Gõ cửa từng nhà, ngủ đêm tại làng để “kéo” học sinh ra lớp
Với 385 hộ dân, trong đó gần 90% là người dân tộc Ba-na thuộc hai thôn Bi Giông và Bi Gia, phong tục tập quán của người dân còn rất lạc hậu nên việc vận động học sinh đến trường cũng như duy trì sĩ số lớp là một điều không dễ dàng. Nghèo khó ngăn bước các em đến trường, học sinh tới trường luôn trong tình trạng thiếu sách vở, quần áo, giày dép, thậm chí cơm không đủ no. Thầy Vũ Văn Tùng, giáo viên (GV) trường Tiểu học- THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai cho biết: “Với GV ở đây ngoài việc đứng lớp giảng dạy thì các thầy cô còn phải nắm rõ từng nhà học sinh, cả khu vực nương rẫy của gia đình các em để lên vận động, để tìm học sinh mỗi khi các em bỏ học để đi làm nương rẫy giúp gia đình”.
Thầy Vũ Văn Tùng kể lại, một lần đang ở lớp học thì nghe các em học sinh nói: “Thầy ơi! bạn Đinh Beng lên rẫy làm cho người Kinh rồi". Chỉ kịp khoác vội chiếc ba lô và cưỡi lên "con ngựa sắt" già, thầy Tùng lại bắt đầu một cuộc hành trình hơn 40km đi tìm kiếm học trò. Sau gần 2 giờ đồng hồ rong ruổi đường rừng, thầy Tùng tìm thấy học sinh của mình trong một túp lều giữ rẫy của người dân vào đúng giờ nghỉ trưa. Thầy Tùng tiến lại gần và nói: Về với thầy với lớp đi em. Bỗng có tiếng lanh lảnh của một người phụ nữ trạc tuổi 40 "Sao anh lại cướp công của tôi?". Sau đó là những ngôn từ chua chát khác. Loay hoay tìm hết lời lẽ vận động, giải thích, mãi đến xế chiều hai thầy trò mới được người phụ nữ ấy “tha” cho về với 60.000 đồng là nửa ngày công của em.
Đưa được học sinh về nhưng trong lòng thầy Tùng vẫn canh cánh một nỗi lo vì không biết sẽ giữ được em bao lâu khi mà gánh nặng mưu sinh đang đè trĩu đôi vai cô học trò bé nhỏ. Em không phải là trường hợp duy nhất. “Trường chúng tôi đóng chân trên địa bàn của 2 làng Bi Giông và Bi - Gia, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, được mệnh danh là làng nghèo nhất của một trong những huyện nghèo nhất cả nước”, thầy Tùng xúc động nói.
Chính vì thế, công việc của của những thầy cô nơi đây là buổi sáng đi dạy, buổi chiều đi vận động. Mỗi buổi đến vài gia đình học sinh. Trước ngày tựu trường, ngày nào các thầy, cô cũng đi vận động. Bắt đầu đi khi con gà còn chưa gáy, lúc trở về nhà các con đều đã ngủ thiếp đi tự lúc nào.
Vận động các em ra lớp đã khó, ngăn dòng học sinh bỏ học giữa chừng còn khó hơn. Bởi vậy các thầy, cô giáo phải thường xuyên đến từng ngõ, gõ từng nhà, thậm chí phải ngủ qua đêm tại làng để “kéo” học sinh ra lớp. Thầy Tùng chia sẻ: Những ngày đầu khi đến vận động nhiều phụ huynh cự tuyệt, thậm chí xua đuổi GV và hỏi: Đi học làm gì? Đi học có tiền không?.
Không nản chí, nắm bắt được tâm lý của đồng bào rất tin tưởng vào già làng, trưởng thôn nên thầy Tùng đã tìm đến với họ, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc, tạo sự gần gũi với già làng từ đó mới tâm sự để già làng hiểu và cùng tác động đến phụ huynh, học sinh.
Xây dựng tủ bánh mỳ 0 đồng và gây Quỹ sinh kế để giữ chân học sinh nghèo
Thương cảm trước những hoàn cảnh học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nhịn đói đến trường, thầy Vũ Văn Tùng kêu gọi sự ủng hộ để xây dựng mô hình “Tủ bánh mì 0 đồng”. Sau khi nghe tâm sự của thầy, một chủ lò bánh mỳ đã quyết định hỗ trợ 60 ổ bánh mỳ mỗi tuần. Tuy nhiên số bánh mỳ như vậy là không đủ cho hơn 370 học sinh nên thầy Tùng đã phải trích một phần tiền lương ít ỏi của mình ra để mua thêm bánh mỳ. Ngày 05/12/2021, “Tủ bánh mỳ 0 đồng” chính thức được khai trương. Ban đầu kinh phí còn ít chỉ có thể hỗ trợ 60 ổ bánh mì cho các em, nhưng nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà hảo tâm và sự lan tỏa của mô hình, đến nay cứ đều đặn vào các sáng thứ 2, thứ 4 và thứ 6, “Tủ bánh mì 0 đồng” đã hỗ trợ bữa ăn sáng cho hơn 200 em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại các điểm trường. Cũng từ ngày đó, sáng nào thầy Tùng cũng phải ra khỏi nhà lúc 4h để qua lò bánh mỳ cách nhà 25 km lấy bánh về phát cho học sinh vào lúc 6h sáng và kết thúc vào lúc 6h30. Từ ngày triển khai “Tủ bánh mỳ 0 đồng”, các em học sinh đến trường đúng giờ, sĩ số học sinh được đảm bảo.
