sinh được trải nghiệm hoạt động của ngành gốm: cơ sở nghệ thuật, kỹ thuật tạo hình, thiết kế gốm gia dụng, thiết kế gốm nghệ thuật và thiết kế gốm trang trí kiến trúc. Đây là tiền đề để các bạn cảm nhận, có thêm góc nhìn về ngành thiết kế gốm và sẽ thành nghệ sĩ tạo hình, nhà thiết kế thực thụ”.

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thẩm, Trưởng Khoa MTTT

 

5 điểm nổi bật làm nên "thương hiệu" Mỹ thuật Công nghiệp:

1. Trường đại học có chất lượng sinh viên đầu vào chất lượng cao, tuyển sinh top 10% học sinh tốt của cả nước về đào tạo Mỹ thuật ứng dụng;

2. Trường đại học có môi trường đào tạo năng động, sáng tạo ở Việt Nam;

3. Trường đại học tiên phong trong hội nhập quốc tế;

4. Trường đại học có hệ thống các Câu lạc bộ sinh viên lớn thuộc top đầu, nhiều cuộc thi về chuyên môn, năng khiếu do sinh viên tổ chức với tính chuyên nghiệp và quy mô lớn, nhiều sinh viên đạt thành tích, giải thưởng cao trong các cuộc thi thiết kế trong nước và quốc tế;

5. Trường đại học có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau khi tốt nghiệp thuộc nhóm cao cả nước.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận