Chuyện chưa cũ sau 10 năm đổi mới giáo dục

Thực hiện cải cách căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29, toàn ngành đã nỗ lực để đạt được nhiều kết quả...

 

Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, quá tải trường lớp, bạo lực học đường...

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV nhận định, cải cách giáo dục đã đưa tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học tăng cao, tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục THPT, xóa mù chữ... Đáng chú ý, giáo dục đại học của Việt Nam cũng phát triển vượt bậc. Nhiều trường đại học của Việt Nam được nêu tên trên bản đồ đại học của khu vực và thế giới.

Từng công tác trong ngành giáo dục, nay là Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và cũng thường xuyên theo sát ngành giáo dục, thường xuyên lắng nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng của cử tri nói chung, cử tri ngành giáo dục nói riêng, bà Nga cho rằng, ngành giáo dục luôn có tinh thần đổi mới sáng tạo, dẫn dắt đổi mới sáng tạo, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Chặng đầu trong 10 năm đổi mới giáo dục

PV: Đại biểu đánh giá như thế nào về chặng đường 10 năm ngành giáo dục thực thiện cải cách căn bản, toàn diện theo Nghị quyết 29?

Đại biểu Việt Nga: Mười năm qua, ngành giáo dục đã thực hiện mục tiêu hết sức quan trọng trong đổi mới nền giáo dục nước nhà, chuyển hướng giáo dục từ nặng về truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học theo đúng xu thế thế giới.

Chúng ta đã xây dựng một chuẩn chương trình cần đạt được cho học sinh. Bước đầu tiên còn nhiều khó khăn, nhiều vương mắc tuy, nhiên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được bước đầu cho thấy được tính ưu việt của nó cũng như có hiệu quả ban đầu.

Chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu rất nhiều hoạt động trải nghiệm và các hoạt động khác nữa cho học sinh, nhưng cách Nhà nước giao ngân sách cho ngành giáo dục thực hiện vẫn là “giao theo cách cũ, chương trình cũ”. Định mức kinh phí cũ với yêu cầu thực hiện chương trình mới tạo thêm ngổn ngang khó khăn cho ngành giáo dục. Tôi rất chia sẻ với ngành giáo dục khi đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, vướng mắc và phức tạp.

Các vấn đề đang được tháo gỡ dần dần, nhưng với những vấn đề là căn bản, cốt lõi, tôi đề nghị trong thời gian tới phải được tháo gỡ khẩn trương.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, thiếu giáo viên đang là khó khăn lớn nhất của ngành giáo dục, vậy theo bà, ngành giáo dục sẽ đối mặt và vượt quá khó khăn này như thế nào?

Đại biểu Việt Nga: Cơ sở hạ tầng đầu tiên của giáo dục chính là giáo viên. Thế nhưng, theo thống kê của Bộ Nội vụ, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, số lượng viên chức là giáo viên nghỉ việc chiếm phần cơ bản trong số lượng viên chức nói chung nghỉ việc. Đây là điều rất đáng tiếc.

Thậm chí nhìn ở góc độ người trong ngành, tôi thấy đau xót.

Thứ nhất, chúng ta đang thiếu giáo viên trầm trọng. Nếu làn sóng giáo viên nghỉ việc tiếp diễn thì tình trạng sẽ càng trầm trọng hơn.

Thứ 2, chúng ta đang nỗ lực thực hiện thắng lợi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhưng giáo viên nghỉ việc là điều đáng tiếc và tác động không nhỏ đến việc thực hiện chương trình mới.

Nguyên nhân của giáo viên bỏ việc, sau khi tìm hiểu, chúng tôi thấy, bất cứ học sinh nào muốn thi vào sư phạm cũng là những người đã rất yêu nghề. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, các em có rất nhiều lựa chọn. Nhưng khi nhìn trước được ở xã hội nghề giáo viên vất vả, lương, thu nhập không cao nhưng vẫn quyết định gắn bó với ngành sư phạm có nghĩa là đã được nuôi dưỡng bằng tình yêu ngành sư phạm.

Tuy nhiên, gắn bó với nghề một thời gian, thậm chí có những người gắn bó khá lâu thì lại quyết định rẽ sang hướng khác. Tôi nghĩ với những cá nhân này, người ta có những cân nhắc, đắn đo, thậm chí day dứt rất lớn khi chia tay ngành nghề. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là thu nhập của giáo viên quá thấp so với mặt bằng cuộc sống chung, áp lực công việc nhiều.

Chính vì vậy, khi có điều kiện chuyển sang công việc khác tốt hơn, họ sẽ không gắn bó với ngành sư phạm nữa.

Tôi thấy rất day dứt trước hiện trạng này. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó có những chế độ, chính sách, ưu đãi riêng đối với đội ngũ giáo viên. Hy vọng sau khi được thông qua sẽ là nguồn động viên lớn, thêm những ưu đãi nhất định đối với giáo viên để giữ tình yêu nghề.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.PV: Trên chặng đường cải cách giáo dục, Chương trình Giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới là những vấn đề gây rất nhiều dư luận trái chiều, bà đánh giá tính khả thi của chương trình mới như thế nào?