Song song với chương trình tủ bánh mỳ 0 đồng, thầy Tùng còn xây dựng quỹ sinh kế, từ nguồn kinh phí vận động thầy đã mua dê, mua bò tặng cho học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp gia đình phát triển kinh tế, đủ ăn để con em được đến trường. Từ năm 2021 đến nay quỹ đã trao tặng 5 con dê sinh sản có trị giá hơn 10 triệu đồng và 6 con bò sinh có giá hơn 70 triệu đồng cho 8 em. Hiện thầy đã mua 5 con bò giống sinh sản, gửi nuôi tại chuồng của dân để xây dựng quỹ sinh kế hỗ trợ lâu dài cho học sinh với số tiền gần 80 triệu đồng. Đến nay đàn bò này đã sinh sản thêm 4 con. Tuy nhiên thầy Tùng vẫn trăn trở: Khó khăn lớn nhất là làm sao để duy trì được quỹ sinh kế. Việc gửi bò, dê ở nhà người dân để nhờ chăm nuôi chỉ là phương án tạm thời, thầy trò nơi đây mong muốn có kinh phí để có một vài sào đất dựng trại chăn nuôi, trồng cỏ để phát triển đàn bò lâu dài.
Bên cạnh đó, thầy Tùng còn hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo điều trị Covid-19, hỗ trợ đưa học sinh đi chữa bệnh, điển hình như trường hợp một em học sinh bị nhiễm trùng nấm, một loại nấm lạ ăn sâu vào tận xương sọ não. Thầy đưa trò đi chữa bệnh ròng rã 5 tháng mới hết bệnh. Hay trường hợp một học sinh đi chữa bệnh tim bẩm sinh, nhờ sự kết nối của thầy nên đã được tài trợ 100% chi phí phẫu thuật...
“Thầy ơi, thầy đừng bỏ chúng em”- tình cảm đó đã níu tôi ở lại”
Thấm thoắt cũng đã 16 năm gắn bó với nghề gieo con chữ nơi đây. Thầy Vũ Văn Tùng nhớ lại: Ngày ấy, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp đại học, mang ba-lô hăm hở bước vào trường THCS Cù Chính Lan, xã Ia Kdăm – một xã vùng 3 có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện Ia Pa. Cứ vào mùa mưa đường sá đi lại khó khăn, nhiều chỗ bị chia cắt, dân cư thưa thớt, thời tiết khắc nghiệt. Sau 6 năm gắn bó gắn bó với trường, thầy Tùng nhận quyết định điều động về trường THCS Lương Thế Vinh, xã Pờ Tó cũng là một xã vùng 3 có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Năm 2015, trường Tiểu học - THCS Đinh Núp được thành lập, thầy lại “khăn gói” xung phong lên đường nhận nhiệm vụ mới. Ở đây điều kiện giao thông đi lại rất khó khăn, mùa khô nắng rát mặt và phủ đầy bụi đỏ, mùa mưa thì nhiều đoạn đường sình lầy, trơn trượt từ nhà đến trường 40km, phải mất hơn vài tiếng đồng hồ.
Thầy Tùng chia sẻ: Sau nhiều năm gắn bó với nơi đây nghĩ thương vợ phải hy sinh một mình chăm lo cho gia đình, con cái thì thiệt thòi vì bố hôm nào cũng đi làm từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới về, mùa hè năm 2021 tôi đã viết đơn xin chuyển công tác về vùng thuận lợi. Vô tình một học sinh đọc được lá đơn của tôi nên đã cùng các bạn gặp thầy bày tỏ: “Thầy ơi, thầy đừng bỏ chúng em!”, tôi đã vô cùng xúc động và cất luôn hồ sơ đó. Với mỗi GV như chúng tôi, tình cảm gắn bó của học sinh chính là động lực to lớn giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn. 16 năm công tác giảng dạy ở các trường vùng sâu xa nên việc trong gia đình đều trông vào cả vào vợ. May mắn vợ cũng là GV mầm non nên đã thông cảm, ủng hộ chăm lo nuôi dạy con cái để chồng tập trung vào công tác chuyên môn và công tác xã hội”.
Với lòng yêu thương học sinh và nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy luôn vững tin công tác, cố gắng phấn đấu, học tập, đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn. Thầy Tùng cho biết: Là một GV dạy môn Lịch Sử, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tôi phải tìm tòi, học hỏi thêm, phải dụng phương pháp mới phát huy năng lực của học sinh như sử dụng công nghệ thông tin, lồng ghép phim ảnh. Hiệu quả rõ nhất là học sinh ngày càng thích học hơn, chịu hợp tác xây dựng bài rất tốt thay vì chỉ ngồi thụ động như trước đây...
Năm học 2022-2023 này thầy Tùng được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của tỉnh từ năm 2021-2023; được mời tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới, thầy Vũ Văn Tùng vinh dự là 1 trong 58 gương GV tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức…
“Là một giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, chúng tôi mong sao Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa. Đồng thời cải thiện dân trí, phát triển kinh tế nơi đây để người dân có cuộc sống ổn định. Bởi với đồng bào, bụng chưa no thì con chữ học không vào được...”. Thầy giáo Vũ Văn Tùng |