Ngày 26/10, Trường Đại học Cửu Long phối hợp với Ban Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ chế biến (CNCB), bảo quản nông lâm thuỷ sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp (Chương trình KC.07/21-30), (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nông lâm thuỷ sản và cơ giới hoá nông nghiệp ứng dụng cho ĐBSCL và vùng phụ cận”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Tiến Tài - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật nhấn mạnh: Đây là Chương trình trọng điểm với mục tiêu là ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản và phụ phẩm nhằm nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Làm chủ được công nghệ chế tạo máy, thiết bị, dây chuyền thiết bị tiên tiến trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản và phụ phẩm phù hợp với điều kiện ứng dụng tại Việt Nam. Phát triển được một số mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ và thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản. Thông qua Hội thảo nhằm tạo cơ hội cho các nhà khoa học trao đổi thông tin thực tế, giải quyết những vấn đề cấp thiết trong nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đặng Thị Ngọc Lan – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long khẳng định: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, ở Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung, công nghệ đang trở thành một động lực của phát triển kinh tế, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường, tham gia vào mậu dịch quốc tế và nâng cao mức sống. Vì vậy, để giúp cho công nghiệp chế biến nông sản phát triển ổn định và bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài cần bắt buộc cải thiện trình độ và năng lực công nghệ.
Hội thảo được nghe nhiều đề tài, tham luận của các nhà khoa học xoay quanh các nội dung gồm: Xu hướng, thực trạng và định hướng đề xuất nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc Chương trình KC.07/21-30. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng phát triển bền vững và giảm thiểu dấu chân carbon trong ngành chế biến thực phẩm. Thực trạng và định hướng phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Vĩnh Long và vùng ĐBSCL; Đề xuất một số nhiệm vụ ưu tiên hỗ trợ khoa học và công nghệ. Định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của Chương trình KC.07/21-30, những vấn đề khoa học cần giải quyết phù hợp với khu vực ĐBSCL. Khoa học thúc đẩy phát triển ngành rau quả Việt Nam. Kết quả nghiên cứu phát triển các chế phẩm sinh học từ phụ phẩm thuỷ sản, ứng dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và bảo quản, chế biến thực phẩm; định hướng khai thác nguồn phụ phẩm thuỷ sản Việt Nam. Cơ giới hoá nông nghiệp ĐBSCL hướng đến nền nông nghiệp thông minh. Xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực bảo quản, chế biến và cơ giới hoá nông nghiệp…
Thông qua Hội thảo nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông lâm thuỷ sản và cơ giới hoá nông nghiệp, phát huy lợi thế và khai thác có hiệu quả nguồn lực của khoa học công nghệ. Góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững các loại nông lâm thuỷ sản ở các tỉnh phía Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.