Đại biểu Việt Nga: Hiện nay, là năm thứ 3 theo lộ trình chúng ta thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc dạy bộ SGK nào không quan trọng mà quan trọng là hết lớp 1 học sinh được “nghiệm thu” để xác định các em có đọc thông viết thạo, có làm tính thành thạo theo đúng chuẩn chương trình hay không?

Khi học sinh đạt được đúng chuẩn chương trình này, SGK không quan trọng nữa mà quan trọng là học sinh đạt được chuẩn kỹ năng. Đây là điều ưu việt.

Thứ nhất là yêu cầu đội ngũ giáo viên phải thực sự bản lĩnh và có năng lực. Bởi thay vì được cung cấp sẵn một bộ SGK để dạy, thì giáo viên phải tự chịu trách nhiệm để tìm hiểu và lựa chọn SGK phù hợp để dạy cho học sinh.

Như vậy, cũng đòi hỏi giáo viên phải am hiểu về đối tượng học sinh của mình, bởi không phải học sinh nào cũng giống học sinh nào, hay lứa lớp 6 năm nay sẽ hoàn toàn khác với lớp 6 năm sau. Vậy thì, giáo viên phải biết được năng lực học sinh của mình và bộ SGK nào ưu việt với học sinh của mình nhất.

Thứ hai, lợi ích với học sinh là các em không bị phụ thuộc vào SGK. Từ đó triệt tiêu được dạy vẹt và học vẹt. Tiếp đó là xây dựng được một thế hệ công dân mới không suy nghĩ theo lối mòn, không hành động dập khuôn, các em sẽ trưởng thành và sống đầy bản lĩnh, biết đưa ra ý kiến, chính kiến của mình trong mọi vấn đề và các em sẽ rất linh hoạt trong mọi vấn đề của cuộc sống.

Đây là ý nghĩa và mục đích của Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng rất tiếc đến thời điểm này, chưa nhiều người thấm thía được tính ưu việt của chương trình mới.

Vì chưa thấm được tính ưu việt, cộng với việc chúng ta chuẩn bị chưa kỹ về mặt cơ sở hạ tầng giáo dục nên chương trình giáo dục chưa phát huy được.

Thậm chí, chúng ta chưa đào tạo được đội ngũ giáo viên dạy những môn học mới. Ví dụ như dạy liên môn ở cấp THCS, chúng ta vẫn sử dụng giáo viên đào đơn môn để dạy liên môn.

Bên cạnh đó, quá trình tuyên truyền, truyền thông mục đích của việc đổi mới SGK cũng chưa được thực hiện trọn vẹn. Chính vì thế, đã gây nên rất nhiều dư luận và áp lực cho ngành giáo dục.

Về đích thành công?

PV: Như đại biểu vừa chia sẻ, ngành giáo dục mới đi được nửa chặng đường thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Theo bà, chương trình mới cần những điều kiện cần và đủ nào thể “về đích thành công”?

Đại biểu Việt Nga: Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến năm 2025 sẽ hoàn tất một chu trình chuyển đổi và kỳ thi 2025 là khâu cuối kết thúc chu trình này.

Chương trình sẽ phát huy được hiệu quả mong muốn khi đã có sự chuẩn bị rất kỹ về các điều kiện hạ tầng. Để đạt được điều này, tôi nghĩ rằng Bộ GD-ĐT cùng toàn thể xã hội phải có những nỗ lực rất lớn. Đặc biệt là cải thiện hạ tầng về cả giáo viên và cả cơ sở vật chất.

Chúng ta vẫn đang sử dụng hệ thống trường lớp cũ, nhưng trong chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm tăng tương tác và tính tích cực của học sinh, cho nên kết cấu chương trình các em làm việc nhóm rất nhiều. Nhưng chúng ta chỉ có lớp học theo truyền thống, với bảng đen phía trên và kê bàn ở dưới, để giáo viên độc thoại bên trên và học sinh ngồi nghe cô ở dưới. Do đó, nếu muốn tổ chức các nhóm thì tổ chức lớp học phải khác, việc kê bàn học phải theo nhóm, đòi hỏi phải có không gian. Như vậy, rất khó khăn khi chương trình mới triển khai và chính bản thân giáo viên cũng không thấy được tính ưu việt của chương trình.

Ngoài ra, chúng ta đang sử dụng một đội ngũ giáo viên đang giảng dạy mấy chục năm chương trình cũ để chuyển sang chương trình mới. Chỉ đơn giản là đưa cho họ SGK mới, cùng thời gian vài ngày tập huấn, thì toàn bộ tư duy của giáo viên chưa chuyển kịp giữa thực hiện chương trình cũ sang chương trình 2018.

Tư duy này rất quan trọng, nếu không bắt kịp, giáo viên sẽ cảm thấy khó khăn, phức tạp, rắc rối và vất vả… Trong quá trình chọn SGK, giáo viên cũng sẽ cảm thấy vô cùng áp lực.

PV: Xin cảm ơn đại biểu!

Nhóm PV/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận