Học sinh lớp 10 lựa chọn tổ hợp môn: Đừng né Lý, Hóa

Việc lựa chọn tổ hợp môn học vẫn là thách thức với phụ huynh, học sinh khi toàn bộ tâm sức năm học cuối cấp đã dành cho kỳ thi vượt vũ môn.

 

Năm học 2023-2024 bước sang mùa tuyển sinh thứ 2 lớp 10 THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Phụ huynh vẫn lo âu trước việc lựa chọn tổ hợp

Thời điểm này, trừ các địa phương không tổ chức thi, còn hầu hết các tỉnh, thành phố đã công bố kết quả và bắt đầu quá trình tuyển sinh vào 10. Năm 2022, mùa tuyển sinh đầu tiên vào lớp10 theo chương trình giáo dục Phổ thông mới 2018 thấy rõ sự bị động của nhiều nhà trường trong xây dựng các tổ hợp, phân công giáo viên... Phụ huynh và học sinh bối rối, hoang mang và nhiều khi “chọn bừa”. Mùa tuyển sinh năm nay cũng chưa có nhiều thay đổi.

Thời gian để học sinh lựa chọn tổ hợp môn tự chọn chỉ có 03 ngày.

Dù đã gần nửa tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký các môn tự chọn cho con trai vào THPT Tĩnh Gia 1, thị trấn Nghi Sơn, Thanh Hóa, chị Nguyễn Thoa vẫn chưa thôi băn khoăn. Dù tỉ lệ chọi trong tuyển sinh không cao như khu vực thành phố nhưng để có được một suất vào học ở trường công lập, suốt cả năm lớp 9 con trai chỉ có thể tập trung ôn luyện, phụ huynh như chị Thoa ngoài chăm lo sức khỏe thì toàn bộ sự quan tâm đều hướng vào lựa chọn trường có điểm chuẩn phù hợp, cân đong sao cho con thi đậu. Và bởi lẽ đó, việc chọn môn mang tính hướng nghiệp cho con ở bậc THPT trở nên bất ngờ và lạ lẫm với cả gia đình.

“Thực ra con mới học xong lớp 9, chưa định hình được. Trong khi đăng ký thì phải ngay lập tức trong vòng vài ngày gồm cả chuẩn bị hồ sơ, thủ tục lẫn chọn môn. Thật sự hoang mang vì lỡ chọn sai rồi không biết sửa sai thế nào khi mà lựa chọn này quyết định cả hướng học lên đại học của con sau này”, chị Thoa chia sẻ.

Trường THPT Tĩnh Gia cho học sinh 3 ngày từ 18 đến 20/6 từ ngày phát đơn đến ngày nộp đơn đăng kí môn tự chọn. Nhà trường không tổ chức tư vấn, tất cả thông tin phụ huynh có được hầu như chỉ trông chờ vào việc hỏi các phụ huynh có con năm ngoái đã thi và chọn môn học ở trường.

Hà Nội cuối tuần vừa rồi cũng đã thông báo kết quả tuyển sinh vào 10 kèm điểm chuẩn các trường. Từ ngày 5 - 7/7 thí sinh sẽ phải hoàn tất thủ tục nhập học bao gồm cả đăng ký môn tự chọn. Chị Thanh Tâm, nhà ở Hai Bà Trưng, Hà Nội vừa qua trạng thái vui mừng khó tả khi cậu con trai đỗ trường top 1 của cụm Hoàn Kiếm- Hai Bà Trưng lại đối diện với những băn khoăn về sự lựa chọn tổ hợp môn cho con.

"Thực sự thì mình cũng chưa được biết tin chính thống mà qua bạn bè rồi giáo viên dạy thêm của con nói về việc lựa chọn các môn tự chọn. Trường hợp con thấy không phù hợp hoặc có mong muốn thay đổi thì sẽ xử lý thế nào? Làm phụ huynh và có con lần đầu vào cấp 3 thực sự lo lắng lắm”, chị Tâm bày tỏ băn khoăn.

Việc để con tự lựa chọn ở thời điểm này theo chị Tâm thực ra khá khó khăn bởi suốt 1 năm qua, các con chỉ vùi đầu vào ôn luyện với mục tiêu thi đỗ, không có thời gian để tìm hiểu về lựa chọn mang tính định hướng nghề nghiệp ở cấp học mới.

Thời gian từ nay đến ngày làm thủ tục nhập học, chị Tâm còn phải lo hoàn thiện giấy tờ, hồ sơ nên khoảng thời gian dành cho tìm hiểu môn học tự chọn phù hợp với con không quá nhiều. Điều hy vọng nhất từ vị phụ huynh này chính ở thông tin trường THPT nơi con chị thi đỗ có tiếng chu đáo và luôn hết lòng hỗ trợ học sinh cũng như phụ huynh trong việc lựa chọn môn học cũng như thay đổi lựa chọn.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng: Không nên né Lý, Hóa khi chọn tổ hợp môn tự chọn.

Trường THPT Việt Đức, Hà Nội thêm nhiều tổ hợp mới

Nằm trong trường thuộc top đầu về điểm tuyển sinh đầu vào, trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội ngay từ 2022, năm đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở cấp THPT đã khá chủ động trong việc xây dựng tổ hợp, bố trí nguồn lực để triển khai mô hình các lớp theo định hướng nghề nghiệp và cũng thuộc một trong số ít trường THPT ở Hà Nội thời điểm đó tổ chức họp phụ huynh toàn bộ khối 10 trước ngày đặt bút đăng ký nhằm giải thích, chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc để giảm thiểu sai sót trong lựa chọn hoặc phải thay đổi về sau.

"Thực ra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 có rất nhiều điểm mới không chỉ với phụ huynh, học sinh mà mới với ngay cả các thầy cô. Cho nên, với vai trò người đứng đầu nhà trường, chúng tôi phải họp với các tổ chuyên môn nhằm tổ chức xây dựng các tổ hợp gắn với định hướng tương lai. Bên cạnh đó xây dựng tổ hợp còn căn cứ vào tình hình cơ sở vật chất, tình hình đội ngũ giáo viên nhưng đồng thời cũng phải cho các em sử dụng những môn đó để vào các trường đại học sau này. Qua 1 năm học vừa rồi, hiện tại trường Việt Đức chưa thấy có em nào là xin đổi tổ hợp. Vì chúng tôi sắp xếp cũng tương đối hợp lý", bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Trường THPT Việt Đức có đặc thù riêng khi đào tạo thêm 3 ngoại ngữ. Mỗi một ngoại ngữ chỉ tuyển một lớp gồm: lớp tiếng Đức, tiếng Nhật hệ 7 năm và lớp tiếng Pháp tăng cường. Năm nay trong hướng dẫn tuyển sinh, nhà trường cũng ghi rất rõ là đối với lớp tiếng Đức, ngoại ngữ 1 là tiếng Anh, ngoại ngữ hai là tiếng Đức.

Để tránh những lo âu, hoang mang của phụ huynh về các lớp ngoại ngữ này, đặc biệt lớp tiếng Đức, năm nay nhà trường sẽ tổ chức họp và phụ huynh cũng như học sinh sẽ lựa chọn những tổ hợp phù hợp với sở thích, nguyện vọng của bản thân các em thay vì ấn định theo các môn khoa học xã hội như mùa tuyển sinh trước cho lớp ngoại ngữ. Môn lựa chọn năm nay phụ thuộc vào quyết định của số đông học sinh trong lớp.

Một điểm mới trong tuyển sinh của trường Việt Đức nằm ở số tổ hợp. Năm ngoái, nhà trường chỉ có 7 tổ hợp, sang năm nay đã xây dựng thành 10 tổ hợp. Đồng thời, cho học sinh có thể đặt 2 nguyện vọng và sẽ ưu tiên nguyện vọng 1, nếu không được sẽ xét đến nguyện vọng 2.

Năm nay, trường đã đưa môn Âm nhạc vào trong một tổ hợp lựa chọn môn. "Như vậy, để các em học sinh có năng khiếu có cơ hội được thể hiện tài năng của mình, đồng thời chúng tôi cũng hy vọng âm nhạc cũng trở thành môn cứu cánh nhằm giảm bớt áp lực các môn học của các em. Năm ngoái dù đã có đội ngũ nhưng chưa hoàn thiện cơ sở vật chất nên phải chờ đến năm nay mới mở được thêm âm nhạc. Tương lai chúng tôi sẽ có thêm môn Mỹ thuật", cô Bội Quỳnh chia sẻ.

Lời khuyên chọn tổ hợp

Từ kinh nghiệm tổ chức xây dựng kế hoạch tuyển sinh, bà Bội Quỳnh gửi một lời khuyên tới cả học sinh và cha mẹ các em. Đó là việc đừng nhìn thấy các môn cảm thấy khó mà chúng ta buông để chỉ chọn những môn dễ học. Thực tế những môn dễ đấy lại không phục vụ cho các khối thi của các em sau này. Học sinh lựa chọn những môn định hướng nghề nghiệp của mình nên là tổ hợp môn vừa với năng lực và vừa phù hợp với tương lai. Còn trách nhiệm truyền đạt kiến thức cho các em thì hãy để dành lại cho các thầy các cô giáo. Bởi vì bước vào trường cấp 3 các em sẽ học rất nhiều môn mới, kể cả cách học mới, cả phương pháp dạy tư duy. Thầy cô giáo sẽ là người phải đồng hành cùng các em.

"Ví dụ, ở đây tâm lý tôi thấy nhiều em nhìn thấy Lý sợ, nhìn thấy hóa sợ và không dám chọn, nghĩ là khó. Nhưng thực ra nếu như muốn gắn với các khối như A1 sau này, em nên mạnh dạn chọn những tổ hợp có môn Lý, Hóa. Các em không sợ khó đâu khi mà các thầy cô luôn luôn bên cạnh", bà Bội Quỳnh phân tích thêm.

Cô Bội Quỳnh cho biết năm nay ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng 7 các trường sẽ thực hiện công tác tuyển sinh. 7h15 sáng ngày mùng 5, cô Hiệu trưởng sẽ thay mặt Ban giám hiệu tư vấn cho học sinh và cha mẹ các em trực tiếp tại sân trường, định hướng để phụ huynh và học sinh cùng nhìn nhận lại năng lực, sở thích của con em nhằm lựa chọn tổ hợp môn hợp lý.

Còn trong quá trình học sinh lựa chọn tổ hợp môn cho tới trước khi nhà trường kết thúc phân lớp sẽ có thông báo ngày nào là cuối cùng cho phép đổi môn tự chọn, bởi lẽ, không thể nào trong 3 ngày, 5 ngày có thể đưa ra quyết định, cần thêm thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng cho lựa chọn chính xác.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận